“1 máy bay của hãng hàng không nội địa tương ứng 300.000 người dân Việt Nam”, đây là ước tính của ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO, đồng thời là cổ đông cá nhân lớn nhất năm 9% vốn của CTCP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel, UPCoM:
VTR), đơn vị vừa đưa cổ phiếu lên sàn cuối tuần trước.
Trao đổi với Người Đồng hành, ông Kỳ nhận định con số 200-300 máy bay của các hãng nội địa là quá ít so với quy mô dân số và tốc độ phát triển của ngành du lịch Việt Nam, trong bối cảnh 85% khách du lịch quốc tế đi bằng máy bay.
Số liệu từ tổng cục thống kê ghi nhận 9 tháng đầu năm, Việt Nam đón gần 13 triệu lượt khách quốc tế. Trong đó, khách đến bằng đường hàng không chiếm 77%, cao hơn tăng 8% so với cùng kỳ 2018.
Năm 2019, Việt Nam đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế, khoảng 85 triệu lượt khách du lịch nội địa, tăng lần lượt 15% và 6%. Theo ông Kỳ, tốc độ phát triển du lịch của Việt Nam rất tốt nhưng vẫn không thể so sánh với Thái Lan đón 38 triệu khách quốc tế. “Nếu không phát triển hàng không nội địa thì làm sao mở rộng thị trường du lịch Việt Nam”, ông Kỳ đặt vấn đề.
Đây cũng là một trong những lý do Vietravel tham gia vào lĩnh vực hàng không. Vừa qua, dự án hàng không Vietravel Airlines đã huy động thành công 700 tỷ đồng trái phiếu từ nhà đầu tư nội và dự kiến bay thương mại vào tháng 10/2020.
Hơn một lần, vị CEO Vietravel khẳng định hướng đi của công ty trong lĩnh vực hàng không là bay du lịch, nhắm đến thị trường bay charter (loại hình thuê nguyên chiếc thường được các công ty du lịch sử dụng).
Mỗi năm công ty chi 3.000 tỷ đồng mua vé. Mục tiêu đến năm 2022 của Vietravel là phục vụ 2 triệu khách du lịch. “Hiện nay chỉ với 1 triệu khách, chúng tôi đã làm việc rất vất vả với các hãng hàng không thì 3 năm nữa là vô phương, nên Vietravel phải tự thân làm”, ông Kỳ nói.
CEO của hãng lữ hành giữ 14% thị phần tại Việt Nam cho biết công ty đã tham gia thị trường bay charter 5 năm với số lượng thuê khoảng 500 chuyến mỗi năm. Ông cũng đưa ra một số liệu khác, có 51.000 chuyển bay charter từ nước ngoài về Việt nam, toàn bộ số này thuộc về các hãng bay nước ngoài, "con số 500 của Vietravel chỉ như muối bỏ bể”.
Ông Kỳ nói, nền tảng kinh doanh lữ hành thì bay charter là lựa chọn thích hợp với Vietravel Airlines. “Trong du lịch thì 50% là chữ du mang nghĩa di chuyển, nếu bỏ hệ thống vận chuyển sang một bên thì không còn chữ lịch đằng sau nữa”.
Việt Nam sẽ có hãng hàng không mới chuyên bay charter. Ảnh: WSJ
Dẫn chứng về sự gắn kết giữa du lịch và hàng không, Vietravel đã bay hơn 1.000 chuyến liên tục Cần Thơ - Nha Trang, Cần Thơ - Đà Lạt, Sài Gòn – Phuket. Chính vì vậy, một số hãng đã “nhảy” vào khai thác các chuyến này.
Khi các hãng hàng không khác bay có lãi, các đơn vị này sẽ bán hết chỗ, Vietravel không mua được vé. Công sức phát triển thị trường vì thế bị bỏ phí, do đó Vietravel tham gia vận chuyển hàng không để giữ thành quả.
Vị CEO cũng tiết lộ từ nay đến năm 2020, công ty ước tính ký 200 chuyến bay sang Nhật Bản, Hàn Quốc. Điều này cho thấy kế hoạch dài hạn mà Vietravel chuẩn bị. Mặt khác, với 40 chi nhánh và 56 văn phòng hoạt động trên cả nước cùng hệ thống bán vé qua sàn giao dịch điện tử, hãng hàng không Vietravel sau khi được chấp thuận sẽ có nền tảng “cất cánh”.
Công ty cũng đã lập 6 văn phòng ở nước ngoài và sẽ mở tại 11 thị trường trọng điểm để nhận khách. Vietravel đã mở văn phòng tại Mỹ và sắp tới là London và Dubai, định hướng nhắm vào mạng lưới nước ngoài.
Trả lời câu hỏi về vấn đề nhân sự hàng không, vị CEO 61 tuổi cho biết khung nhân sự cũng đã được công ty hoàn thiện. Vietravel không tham gia giành giật lao động. Cán bộ ở các hãng khác nghỉ hưu nhưng vẫn muốn cống hiến được công ty mời về, đào tạo đội ngũ kề cận.
Vietravel đã mua trường Cao đẳng quốc tế Kent, đây là trường được Australia và Anh công nhận, đào tạo khoa du lịch và hàng không, một số hãng bay hiện nay đang tuyển tiếp viên từ trường Kent.
Mặt khác, tham gia hàng không cũng là một trong những bước đi của Vietravel để mở rộng, hoàn thiện hệ sinh thái nhằm nâng cao hiệu quả sinh lời. Dù chiếm số 1 về thị phần lữ hành, nhưng theo báo cáo của Bộ phận Phân tích CTCP Chứng khoán SSI - SSI Research, biên lợi nhuận ròng và biên lợi nhuận gộp của Vietravel chỉ ở mức 0,8% và 6,7%, thấp hơn 2 đơn vị cùng ngành khác là Fiditour hay BenThanh Tourist.
So sánh biên lợi nhuận ròng (NPM tỷ suất lợi nhuận ròng trên doanh thu) và biên lợi nhuận gộp (GPM tỷ suất lợi nhuận gộp trên doanh thu) của Vietravel (
VTR), Fiditour (FDT), BenThanh Tourist (BTV).
Nửa đầu 2019, công ty đạt doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ lần lượt 2.202 tỷ đồng và 19,5 tỷ đồng, giảm 39% và 20% so với cùng kỳ năm trước.
Theo CEO của Vietravel, biên lợi nhuận của ngành du lịch lữ hành chỉ ở mức vừa phải. Muốn gia tăng công ty phải mở rộng kinh doanh để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dịch vụ của ngành du lịch. Định hướng của công ty là hoàn thiện hệ sinh thái trong đó có hệ thống lưu trú, khách sạn, nhà hàng, hệ thống vận chuyển... Đây là nhóm hoạt động Vietravel sẽ đầu tư đến năm 2022 để đẩy cao hơn biên lợi nhuận của mình. Vietravel đặt mục tiêu biên lợi nhuận phải đạt trên 10%.
Lê Hải
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.