Quỹ Tundra Vietnam D kết thúc năm 2018 tại thị trường chứng khoán Việt Nam với kết quả âm 14,7% tài sản ròng (NAV) tính theo đồng USD. Tính riêng trong tháng 12, tài sản của quỹ giảm 4,3%, đứng thứ 4 trong danh sách những tháng kém nhất của công ty.
Nhìn lại năm trước, tháng 10 là thời điểm “tồi tệ” nhất của Tundra Vietnam D khi tài sản ròng giảm 12%. Xếp sau lần lượt là tháng 5 với 9,2% và tháng 4 với 6,9%. Xét theo chu kỳ 3 tháng, quý III là thời gian khủng hoảng khi có 3 tháng giảm liên tiếp NAV.
Nhóm 10 cổ phiếu chiếm tỷ trọng NAV cao nhất của Tundra Vietnam D đều giảm điểm trong tháng cuối của 2018. Trong đó, cổ phiếu VND của VNDirect (tỷ trọng 3,8%) mất 13% giá trị, theo sau là cổ phiếu LDG (tỷ trọng 3,8%) mất 10% giá trị. Đây cũng là 2 trong 5 khoản đầu tư sụt giảm mạnh nhất trong tháng 12.
Ba cổ phiếu quỹ nắm giữ lớn nhất là FPT, MSN và DXG đều giảm nhẹ 1,1-2,6%.
Ở chiều tích cực, nhóm cổ phiếu “cứu” đà giảm NAV của quỹ gồm PC1 của CTCP Xây lắp Điện I (HOSE: PC1) tăng gần 11%, theo sau là NKG của Thép Nam Kim tăng 4,7%, KDC tăng 4,3%...
Tính theo tỷ trọng đầu tư, các cổ phiếu tài chính đang được Tundra Vietnam D nắm giữ phân bổ lớn nhất với 21%, theo sau là bất động sản chiếm 19% và mặt hàng tiêu dùng chiếm 13%. Tỷ trọng tiền mặt và tài sản khác chiếm 4%.
Lo ngại về chu kỳ suy giảm của lĩnh vực bất động sản
Theo Tundra Vietnam D, VN-Index đã có thời điểm tăng 22% lên mức đỉnh lịch sử 1.204 điểm, trước khi giảm 26% về mức 892 điểm khi kết thúc năm.
Giá trị giao dịch trung bình phiên được cải thiện đáng kể đạt 275 triệu USD. Trong khi phần lớn các thị trường cận biên và mới nổi đều chứng kiến rút vốn (outflow), Việt Nam hút 3,2 tỷ USD dòng vốn đầu tư, phần lớn từ các thương vụ IPO lớn (Vinhomes và Yeah 1) và các các cổ phiếu như Masan, Vingroup, Vincom Retail… Giá cổ phiếu của các blue-chip và Vincom, Masan, Novaland.... đều rơi vào chu kỳ thị trường gấu theo xu hương chung.
Các cổ phiếu mid-cap của Tundra Vietnam D không có diễn biến tốt trong năm 2018. Khoản đầu tư vào Hoa Sen của quỹ đã không chuẩn xác do ảnh hưởng nặng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, gây nên rủi ro cho hoạt động xuất khẩu của công ty. Quỹ tin rằng khi những lo ngại về cuộc chiến thương mại lắng xuống, sự đảo chiều cổ phiếu có thể sẽ diễn ra.
Các cổ phiếu Mid-cap trong lĩnh vực bất động sản (DXG), công nghiệp (PCC1) và dệt may (TNG) đã có đóng góp tích cực. Việc thiếu tỷ trọng tự đối với các cổ phiếu lớn thuộc mảng bất động sản (Vincom Retail), mặt hàng tiêu dùng (Vinamilk) không tác động nhiều.
Quỹ tiếp tục duy trì tình trạng tỷ trọng cao với lĩnh vực tài chính, công nghiệp và các mảng tiêu dùng nơi định giá hợp lý hơn nhiều và tăng trưởng thu nhập có thể vẫn ở mức hai con số. Năm 2019, Tundra Vietnam D thận trọng về sự suy giảm theo chu kỳ có thể xảy ra trong lĩnh vực bất động sản do nguồn cung đang dần vượt quá cầu và dấu hiệu tăng lãi suất. Điều này hoàn toàn trái ngược với Dragon Capital khi quỹ ngoại lớn nhất Việt Nam đang giải ngân nhiều nhất vào mảng bất động sản. Tundra có khả năng duy trì thiếu cân bằng trong lĩnh vực bất động sản và các lĩnh vực liên quan như vật liệu và xây dựng.
Định giá hấp dẫn với P/E đạt 13,6 lần
Chiến tranh thương mại khi Mỹ áp thuế cao hơn với hàng hóa Trung Quốc làm phát sinh những mối đe dọa khi các sản phẩm Trung Quốc được chuyển sang các nước láng giềng (đặc biệt là Việt Nam) hoặc được xuất khẩu gián tiếp sang Mỹ thông qua các quốc gia này trở thành mối quan tâm chính.
Điều này có khả năng làm gián đoạn động lực cung cầu ở Việt Nam và các nước ASEAN khác. Đồng thời, Mỹ có thể kích hoạt thuế quan đối với Việt Nam để hạn chế xuất khẩu gián tiếp các sản phẩm Trung Quốc.
Bên cạnh đó, lãi suất của Fed tăng và đồng USD mạnh lên cũng khiến các nhà đầu tư trong nước lo ngại. Mặt khác, do kỳ nghỉ đầu năm âm lịch vào tháng 1, các nhà đầu tư nội sẽ rời khỏi thị trường từ tháng 12, dẫn đến sự sụt giảm trong tháng cuối của năm 2018. Tuy nhiên, điều này cũng đưa định giá thị trường của Việt Nam về mức hấp dẫn, với P/E đạt 13,6 (giảm so với P/E 22 mức cao nhất trong nửa đầu).
Loại trừ diễn biến cổ phiếu, Việt Nam đã chứng tỏ là một trong những nền kinh tế mạnh trong số các thị trường cận biên và mới nổi. GDP 2018 tăng 7,08%, mức cao nhất trong 10 năm, vượt qua mọi ước tính tăng trưởng. Sản xuất vẫn là động lực chính của tăng trưởng kinh tế, được thể hiện bằng chỉ số PMI cao nhất (53,8) trong số các nước ASEAN.
Hơn nữa, giải ngân FDI tăng 9,1% đạt 19,1 tỷ USD, cũng là mức cao kỷ lục. Xuất khẩu tăng 13,8% so với cùng kỳ lên 245 tỷ USD, bằng 103% GDP, dẫn đến thặng dư thương mại ở mức 7,2 tỷ USD. Với thặng dư thương mại mạnh mẽ và dự trữ ngoại hối cao nhất trước nay 57,5 tỷ USD, đồng Việt Nam vẫn ổn định bất chấp sự hỗn loạn của tiền tệ toàn cầu. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đã để đồng tiền mất giá 2% nhằm duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.
Năm 2019, Tundra Vietnam D dự đoán rằng thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung có thể là một yếu tố lớn khiến giá cổ phiếu của Việt Nam phản ánh các yếu tố cơ bản và nền kinh tế mạnh mẽ. Thu nhập của các doanh nghiệp được dự báo tăng hơn 15% trong năm tới. Nếu loại bỏ 5 cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao nhất trên thị trường, chỉ số sẽ hấp dẫn hơn với P/E có thể ở mức 11,3.
Lê Hải
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.