Doanh nghiệp thép tiến về miền Trung
Thép Nam Kim (HoSE:
NKG) vừa ra quyết định mở nhà máy ống thép Nam Kim Chu Lai tại Quảng Nam với công suất dự kiến 150.000 tấn ống thép/năm. Đây là doanh nghiệp tiếp theo mở rộng sản xuất tại khu vực này sau những cái tên lớn như Tập đoàn Hòa Phát (HoSE:
HPG) hay Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG).
Dự án mới nhất của Nam Kim có tổng mức đầu tư ban đầu 150 tỷ đồng và được công ty sở hữu 100% vốn. Địa điểm hoạt động là tại Khu Công nghiệp Hậu Cần, Cảng Tam Hiệp, tỉnh Quảng Nam.
Nam Kim đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh và buộc phải bán, dừng nhiều dự án lớn như Nam Kim Corea, một số nhà máy sản xuất mạ, nhà máy Nam Kim 1… Dù vậy, công ty này vẫn quyết định đầu tư nhà máy mới trong bối cảnh toàn ngành khó khăn cho thấy dự án này có vai trò chiến lược với doanh nghiệp. Nhà máy tại miền Trung này cũng là dự án tiêu biểu đầu tiên sau cuộc “hôn nhân” của Nam Kim và công ty phân phối tôn thép SMC.
Trước đó, thị trường thép miền Trung đã sớm “nóng” lên với những siêu dự án của các doanh nghiệp đầu ngành tôn thép như Hòa Phát, Hoa Sen và Formosa. Tâm điểm chú ý của Hòa Phát hiện nay chính là siêu dự án Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất tại Khu kinh tế Dung Quất. Hòa Phát cho biết đây là dự án chiến lược nhằm đảm bảo vị thế nhà sản xuất thép hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Dự án này có tổng vốn đầu tư 52.000 tỷ đồng, được thiết kế với quy mô công suất 4 triệu tấn một năm, sản phẩm chủ yếu là thép xây dựng, thép cuộn chất lượng cao và sản phẩm dẹt là thép cuộn cán nóng. Khu liên hợp sẽ bao gồm hệ thống cảng biển nước sâu cho phép tàu 200.000 tấn cập bến, thuận lợi cho vận chuyển đi các thị trường trong và ngoài nước.
Phối cảnh Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất. Nguồn: HPG.
Miền Trung cũng là khu vực ưa thích của Hoa Sen với rất nhiều dự án lớn. Tập đoàn đang có 2 nhà máy tại Bình Định là Nhà máy Hoa Sen Nhơn Hội – Bình Định và Nhà máy Ống kẽm - Ống nhựa Hoa Sen Bình Định. Còn tại Nghệ An, tập đoàn cũng có 2 nhà máy lớn là Nhà máy Hoa Sen Nghệ An (KCN Đông Hồ) và Nhà máy Hoa Sen Nam Cấm tại KCN Nam Cấn.
Đáng chú ý nhất là tổ hợp các dự án tại Ninh Thuận với hạt nhân là Khu liên hợp Luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná có quy mô vốn dự kiến 10 tỷ USD. Tuy nhiên, dự án này vẫn đang đợi chấp thuận từ các cơ quan có thẩm quyền. Dù vậy, Hoa Sen cũng đã có những bước đi đầu tiên tại các dự án hỗ trợ như Dự án Cảng tổng hợp Cà Ná - Ninh Thuận đã được chấp thuận đầu tư giai đoạn 1 với 3 bến cảng, khả năng tiếp nhận tàu lên đến 100.000 DWT hay như Khu công nghiệp Du Long cũng nhận đăng ký cho thuê với giá 25 - 35 USD/m2 tùy vị trí.
