“Nhìn vào các chỉ tiêu của Eximbank là phù hợp; tuy nhiên chỉ tiêu 1.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế là không dễ dàng; rất khó khăn”, Cục trường Cục Thanh tra, giám sát NHNN Tp. HCM (Cục II), ông Nguyễn Văn Dũng đã phát biểu như thế khi nhìn vào các số liệu chỉ tiêu trong bản kế hoạch kinh doanh năm 2015 được Eximbank (HSX: EIB) thông qua tại ĐHCĐ thường niên năm 2015.
Theo đó, trong năm 2015, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam đặt ra một số chỉ tiêu hoạt động chính như sau: Tổng tài sản 180.000 tỷ đồng (tăng 12% so với năm 2014); Huy động vốn 126.000 tỷ đồng (+24%); Dư nợ cấp tín dụng 108.750 tỷ đồng (+11%); Doanh số thanh toán quốc tế 7,9 tỷ USD (+30%); 1,1 triệu KH (+22%); 218 điểm giao dịch; cổ tức dự kiến 4,8%.
Đặc biệt, Eximbank đã “mạnh dạn” đề ra và thông qua mục tiêu lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng, bằng 1.450% kết quả thực hiện trong 2014 (69 tỷ đồng). Với mục tiêu trên, ngân hàng dự kiến các chỉ số hiệu suất sinh lời: ROA ở mức 0,46% và ROE ở mức 5,4%.
Nội dung trên cũng chính là điều mà ông Nguyễn Văn Dũng, vị khách mời đến tham dự đại hội với tư cách người đại diện NHNN tỏ ý băn khoăn.
“HĐQT và Ban điều hành cần xem xét chỉ tiêu này”, Cục trường Cục Thanh tra, giám sát NHNN TP. HCM khuyến nghị.
Là người đứng đầu Cục II - cơ quan đảm nhiệm việc thanh tra, giám sát, quản lý hoạt động của các TCTD trên địa bàn TP. HCM – nơi Eximbank đặt hội sở; đồng thời cũng là người trực tiếp chỉ đạo công tác thanh tra đột xuất Eximbank vào cuối tháng Ba vừa rồi, rõ ràng, hơn ai hết, ông Dũng quá hiểu hiện trạng sức khỏe cũng như những vấn đề nội tại đang diễn ra tại Eximbank.
Khát vọng vực dậy và mục tiêu trung hưng, đưa thương hiệu Eximbank trở lại nhóm các nhà băng lợi nhuận nghìn tỷ là cần thiết và đáng ghi nhận. Song như ý kiến của ông Dũng, Eximbank cũng nên cân nhắc và tự lượng sức mình. Bởi lẽ, diễn biến gay gắt và những phát biểu sòng phẳng như “bát nước đổ đi” của hàng loạt những cổ đông nhỏ lẻ ngay tại đại hội tự thân đã là một minh chứng nhãn tiền.
Trở về hơn một năm trước đây, tại ĐHCĐ thường niên Eximbank 2014, trước những bức xúc của cổ đông khi mục tiêu lợi nhuận 2013 bị phá sản hoàn toàn (828 tỷ đồng, tương đương với 26% kế hoạch), đoàn chủ tọa đã ra thông điệp: “Lợi nhuận năm 2013 thấp song bình quân lợi nhuận từ 2010 – 2013 của Eximbank là tương đối tốt, khoảng 2.500 tỷ đồng/năm. Năm 2014 – 2015 tin tưởng là sẽ tốt hơn”. Nhưng thực tế thì sao (?).
Con số “tin tưởng là sẽ tốt hơn” đã cán đích mở mốc 69 tỷ đồng, thấp hơn cả trăm lần số liệu thất vọng của trước đó một năm và chỉ đạt 3,8% kế hoạch đề ra.
“Lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh năm 2014 của Eximbank là 1.940 tỷ đồng nhưng thực hiện chủ trương của NHNN là phải tập trung xử lý nợ xấu nên hầu hết lợi nhuận kinh doanh được dùng để giải quyết vấn đề này, trích lập dự phòng 20% trên tổng số nợ đã bán cho VAMC. Do vậy, lợi nhuận hợp nhất cuối năm 2014 trên sổ sách chỉ còn 69 tỷ đồng”, người có trách nhiệm tại Eximbank đã lên tiếng giải thích như vậy trước những “cái đầu nóng” đang chất vấn như “xát muối vào lòng” các nhân vật ngồi trên bàn chủ tọa.
“Lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2015 đã là 570 tỷ đồng, tương đương 57% kế hoạch năm”, “tổng lợi nhuận của cả 5 năm qua là hơn 10.000 tỷ đồng, bình quân 2.000 tỷ/năm”, “cuối năm 2015 ngân hàng sẽ hoàn thành kế hoạch đề ra” – những người lãnh đạo Eximbank có thể nói thế, nói nữa hoặc hứa thêm các điều gì khác đi chăng nữa thì thực tế “lời nói gió bay” ắt hẳn cũng khó thể xóa nhòa.
“Lấn cấn” của Cục trưởng Cục II, Nguyễn Văn Dũng rõ ràng đầy căn cứ và là điều mà Eximbank nên cân nhắc!
Ninh Giang
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.