Vừa qua, 2 công ty chứng khoán đầu tiên là Chứng khoán FPT (FTS) và Rồng Việt (VDSC) đã công bố kết quả kinh doanh năm 2017 với những con số ngoài mong đợi. FTS ghi nhận mức lợi nhuận ròng cao nhất trong vòng 8 năm trở lại đây với 179 tỷ đồng, vượt 26% kế hoạch, trong khi đó VDSC lãi 111 tỷ đồng, tăng trưởng 25% và vượt 35% chỉ tiêu năm.
Những yếu tố tạo nên kết quả vượt kỳ vọng trên đến từ hoạt động môi giới và đầu tư tài chính – 2 biến số tỷ lệ thuận với sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán.
Năm 2017, TTCK Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất trong hơn một thập kỷ cả về giá trị giao dịch và điểm số.
Với hàng loạt cổ phiếu được niêm yết và đăng ký giao dịch trên 2 sàn HOSE và HNX, thanh khoản thị trường được nâng lên một ngưỡng mới. Tính chung cả năm, tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 47 tỷ cổ phiếu, tăng 46% so với năm trước. Giá trị giao dịch đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng gần 40%, giá trị trung bình mỗi phiên đạt 4,981 tỷ đồng, tăng 63%.
Bên cạnh đó, số lượng tài khoản của nhà đầu tư nội địa và nước ngoài cũng tăng mạnh, trong đó tổng số tài khoản của NĐT đạt 1,9 triệu tài khoản, tăng 11% so với năm 2016, trong đó tại khoản của NĐT nước ngoài tăng 14.3%.
Hiện nay, doanh thu hoạt động môi giới của các công ty chứng khoán được tính trên giá trị giao dịch của nhà đầu tư. Tỷ lệ này ở mỗi công ty là khác nhau tuy nhiên dao động quanh mức 0,25% - 0,4% đối với giao dịch cổ phiếu. Như vậy, với mức tăng trưởng thanh khoản 40% giá trị tới hơn 1 triệu tỷ đồng, các CTCK có thể thu về từ 2.500 tỷ đồng – 4.000 tỷ đồng với hoạt động môi giới.
Theo công bố của sở giao dịch, top 3 CTCK môi giới lớn nhất 2017 đang nắm giữ khoảng 36,65% thị phần tại HSX và 30,58% thị phần trên HNX.
CTCK Sài Gòn (HOSE: SSI) là đơn vị dẫn đầu tại cả 2 sàn giao dịch HOSE và HNX với thị phần môi giới lần lượt là 13,69% và 11,4%. Theo sau là CTCK Sài Gòn – Hà Nội, CTCK VNDirect, CTCK HSC, CTCK Bản Việt (VCSC)…
CTCK lớn nhất thị trường cả về quy mô và thị phần giao dịch hiện tại là CTCK Sài Gòn hiện vẫn chưa công bố KQKD quý 4, tuy nhiên với những gì đã thể hiện trong thời gian qua, khả năng cao công ty này sẽ vượt xa kế hoạch đặt ra trong năm 2017. Câu chuyện tương tự cũng xảy ra tại VNDirect, HSC hay Bản Việt.
Dù không nằm trong top CTCK nắm thị phần lớn, doanh thu môi giới của FTS và VDSC vừa công bố cho những kết quả ấn tượng. Trong đó, tại VDSC, doanh thu từ môi giới của đơn vị này đã tăng 77% so với năm trước với 87 tỷ đồng, trong khi con số này tại FTS 39,6 tỷ đồng, tăng trưởng 51%.
Với những CTCK có mảng tự doanh, hoạt động đầu tư tài chính chứng khoán cũng sẽ là biến số quan trọng tạo nên kế quả đột biến trong năm 2017.
VN-Index năm qua đã tăng 43% lên 952,32 điểm. Bước sang 2018, dòng tiền vẫn liên tục đổ vào thị trường qua cá nhân nội địa và nước ngoài cùng các quỹ đầu tư đẩy hàng loạt cổ phiếu, giúp VN-Index chinh phục mốc lịch sử 1.000 điểm.
Những cổ phiếu lớn chiếm tỷ trọng cao trong danh mục của CTCK (SSI, HSC, VND…) và các quỹ đều có mức tăng giá ấn tượng. Một số mã nổi bật có thể kể tới như HPG và PLX đều ghi nhận mức tăng ấn tượng lần lượt 69% và 59% trong cả năm 2017; FPT tăng 52%, PVS tăng 46%, LAS tăng 22%, MBB tăng 101%, ACB tăng 96%...
Với CTCK việc tính giá trị danh mục theo chuẩn kế toán mới Mark-to-market sẽ giúp các đơn vị này ghi nhận lợi nhuận đầu tư ngay trong quý IV và cả năm 2017. Vừa qua, VDSC đã báo doanh thu từ mảng đầu tư tài chính tăng trưởng tới 98% với hơn 100 tỷ đồng, chiếm gần 30% tỷ trọng của doanh thu hoạt động của đơn vị.
Bước sang năm 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Sau khi chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng 48% của chỉ số, vượt xa mức lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng chỉ 8,5%, nhà đầu tư dường như đang dịch chuyển nguồn tiền sang kênh đầu tư hiệu quả hơn.Sang năm 2018, liên tục xuất hiện các phiên giao dịch trên 10.000 tỷ đồng đã đưa thanh khoản TTCK Việt Nam sang một trang sử mới. Một nguồn thu không nhỏ của CTCK đến từ cho vay giao dịch ký quỹ và với sức nóng của thị trường hiện tại, nguồn thu này đã đem về không ít lợi nhuận cho các tổ chức tài chính.
Số lượng nhà đầu tư mở tài khoản và tham gia giao dịch vẫn đang tăng lên; dòng vốn nội địa và khối ngoại đang bị hút vào thị trường chứng khoán trong những ngày đầu năm 2018, điều này hứa hẹn một kịch bản tương tự của năm 2017 sẽ lặp lại.
Với sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường, CTCK – những trung gian kết nối nhà đầu tư kỳ vọng sẽ đón nhận kết quả khởi sắc trong “mùa xuân” này
LÊ HẢI
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.