Ngoài Hòa Phát, Hoa Sen, Nam Kim chuyển nhà máy thì miền Trung cũng là thủ phủ của nhiều công ty thép khác như Formosa Hà Tĩnh, Thép Đà Nẵng, Kim khí Miền Trung…
Trong một báo cáo mới đây, chứng khoán Rồng Việt nhận định thị trường miền Nam và miền Trung đang chứng kiến cạnh tranh khốc liệt. Sau khi vận hành dự án Dung Quất hồi tháng 7, Hòa Phát đã tăng đáng kể sản lượng thép bán ở thị trường miền Nam và miền Trung Việt Nam, lần lượt là 91% và 50%. Formosa Hà Tĩnh cũng đạt mức tăng trưởng cao ở thị trường phía Nam kể từ khi bắt đầu cung cấp thép cuộn vào năm ngoái.
Lợi thế của miền Trung
Miền Trung là vùng đất có khí hậu khắc nghiệt bậc nhất Việt Nam nhưng cũng sở hữu lợi thế địa hình độc đáo. Một trong số đó là đường bờ biển dài và hệ thống cảng biển nước sâu dày đặc, thuận lợi cho giao thương nội địa và quốc tế.
Hầu như có thể thấy các nhà máy thép lớn tại miền Trung đều được đặt gần các cảng biển nước sâu, có khả năng tiếp nhận những loại tàu hiện đại nhất thế giới, là điểm trung chuyển lý tưởng cho vận tải nội địa và cũng là các cảng biển quốc tế hàng đầu cho giao thương với nước ngoài.
Chẳng hạn, dự án Dung Quất của Hòa Phát được đặt tại chính cảng Dung Quất – cảng biển tổng hợp quốc gia loại I và bên cạnh là cảng nước sâu Sa Kỳ làm bến vệ tinh.
Formusa đặt nhà máy gần hệ hống cảng nước sâu Sơn Dương là cảng hiện đại bậc nhất Việt Nam với số vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD. Các nhà máy Hoa Sen cũng đặt gần các cảng biển lớn như Quy Nhơn, Cà Ná...
Một số nhà máy thép lớn tại miền Trung.
Việc đặt nhà máy tại miền Trung là bàn đạp cho những chiến lược mở rộng bán hàng, giúp tiết giảm thời gian và các chi phí logistics liên quan. Với Hòa Phát, Dung Quất là căn cứ địa để tập đoàn này Nam tiến hay các nhà máy của Hoa Sen giúp tối ưu công suất và bán hàng khi mở rộng dần ra phía Bắc.
Hòa Phát cho biết trước đây thép vận chuyển từ Khu liên hợp Hải Dương vào miền Nam mất hơn 7 ngày thì giờ từ Cảng Dung Quất vào Đồng Nai chỉ còn khoảng 3 ngày.
Bên cạnh đó, miền Trung thường có chi phí nhân công rẻ hơn các vùng kinh tế phát triển. Tổng sản phẩm trên địa bàn - GRDP - bình quân khu vực duyên hải miền Trung năm 2018 đạt 48 triệu đồng/người/năm, thấp hơn nhiều so với mức hơn 81 triệu đồng/người của đồng bằng sông Hồng hay mức hơn 128 triệu đồng/người của khu vực Đông Nam Bộ.
Cuối cùng, chính quyền các tỉnh miền Trung đang kêu gọi đầu tư với nhiều chính sách ưu đãi lớn về đất đai, thuế, thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng… là những lợi thế mà các doanh nghiệp thép khó bỏ qua.
Một số ưu đãi lớn cho Formosa có thể kể đến như cho thuê diện tích đất lớn 3.300ha, thời gian thuê 70 năm với giá thuê chưa đến 4,5 triệu USD, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 4 năm đầu đi vào hoạt động, 9 năm tiếp theo ở mức 5% và hưởng thuế chỉ 10% trong 50 năm sau đó, miễn thuế nhập khẩu máy móc...
Dự án Dung Quất của Hòa Phát cũng nhận được ưu đãi thuế lớn với đề xuất áp dụng thuế TNDN ở mức 10% trong 30 năm hay dự án Nhơn Hội của Hoa Sen được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu...
Huy Lê
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.