Tập đoàn Masan (HoSE:
MSN) vừa thông qua quyết định phát hành trái phiếu ra công chúng nhằm huy động tối đa 10.000 tỷ đồng, được chia làm 4 đợt. Trong đó, đợt đầu dự kiến huy động 3.000 tỷ bắt đầu từ quý I/2020.
Đợt 2 với giá trị tối đa 2.000 tỷ dự kiến thực hiện cũng trong quý I/2020. Đợt 3 có giá trị 3.000 tỷ đồng dự kiến trong quý II/2020 và đợt cuối giá trị 2.000 tỷ đồng trong quý II/2020.
Mục đích phát hành là tăng quy mô vốn cho
MSN và các công ty con nhằm thực hiện dự án đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh bằng việc góp thêm vốn vào điều lệ của công ty con, cho vay các công ty con và thanh toán các khoản nợ (bao gồm vay nội bộ) của Masan.
Cụ thể, Masan dự kiến rót 5.000 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ Công ty TNHH Tầm Nhìn Masan lên tối đa 18.737 tỷ đồng. Việc góp vốn sẽ được thực hiện trong một hoặc nhiều đợt. Đây là công ty do
MSN sở hữu 99,9% vốn và được thành lập nhằm tiếp quản lại mỏ Núi Pháo khi Masan Group mua lại dự án này từ Dragon Capital.
Bên cạnh đó, tập đoàn cũng cấp khoản vay 3.000 tỷ cho Masan Comsumer Holdings và 1.000 tỷ cho nhà máy chế biến thịt MNS Meat Hà Nam. Cuối cùng, Masan dự chi 1.000 tỷ còn lại để thanh toán nợ vay nội bộ cho công ty con Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo.
Thông báo của Masan cho biết các trái phiếu trên là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được đảm bảo bằng tài sản và không phải nợ thứ cấp của Masan.
Nhu cầu huy động vốn lớn của Masan Group diễn ra sau nhiều biến động lớn. Tập đoàn này đã thông qua việc sáp nhập Công ty VinCommerce, Công ty VinEco của Vingroup vào với Masan Consumer Holdings. Trong đó, Masan Group sẽ có quyền điều hành chính trong công ty hợp nhất.
Vừa qua,
MSN cũng đưa công ty mảng chăn nuôi và kinh doanh thịt là Masan MeatLife lên sàn chứng khoán, với kỳ vọng chiếm lĩnh mảng thịt, đặc biệt là kỳ vọng ở phân khúc thịt mát với thương hiệu Meat Deli. Nhà máy Meat Hà Nam là tổ hợp chế biến thịt mát duy nhất cho Masan MeatLife, nhà máy thứ 2 tại Long An sẽ đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2020.
Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo (công ty con thuộc 100% sở hữu của CTCP Tài nguyên Masan) giữa tháng 9 thông báo dàn xếp xong vụ kiện với Jacob E&C Australia và hoàn tất nhận thanh toán 130 triệu USD (hơn 3.000 tỷ đồng). Dòng tiền này giúp Tài nguyên Masan quyết định mua lại nền tảng kinh doanh vonfram của H.C. Starck GmbH (HCS) vào ngày 17/9 để làm chủ các công nghệ vonfram giai đoạn "midstream" (giai đoạn giữa của chuỗi giá trị). Giá trị mua lại không được tiết lộ.
Huy Lê
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.