Theo dự báo mới đây, kim ngạch xuất khẩu (XK) thủy sản của Việt Nam trong quý IV/2019 có thể chỉ đạt 2,44 tỷ USD. Với con số này, tổng kim ngạch XK thủy sản của cả năm 2019 sẽ vào khoảng 8,7 tỷ USD, giảm 1,2% so với năm ngoái.
Giảm cả tôm lẫn cá tra
Hai mặt hàng XK chủ lực là tôm và cá tra được cho là trên đà giảm ở một số thị trường lớn. Kim ngạch XK tôm trong 10 tháng đầu năm nay đạt 2,8 tỷ USD, giảm 6,4% so với cùng kỳ; kim ngạch XK cá tra chỉ đạt 1,64 tỷ USD, giảm 10%.
Dự báo XK tôm sang thị trường EU những tháng cuối năm chưa thể phục hồi. Cạnh tranh về giá vẫn là áp lực lớn đối với doanh nghiệp (DN) XK tôm Việt Nam. Kim ngạch XK tôm cả năm 2019 dự kiến đạt khoảng 3,4 tỷ USD, giảm 4% so với năm 2018.
Với cá tra, giới chuyên gia lý giải do giá trị XK sang một số thị trường lớn như Mỹ, Brazil và Colombia vẫn còn chìm sâu trong tăng trưởng âm, giá nguyên liệu giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái nên XK cá tra trong thời gian này không thể tăng cao hơn.
Đơn cử như thị trường Mỹ, tổng giá trị XK cá tra sang nước này trong 10 tháng qua chỉ đạt 232,9 triệu USD, giảm đến 45,8% so với cùng kỳ. Do sự sụt giảm XK sang thị trường Mỹ nên một số DN XK cá tra hàng đầu của Việt Nam không đạt doanh số như kỳ vọng.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản (Vasep), nhận định các DN XK thủy sản của Việt Nam đang chịu áp lực cạnh tranh lớn trên những thị trường XK chủ lực.
Hơn nữa, những thị trường này cũng đưa ra ở cấp độ quốc gia mang tính bắt buộc những quy định rất khắt khe. Thứ nhất là các quy định về an toàn thực phẩm, thứ hai là trách nhiệm về môi trường, thứ ba là trách nhiệm xã hội, thứ tư là truy nguyên nguồn gốc. Đó là những vấn đề mà tựu trung lại phía DN Việt phải vượt qua.
Theo ông Nam, trong 5 năm trở lại đây, những thị trường mục tiêu mà cơ quan quản lý và DN thủy sản Việt luôn nghĩ tới chính là vấn đề mục tiêu cho xúc tiến thương mại, mục tiêu cho vượt rào cản, mục tiêu cho công tác thị trường, mục tiêu cho vấn đề tiếp cận chuỗi để thâm nhập những nhà bán lẻ lớn tại những thị trường này.
“Đơn cử như thị trường EU luôn là thị trường định hướng. Các DN nếu chú ý sẽ thấy bắt đầu từ năm vừa rồi có sự sụt giảm chút ít về kim ngạch XK thủy sản. Đó là tác động rất rõ rệt của một quy định như IUU (chống khai thác thủy sản trái phép) đã tác động đến XK rất lớn”, ông Nam lưu ý.
Cùng nhau vượt rào cản
Với thị trường Mỹ, theo Phó Tổng thư ký Vasep, mỗi năm đang nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam với kim ngạch khoảng 1,4 - 1,5 tỷ USD, trong đó có 2 mặt hàng chính là tôm và cá tra. Thị trường này luôn chiếm 20 - 23% tổng kim ngạch XK thủy sản của Việt Nam.
Thế nhưng, nếu xét trên góc độ những quy định mang tính bắt buộc thì có những quy định chi phối đến cả các quy định ở Việt Nam, chi phối đến hoạt động của DN. Điều này bắt buộc DN phải nỗ lực hơn, kể cả tốn kém nhiều chi phí hơn.
Cần nhắc lại, đầu tháng 11 vừa qua, Cục kiểm tra An toàn Thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đã thông báo về việc công nhận hệ thống kiểm tra, kiểm soát sản phẩm cá và cá Siluriformes XK của 3 nước: Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan đủ điều kiện tương đương với Mỹ.
Việc Mỹ chính thức công nhận hệ thống kiểm tra sản phẩm cá và cá Siluriformes XK của Việt Nam tương đương với Mỹ được cho là tin vui đối với các DN XK cá tra Việt Nam sang thị trường này, đặc biệt trong bối cảnh giá trị XK cá tra sang Mỹ giảm sâu so với cùng kỳ năm trước.
“Hy vọng giá trị XK cá tra Việt Nam năm 2020 sang Mỹ sẽ tăng trở lại, còn trong năm nay và quý IV, dự báo giá trị XK cá tra sang thị trường này vẫn giảm”, Vasep đưa ra nhận định.
Trước những dự báo về tình hình kim ngạch XK thủy sản sẽ sụt giảm trong năm nay, giới chuyên gia cho rằng 2 ngành hàng XK lớn nhất trong ngành thủy sản là tôm và cá tra hàng năm luôn phải đánh giá, xem xét lại. Tức là cần rà soát lại các rào cản tại những thị trường XK chủ lực.
Chẳng hạn như với thuế chống bán phá giá của Mỹ: dùng luật ở Mỹ để DN Mỹ dựa vào đó kiện các DN thủy sản Việt. Có thể thấy 2 ngành hàng cá tra và tôm rất vất vả khi đối mặt với việc này.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Hoài Nam, cộng đồng DN tôm và cá tra thường được Vasep tập hợp hàng tháng, hàng năm để cùng nhau vượt qua rào cản đó và phải thuê luật sư để đưa ra những dữ liệu để làm sao phía Việt Nam có được kết quả tốt nhất.
“Tuy nhiên, họ dùng luật của họ và không dùng thông số của chúng ta để làm biện chứng hay tính toán. Cho nên, chúng ta vẫn có những bất lợi trong việc áp thuế của họ. Điều này khiến cho số lượng DN của chúng ta được XK bị hạn chế bớt”, ông Nam phân trần.
Thế Vinh
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.