Không phải môi trường bên ngoài, mà chính tình trạng mất cân bằng nội tại cùng những bất ổn do chính sách, được cho là nguyên nhân lớn nhất đang cản bước nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức lớn, song giới phân tích cho rằng cường quốc này có thể vượt qua những "chướng ngại vật" để thể hiện tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn.
Công nhân làm việc trong nhà máy sản xuất ô tô ở khu công nghiệp Vũ Hán, Trung Quốc ngày 11/1/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Thách thức nội tại
Trong bài viết mới đây đăng trên trang Project Syndicate, ông Michael Spence, người từng đoạt Giải Nobel Kinh tế, nhận định sau đại dịch COVID-19, Trung Quốc đang đối diện với giảm phát. Mặc dù GDP của Trung Quốc hiện có thể đạt mức tăng trưởng 5-6%, nhưng nhu cầu quá thấp so với năng lực sản xuất khiến tiềm năng tăng trưởng chưa thể được hiện thực hóa.
Không khó để nhận diện những yếu tố có thể làm suy yếu nhu cầu bên ngoài đối với hàng hóa của Trung Quốc. Các nền kinh tế phát triển, đặc biệt là Mỹ, đã áp mức thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và hạn chế xuất khẩu một số công nghệ tiên tiến sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại giữa các quốc gia cũng gia tăng, phần lớn là do các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine.
Việc ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua có thể dẫn đến các biện pháp hạn chế thương mại khắc nghiệt hơn và các chính sách đơn phương sẽ làm phân mảnh hệ thống toàn cầu.
Tuy vậy, Trung Quốc đã đạt đến giai đoạn phát triển mà nhu cầu nội địa, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ phi thương mại, sẽ chiếm phần lớn tổng cầu. Với GDP bình quân đầu người đạt 13.000 USD, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao và tiến gần đến quốc gia có thu nhập cao. Theo đó, khu vực phi thương mại của nền kinh tế đang hướng tới quy mô thường có ở các nước thu nhập cao, tức sẽ chiếm khoảng 2/3 GDP. Điều này có nghĩa là dù nhu cầu xuất khẩu của Trung Quốc có mạnh mẽ, cũng không thể bù đắp được sự thiếu hụt lớn trong nhu cầu ở khu vực phi thương mại. Các rào cản đối với tăng trưởng của Trung Quốc chủ yếu phản ánh tổng cầu nội địa yếu, phần lớn là do chi tiêu tiêu dùng không đủ mạnh.
Tỷ lệ thất nghiệp tương đối cao và triển vọng kinh tế bấp bênh đã khiến các hộ gia đình Trung Quốc, vốn có thói quen tiết kiệm cao so với tiêu chuẩn toàn cầu, tiếp tục "thắt chặt hầu bao". Hơn nữa, đà giảm của giá trị bất động sản, vốn chiếm khoảng 70% tài sản của các hộ gia đình Trung Quốc, đã ảnh hưởng lớn đến tiêu dùng. Giống như Mỹ sau cuộc khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn năm 2007-2010, việc khắc phục thiệt hại tài chính của các hộ gia đình không phải là điều dễ dàng và khó có thể thực hiện nhanh chóng.
Thị trường bất động sản trầm lắng cũng ảnh hưởng đến "sức khoẻ" tài chính của các chính quyền địa phương, vốn lâu nay phụ thuộc vào bán đất và các nguồn thu khác từ bất động sản. Khó khăn tài chính gia tăng ở cấp chính quyền địa phương cũng làm trầm trọng thêm sức ép giảm phát.
Một lý do khác dẫn đến thiếu hụt nhu cầu trong nước của Trung Quốc là đầu tư tư nhân yếu. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc đã giảm sút, một phần là do các hạn chế thương mại và căng thẳng địa chính trị.
Trước đây, đầu tư công là động lực chính thúc đẩy tổng cầu của Trung Quốc. Trong ba thập kỷ tăng trưởng nhanh vừa qua, tổng vốn hình thành - phần lớn do chính phủ chỉ đạo - lên tới 40% GDP. Song hiện nay các chính quyền địa phương không còn đủ nguồn lực tài chính để theo đuổi những loại hình đầu tư quy mô lớn như trước đây và đầu tư khi phục hồi có thể sẽ chỉ tác động hạn chế đến sức tăng trưởng trong tương lai.
Tiềm năng tăng trưởng
Người dân mua sắm tại siêu thị ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện một loạt biện pháp nhằm bình ổn thị trường bất động sản mà không tạo ra một bong bóng mới. Một trong những biện pháp này là cung cấp thêm tài chính cho các dự án chưa hoàn thiện để bảo vệ các hộ gia đình đã mua nhà trước đó khỏi nguy cơ mất trắng khoản đầu tư.
Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc cũng đang nỗ lực làm rõ vai trò của khu vực tư nhân và khu vực công. Theo thời gian, điều này sẽ giúp khôi phục niềm tin và kích thích đầu tư từ khu vực tư nhân.
Ông Spence nhấn mạnh một đánh giá toàn diện về triển vọng kinh tế của Trung Quốc không nên chỉ tập trung vào những yếu điểm của nền kinh tế. “Gã khổng lồ châu Á” này có nhiều thế mạnh vượt trội, với sự phát triển mạnh mẽ về khoa học, công nghệ, cùng nhiều ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc.
Nền kinh tế có nhiều thế mạnh quan trọng, trong đó không thể thiếu đội ngũ nhân tài khoa học, công nghệ, doanh nhân dồi dào. Điều này đã góp phần vào sự tiến bộ của Trung Quốc - và trong một số trường hợp là dẫn đầu - trong một số công nghệ tiên tiến, bao gồm trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, xe điện, pin, năng lượng Mặt trời và một số lĩnh vực y sinh và khoa học đời sống. Nó sẽ mang lại lợi ích lớn hơn nữa một khi tình trạng mất cân bằng hiện tại được giải quyết.
Ngoài ra, Trung Quốc còn một lợi thế quan trọng nữa. Chính phủ Trung Quốc hiểu rõ tầm quan trọng của việc chuyển đổi cơ cấu theo hướng tập trung vào công nghệ và đưa ra các chính sách (và chỉ đạo đầu tư) phù hợp.
Chính vì vậy, khi lực cản tăng trưởng hiện nay chủ yếu xuất phát từ các yếu tố nội tại thay vì từ môi trường bên ngoài, Chính phủ Trung Quốc hoàn toàn có thể giải quyết được những vấn đề này. Ví dụ, các chính sách kích thích tài chính tập trung vào việc hỗ trợ tiêu dùng có thể giúp "bôi trơn" tiến trình tái cân bằng và ngăn ngừa một vòng xoáy giảm phát.
Các chuyên gia nhấn mạnh, với một chiến lược chính sách rõ ràng và được nhắm mục tiêu đúng đắn, động lực tăng trưởng có thể được phục hồi trong vòng hai đến ba năm tới.
Trà My (TTXVN)
Link gốc