• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.253,03 -12,02/-0,95%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.253,03   -12,02/-0,95%  |   HNX-INDEX   223,49   +0,48/+0,21%  |   UPCOM-INDEX   94,51   +0,21/+0,22%  |   VN30   1.315,46   -22,13/-1,65%  |   HNX30   464,10   +0,25/+0,05%
04 Tháng Hai 2025 2:45:28 SA - Mở cửa
Cà phê gặp khó ở thị trường lớn
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 01/04/2019 11:20:14 SA
Trong giai đoạn tới, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho cà phê Việt Nam nhờ việc cắt giảm thuế quan, đặc biệt là đối với các sản phẩm cà phê chế biến (cà phê rang xay, cà phê hòa tan, tinh chất chiết xuất từ cà phê).
 
Thế nhưng, thay vì lên nấc giá trị cao hơn trong chuỗi giá trị cà phê toàn cầu, thực tế cho thấy xuất khẩu (XK) cà phê Việt Nam đang có nguy cơ suy giảm thị phần ở nhiều thị trường lớn.
 
Nguy cơ mất thị phần
 
Theo số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, nhập khẩu (NK) cà phê của nước này năm 2018 đạt 1,582 triệu tấn, trị giá 5,591 tỷ USD; giá NK bình quân ở mức 3.533 USD/tấn.
 
Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết, hiện nước này là thị trường NK cà phê đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau EU, dự báo năm 2019 sẽ NK khoảng 26,5 triệu bao, tăng 2,1 triệu bao so với năm 2018. Cà phê là đồ uống được yêu thích nhất tại Mỹ, có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế. Trong năm 2015, người tiêu dùng nước này đã dành tới 74,2 tỷ USD cho cà phê.
 
Về cơ cấu nguồn cung, năm 2018, Việt Nam là nguồn cung cà phê lớn thứ ba cho Mỹ sau Brazil và Colombia, tốc độ NK giảm 10,3% về lượng và giảm 24% về trị giá. Thị phần cà phê Việt Nam trong tổng lượng NK của Mỹ chiếm 13,3% trong năm 2018, thấp hơn so với 14,4% của năm 2017.
 
Ngược lại, thị phần cà phê Brazil trong tổng lượng NK của Mỹ tương ứng là 23,1% và 22,1%; Colombia tương ứng là 21,3% và 21%.
 
Qua số liệu phân tích trên, Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá Mỹ đang có xu hướng gia tăng NK cà phê từ các thị trường như Brazil, Guatemala, Mexico và Canada, trong khi lại giảm NK từ Việt Nam. Do đó, ngành cà phê Việt Nam cần nỗ lực đẩy nhanh tốc độ XK cà phê, đồng thời tìm ra điểm cần phát huy và hạn chế để khắc phục thì mới có khả năng giữ thị phần tại thị trường lớn này.
 
Với thị trường EU, Cục Xuất Nhập khẩu cho biết, mặt hàng cà phê của Việt Nam tại Italia đang được ưa chuộng khi chiếm tới 20,7% thị phần trong tổng NK. Tuy nhiên, trong khi thị phần cà phê của Việt Nam không thể tạo "đột biến" thì các đối thủ cạnh tranh như Brazil, Ấn Độ và Uganda ngày càng mở rộng.
 
Vì vậy, trong năm 2019, ngành cà phê Việt Nam cần nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm cà phê nhằm đáp ứng sự thay đổi của thị trường. Thay vì chỉ tập trung XK cà phê Robusta nhân xô, ngành cà phê cần chú trọng hơn đến các sản phẩm cà phê hòa tan, cà phê chế biến.
 
Trong khi đó, tại thị trường Trung Quốc, cà phê Việt Nam cũng gặp sự cạnh tranh gay gắt từ các cường quốc cà phê. Thời gian gần đây, NK mặt hàng cà phê hòa tan của Trung Quốc tăng mạnh do nhu cầu tăng nhanh hơn năng lực chế biến nội địa.
 
