Tín dụng cho BĐS tăng chậm trong nửa đầu năm
Theo báo cáo từ Công ty cổ phần Chứng khoán TP HCM (HSC), tín dụng cho lĩnh vực bất động sản (BĐS) tăng chậm nửa đầu năm. Ngân hàng thương mại (NHTM) tỏ ra thận trọng hơn khi cho vay những lĩnh vực rủi ro cao như cho vay mua nhà và cho vay chủ đầu tư BĐS.
Lãi suất cho vay mua nhà tăng khoảng 1 - 2% còn lãi suất cho vay chủ đầu tư tăng khoảng 0,5%. Điều này có thể ảnh hưởng nhất định đến nhu cầu mua nhà.
Còn về phía chủ đầu tư, lãi suất cho vay tăng chưa làm ảnh hưởng do thị trường BĐS tại TP HCM đã hồi phục sau 1 năm nhiều khó khăn. 5 công ty bất động sản niêm yết lớn nhất gồm Vingroup (VIC), Novaland (NVL), Nam Long (NLG), Đất Xanh (DXG) và Khang Điền (KDH) cũng đã đa dạng hóa nguồn vốn huy động thay vì phụ thuộc vào các NHTM để ảnh hưởng rủi ro từ lãi suất.
HSC tỏ ra lạc quan về lợi nhuận ngành BĐS trong năm 2018 nhờ hạch toán doanh thu bán nhà/căn hộ từ các năm trước. Tuy nhiên, nhu cầu trên thị trường trong 6 tháng cuối năm có thể kém đi một chút và rủi ro này ở mức vừa phải.
Về các khoản nợ của chủ đầu tư, HSC thấy có 2 rủi ro. Thứ nhất, một số chủ đầu tư lớn có các khoản nợ bằng ngoại tệ sẽ chịu rủi ro tỷ giá. Thứ hai, với các khoản vay ngân hàng và trái phiếu phát hành có lãi suất thả nổi thì chi phí lãi vay tăng nếu lãi suất tăng.
HSC dự báo lãi suất cho vay bình quân cả năm có thể tăng 0,5 - 1% nên chi phí đi vay của chủ đầu tư không tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm.
NLG và KDH ít ảnh hưởng biến động lãi suất
Khảo sát 3 năm từ quý I/2015 đến quý I/2018, HSC cho biết mức nợ của NLG đang ở mức rất thấp, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu là 0,12 lần, giảm 0,16 lần. Tổng nợ của NLG quý I/2018 là 449 tỷ đồng (giảm 21,4%), chủ yếu là vay từ OCB và Vietcombank.
KDH cũng đã giảm tỷ lệ nợ đáng kể từ 0,55 lần về 0,17 lần. Đến cuối quý I/2018, tổng nợ của KDH là 1.119 tỷ đồng (giảm 15,2%), chủ yếu là vay từ Vietinbank and OCB.
HSC đánh giá dù lãi suất có tăng thì cả 2 chủ đầu tư NLG và KDH ít bị ảnh hưởng hơn nhiều so với các doanh nghiệp khác do mức nợ cho đến cuối quý I của 2 công ty giảm mạnh nhờ chủ yếu sử dụng vốn từ người mua trả tiền trước hoặc hợp tác với các NĐT nước ngoài.
Trong số các chủ đầu tư lớn, NVL có tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu cao nhất và điều này có lẽ cũng đã được phản ánh vào giá cổ phiếu. NVL có tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu cao nhất trong số các chủ đầu tư lớn, đạt 1,39 lần với tổng nợ lên đến 18.700 tỷ đồng (tăng 4,4%). Trong đó 24% là nợ bằng USD và 76% là nợ bằng VND. Chủ yếu các khoản nợ của NVL vay từ các NHTM như Vietinbank, VPB và Sacombank. NVL cũng đã phát hành tổng cộng 6.886 tỷ đồng trái phiếu thường cho Techcombank, MBB và Tienphongbank với lãi suất coupon từ 10-11%.
DXG tăng mạnh vay nợ khi trở thành một chủ đầu tư lớn trong những năm gần đây. Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của DXG tăng 0,37 lần lên mức 0,5 lần vào quý I/2018 nhưng vẫn ở mức khá hợp lý. Năm ngoái, DXG đã phát hành tổng cộng 929 tỷ đồng trái phiếu thường với lãi suất coupon khoảng 10 - 10,5%, theo đó tổng giá trị trái phiếu phát hành là 1.279 tỷ đồng (chiếm 52% tổng nợ). Đây là các trái phiếu kỳ hạn 3 - 4 năm với lãi suất thả nổi, phát hành cho các NHTM như Tienphongbank, VPBank và VIB.
KHỔNG CHIÊM
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.