Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM) công bố ra mắt quỹ ETF SSIAM VNFIN LEAD (SSIAM VNFIN LEAD ETF), dựa trên bộ chỉ số cổ phiếu ngành tài chính Vietnam Leading Financial Index (VNFIN LEAD). Đây cũng là quỹ ETF đầu tiên mô phỏng một trong 3 bộ chỉ số mới được HoSE triển khai và cũng là quỹ ETF đầu tiên mô phỏng chỉ số ngành tại Việt Nam - kỳ vọng sẽ thu hút dòng vốn mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
Quỹ ETF SSIAM VNFIN LEAD đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cấp giấy chứng nhận phát hành ra công chúng ngày 19/12/2019. Quy mô ban đầu dự kiến 25-30 triệu USD. Quỹ do SSIAM quản lý cùng với thành viên lập quỹ là Chứng khoán SSI (SSI) và Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam); Ngân hàng giám sát là Vietcombank; Đại lý chuyển nhượng là Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD).
Thời gian IPO dự kiến từ ngày 24/12/2019 đến ngày 15/1/2020, trong đó giai đoạn đăng ký góp vốn diễn ra từ ngày 24/12/2019 đến hết ngày 12/1/2020, giai đoạn thực hiện góp vốn diễn ra từ ngày 13/1/2020 đến ngày 15/1/2020. Sau khi hoàn tất giai đoạn IPO, quỹ sẽ được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE). Cách thức giao dịch của chứng chỉ quỹ trên Sở giao dịch giống với hình thức giao dịch cổ phiếu.
Chỉ số VNFIN LEAD vận hành ngày 18/11 với 14 cổ phiếu thành phần.
Song song với việc cân nhắc lựa chọn chỉ số phù hợp với chiến lược đầu tư của công ty, SSIAM nhận định, các nhà đầu tư tại khu vực châu Á đặc biệt quan tâm tới nhóm ngành tài chính, bởi đây là nhóm hưởng lợi chính của quá trình đô thị hóa và tỷ lệ lao động trẻ lên ngôi tại Việt Nam hiện nay. Số lượng người sử dụng dịch vụ tài chính như ngân hàng còn thấp, tỷ lệ khách hàng có tài khoản ngân hàng, tài khoản thanh toán thấp nên tiềm năng tăng trưởng là rất lớn. Nhóm ngân hàng, dịch vụ tài chính cũng là nhóm hưởng lợi nhất trong quá trình phát triển mạnh mẽ của các nền kinh tế mởi nổi như Việt Nam hiện nay.
Cụ thể hơn, SSIAM cho biết, chỉ số VNFIN LEAD đại diện cho 27% giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam. Tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng tiếp tục là đầu tàu chính dẫn dắt sự tăng trưởng lợi nhuận của thị trường chứng khoán Việt Nam trong các năm qua và tiếp tục trong nhiều năm tới đây. Sự thay đổi về xu hướng tiêu dùng, thay đổi thói quen tích trữ tiền mặt trong dân chúng sang việc giữ tiền và tài sản tại ngân hàng, và tỷ lệ người dân mở mới tài khoản ngân hàng ngày càng tăng sẽ tiếp tục dẫn dắt ngành ngân hàng phát triển thuận lợi trong tương lai.
Bên cạnh đó, trong chỉ số VNFIN LEAD còn có nhóm ngành bảo hiểm là nhóm ngành có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian qua đặc biệt đến từ sự bùng nổ mạnh mẽ của bảo hiểm nhân thọ trong năm 2019. Xu hướng tăng trưởng của ngành bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ sẽ ngày càng sâu rộng trong dân chúng và là thị trường cực kỳ tiềm năng về dài hạn.
Cuối cùng, nhóm ngành chứng khoán đang được hỗ trợ bởi Luật chứng khoán sửa đổi, loại bỏ các ngành có điều kiện không xác định, mở đường cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Tỷ lệ tiếp cận kênh đầu tư chứng khoán của người dân trong nước còn ở mức rất thấp, chỉ đạt quanh mức 2% dân số là con số cho thấy còn rất nhiều tiềm năng để thị trường tiếp cận trong tương lai, trong khi tỷ lệ người dân mở tài khoản chứng khoán tại các nước phát triển đã lên tới 30-50% dân số.
Quỹ ETF SSIAM VNFIN LEAD dựa trên chỉ số cổ phiếu ngành tài chính ra đời được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều lựa chọn đầu tư đa dạng hơn cho nhà đầu tư tham gia thị trường, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn ETF. Các quỹ ETF đã đổ vào Việt Nam 10.700 tỷ đồng (tương đương 460 triệu USD) trong 3 năm gần đây đã minh chứng cho điều đó. Tuy nhiên, kết quả đó vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng, và việc ra mắt SSIAM VNFIN LEAD ETF được kỳ vọng tiếp tục gỡ nút thắt về room và thu hút ETF mới một cách kịp thời và cần thiết.
Bình An
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.