VOF đầu tư đường dài với doanh nghiệp niêm yết và khối tư nhân
Tại hội nghị nhà đầu tư 2019 của VinaCapital, ông Vương Tuấn Dương, Phó Giám đốc Điều hành VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF), quỹ lớn nhất của VinaCapital, chia sẻ định giá của thị trường Việt Nam vẫn đang rẻ so với ASEAN. Dù tăng trong 2 năm gần đây, một số chỉ tiêu như P/E vẫn thấp hơn các nước trong khu vực.
Nhận định về thị trường chứng khoán, ông Dương cho rằng Việt Nam có các yếu tố tích cực trong trung hạn 3-4 năm tới như MSCI xem xét nâng hạng, Chính phủ đang khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài… “Cách nhìn nhận của VOF là trong trung, dài hạn, không đưa ra ý kiến trong ngắn hạn”, ông Dương nói.
Mặt khác, tiền Việt Nam đồng rất ổn định, đây là yếu tố quan trọng thu hút đầu tư. "Người ta đầu tư 10% mà VND mất giá 3% thì chỉ còn 7%", ông Dương lấy ví dụ. Nói về diễn biến chiến tranh thương mại, ông Dương cho biết điều này có thể khiến một số nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn. Tuy nhiên, việc các ngân hàng trung ương hạ lãi suất trong thời gian gần đây tạo ra nguồn vốn rẻ. Các doanh nghiệp sẽ có chi phí vốn thấp hơn, qua đó thúc đẩy xu hướng mua bán sáp nhập (M&A) nhanh hơn. Các nhà đầu tư nắm giữ cổ phần lớn trong doanh nghiệp có lợi thế trong bối cảnh này.
Tính đến 31/8, VOF có tài sản ròng (NAV) 918,7 triệu USD, giảm 3,2% từ đầu năm 2019, cách biệt so với mức tăng 10,2% của VN-Index.
Nhóm 10 khoản đầu tư lớn nhất trong danh mục của quỹ chiếm 57,6% NAV vẫn chủ yếu là các doanh nghiệp niêm yết, dẫn đầu là Hòa Phát (HoSE:
HPG) chiếm 11,1% NAV, Nhà Khang Điền (HoSE:
KDH) 9,3%,
ACV 8,5%...
Nguồn: VinaCapital
Song song các cổ phiếu niêm yết, chiến lược của VOF là “đầu tư thương lượng”, sở hữu lượng lớn cổ phần trong doanh nghiệp tư nhân và kết nối với ban điều hành để đi đường dài. Theo đại diện VinaCapital, VOF hướng đến các công ty có nền tảng tăng trưởng tốt, thuộc các ngành hưởng lợi từ sự tăng trưởng dân số Việt Nam như y tế, dược phẩm, giáo dục…
Trong kế hoạch, VOF đang nghiên cứu đầu tư 21 cơ hội tại các doanh nghiệp tư nhân với trọng tâm là ngành hàng tiêu dùng (chiếm 43% trong danh sách xem xét đầu tư), y tế, nguyên vật liệu…
Mục tiêu của quỹ là đầu tư dài hạn với thời gian 5 năm, và đặt mục tiêu tỷ suất sinh lời trên 15%. Một số khoản đầu tư quỹ đã thoái vốn có thể điểm tới như Vietjet, Novaland…
VVF và VAF các quỹ nhằm vào cổ phiếu hết room
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam có 48 công ty niêm yết với giá trị vốn hóa 22,5 tỷ USD đã hết "room" cho khối ngoại. Theo bà Nguyễn Thu, Giám đốc Quản lý quỹ
VCG Partners Vietnam Fund, đơn vị thuộc VinaCapital, đây thường là những doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt.
Cổ phiếu của các doanh nghiệp trên cũng là đích nhằm của 2 quỹ mở thuộc VinaCapital là VVF (Forum one -
VCG Parters Vietnam Fund) và VAF (Vietnam Access Fund), có trụ sở đặt tại Luxembourg và Cayman Islands.
