Tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư ngày 18/12, đại diện Tập đoàn Hòa Phát (HoSE:
HPG) cho biết dự án Dung Quất chậm so với kế hoạch nhưng vẫn nhanh so với các dự án lớn trên thế giới. Lò cao số 1 bắt đầu chạy thử từ tháng 7 và vẫn chưa đủ điều kiện chạy chính thức (kế hoạch thử nghiệm ban đầu là 3 tháng nhưng đến nay gần 6 tháng).
Lò cao số 2 bắt đầu chạy thử trong tháng 11. Ngoài ra, cảng nước sâu đã đi vào hoạt động nhưng đang tiếp tục nạo vét, nhất là bãi đá ngầm để tiếp nhận tàu 200.000 tấn. Dây chuyền cán thép đã đủ điều kiện vận hành chính thức.
Thông tin nhà máy thép Dung Quất là chủ đề được giới đầu tư quan tâm hàng đầu tại Hòa Phát. Lãnh đạo công ty khẳng định đã thu xếp gần như toàn bộ vốn đầu tư 52.000 tỷ đồng, trong đó Hòa Phát rót khoảng 30.000 tỷ đồng và vay nợ 20.000 tỷ đồng từ Vietcombank và VietinBank. Số 2.000 tỷ đồng còn lại tập đoàn sẽ bổ sung từ nguồn vốn khác nhờ có lãi hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Thời gian khấu hao bình quân là 12 năm.
Dự án Dung Quất cấu thành gồm 3 bộ phận chính là lò cao số 1 và lò cao số 2 có công suất tối đa 1,2 triệu tấn thép/lò, dây chuyền cán thép tối đa 2,5 triệu tấn/năm. Tổng công suất thiết kế vào khoảng 4,8 triệu tấn/năm.
Đại diện Hòa Phát cho biết sản lượng thép xây dựng hiện đạt khoảng 2,7 triệu tấn/năm. Với việc bổ sung từ nhà máy thép Dung Quất, năm 2020, công ty ước sản lượng có thể đạt 3,5-3,6 triệu tấn/năm.
Lợi thế của nhà máy Dung Quất so với Hải Dương chủ yếu nằm ở chi phí sản xuất. Dung Quất có cảng biển nước sâu có thể tiếp nhận tàu 200.000 tấn trong khi nhà máy Hải Dương chỉ tiếp nhận khoảng 30.000 tấn khiến chi phí vận chuyển cao. Công suất Dung Quất lớn hơn nên việc tiêu hao nguyên nhiên liệu cũng tối ưu hơn.
Về đầu ra, lãnh đạo Hòa Phát chia sẻ 2 năm trước đây công ty không đủ lượng hàng cung cấp cho thị trường nên với nguồn cung từ Dung Quất từ 2019, sẽ được đảm bảo đầu ra. Nhà máy Hải Dương chủ yếu bán ở miền Bắc, trong khi nhà máy Dung Quất sẽ đẩy mạnh bán hàng ở miền Nam - nơi được kỳ vọng có tốc độ tăng trưởng cao nhất. Thị trường xuất khẩu cũng mở rộng tại Canada, Mexico… ngày 17/12, Dung Quất vừa có tàu chở hàng sang Canada.
Vừa qua Mỹ có quyết định áp thuế với một số sản phẩm thép Việt Nam có nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc. Hiện Formosa là nhà cung cấp nguyên liệu thép cán nóng (HRC) lớn nhất với 4,5 triệu tấn/năm nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng cho thị trường và Việt Nam vẫn nhập khẩu hơn 7 triệu tấn.
Dây chuyền cán thép của Dung Quất sẽ cung cấp HRC từ quý II/2020 và khi hoạt động đủ công suất ở mức 2-2,5 triệu tấn/năm. Do đó, đầu ra của dây chuyền cán thép còn dễ dàng hơn cả thép xây dựng, đại diện Hòa Phát cho biết.
Huy Lê
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.