Trên thị trường hiện nay, với các cổ phiếu hết room, nhà đầu tư ngoại muốn mua phải trả thêm so với thị giá 7-25%, có thể điểm tới một số mã như
MWG,
MBB,
FPT,
PNJ…
Riêng với VAF, bà Thu cho biết quỹ này có đầu tư vào một quỹ mở của Việt Nam, nhờ đó có thể mua được các cổ phiếu hết “room” ngoại mà không cần trả thêm phí chênh lệch. Với VVF các cổ phiếu kín “room” chiếm 29%, trong khi tại VAF còn số này là 61,7%.
VVF là quỹ hoạt động theo chuẩn châu Âu, được thành lập vào tháng 7/2015 với quy mô 200 triệu USD, hiện đã huy động được 50 triệu USD, với tần suất đầu tư hàng ngày. VVF chủ yếu lựa chọn cổ phiếu các công ty niêm yết hết room với vốn hóa vừa, khả năng tăng trưởng cao và thanh khoản tốt, định giá hợp lý, có kế hoạch IPO hoặc niêm yết trong vòng 12 tháng.
Trong khi đó, VAF có quy mô khoảng 50 triệu USD, hiện đã huy động được 8 triệu USD với tần suất đầu tư hàng tháng và rút vốn hàng quý. VAF lựa chọn đầu tư vào các công ty niêm yết, và OTC các cổ phiếu vốn hóa nhỏ, hoặc trước IPO.
Nguồn: VinaCapital.
Có sự khác nhau giữa chiến lược đầu tư của 2 quỹ này, dù cùng nhằm đến các cổ phiếu kín room ngoài, vì “VVF có tính thanh khoản cao hơn nên khi lựa chọn đầu tư cần để ý đến tiêu chí về quy mô của doanh nghiệp”, bà Thu nói.
Trong khi đó với VAF, tính thanh khoản không được quá chú trọng, các nhà đầu tư rót vốn vào quỹ thường nắm giữ dài hạn, do đó quỹ có thể đầu tư vào các công ty vừa và nhỏ, hoặc các công ty có vòng gọi vốn, có thể được các doanh nghiệp lớn mua lại, hoặc IPO, có tiềm năng trưởng cao.
“Chúng tôi chấp nhận và chịu khó tìm các công ty vừa và nhỏ về vốn hóa với định giá hợp lý để đầu tư”, bà Thu cho biết.
Tính tới 31/8, tỷ trọng cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ tại VVF là 57,6%, trong khi tại VAF là 76,9%.
Nguồn: VinaCapital
Các lĩnh vực mà 2 quỹ này hướng tới là công nghệ thông tin (PE 12 lần, tăng trưởng 20%/năm), logistics, ngân hàng, tiêu dùng và bán lẻ, dịch vụ tiện ích. Tăng trưởng các ngành này đều trên 10%, mức chi trả cổ tức cao (trừ ngành ngân hàng đang trong quá trình tăng vốn để đáp ứng Basel II).
VVF đã ra đời được 4 năm và ghi nhận mức tăng trưởng 45% từ khi thành lập, trong khi VAF mới bắt đầu từ tháng 7/2018 và đạt 7,5%, cao hơn so với chỉ số VN-Index.
Ngoài các quỹ trên, VinaCapital cũng có một số đơn vị đầu tư. Đơn cử như quỹ đầu tư trái phiếu Bảo Thịnh (VFF) với 80% tài sản đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, trái phiếu địa phương… Quỹ đầu tư cổ phiếu Hưng Thịnh VinaWealth (VEOF) tập trung vào các công ty niêm yết vốn hóa lớn, trung bình, giải ngân tối thiểu 51% NAV vào cổ phiếu niêm yết và tối đa 10% vào chứng khoán OTC. Quỹ đầu tư cân bằng tuệ sáng (VIBF) đa dạng đầu tư giữa cổ phiếu và các tài sản có thu nhập ổn định, đầu tư vào các công ty có lợi thế cạnh tranh, thu nhập ổn định…
Bên cạnh đó, VinaCapital cũng có hướng đến các startup là VinaCapital Ventures. Đơn vị này đã giải ngân 20 triệu USD vào 8 công ty trong đó có An Vui, Urbox, Fastgo, Ecomobi…
Lê Hải
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.