Hiện, người dân Trung Quốc tiêu thụ chủ yếu là cà phê hòa tan, chiếm 99% về lượng và 98% về doanh số. Với nhu cầu NK ngày càng tăng bởi thế hệ trẻ Trung Quốc thích uống cà phê trong văn phòng nhiều hơn trà và tầng lớp trung lưu gia tăng, Trung Quốc có thể coi là thị trường tiềm năng lớn đối với ngành cà phê.
 
Tuy vậy, muốn giành được thị phần trên thị trường Trung Quốc, cà phê Việt Nam cần phải cạnh tranh với Brazil, Colombia, Ethiopia, Guatemala…
 
Chiến lược nâng chất?
 
Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho hay sản phẩm cà phê XK sẽ đối mặt hàng rào kỹ thuật ngày càng cao với nhiều yêu cầu mới về môi trường, bao gồm cả tiêu chuẩn quốc gia của nước NK và tiêu chuẩn tư nhân tự nguyện của các nhà NK.
 
Mặt khác, cà phê Việt Nam đang phải đối diện với sự cạnh tranh ngày càng tăng trên thị trường quốc tế khi các quốc gia khác không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng.
 
Chỉ rõ điểm bất cập của ngành cà phê, đại diện công ty Vinacafé Biên Hòa cho biết, hiện nay rất nhiều vườn cà phê đã già cỗi cần thay mới, tuy nhiên diện tích tái canh còn rất hạn chế, mới chỉ đạt hơn 40%, các cây cà phê cao tuổi cho năng suất và chất lượng thấp, ảnh hưởng đến chế biến đầu ra cho cà phê.
 
Trong khi đó, việc tái canh, trồng mới gặp rất nhiều trở ngại do người nông dân khó khăn trong khâu tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, nguồn giống. Rất nhiều hộ dân trồng cà phê nhỏ lẻ, manh mún, nhận thức chưa cao nên rất khó áp dụng khoa học kỹ thuật trong khâu trồng, chăm sóc và thu hoạch, dẫn đến năng suất thấp, giá thành cao và chất lượng thấp.
 
"Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp (DN) lớn tham gia đầu tư vào ngành cà phê nói riêng và nông nghiệp nói chung. Chỉ sản xuất với quy mô lớn mới ứng dụng được khoa học và công nghệ, khi đó mới tạo được đầu ra chất lượng và cạnh tranh về giá thành", Vinacafé Biên Hòa kiến nghị.
 
Cùng với đó, tỷ trọng XK cà phê nhân vẫn chiếm đa số trong tổng sản lượng XK cà phê của Việt Nam. Ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch HĐQT công ty TNHH Vĩnh Hiệp, cho biết hiện nay trong 1,6 triệu tấn cà phê thô của cả nước được XK, cà phê rang xay chiếm chưa đến 1% nên giá trị mang lại chưa xứng tầm.
 
Để nâng giá trị và tạo sức cạnh tranh cho cà phê Việt Nam cần phải xây dựng được vùng nguyên liệu đạt chuẩn chất lượng theo quy trình canh tác hữu cơ, từ đó tạo sản phẩm cà phê tốt nhất đủ sức cạnh tranh với cà phê rang xay trên thị trường thế giới.
 
Cùng với đó, các DN phải lấy chế biến sâu làm định hướng phát triển; chuyển từ bán cà phê thô sang cà phê rang xay, cà phê hoà tan và các chế phẩm khác từ cà phê. Chỉ khi đưa được hàm lượng công nghệ và chất xám vào hạt cà phê thì mới gia tăng được giá trị cho cà phê Việt Nam.
 
Theo các DN, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ thích hợp cho các DN đầu tư công nghệ và chế biến sâu trong ngành nông sản nói chung và cà phê nói riêng, vì đây là ngành đòi hỏi vốn và năng lực thực thi cao.
 
Đồng thời, việc xây dựng thương hiệu cho cà phê Việt Nam và cho từng thương hiệu cụ thể phải là việc làm đồng bộ không chỉ của DN mà còn của quốc gia, của Chính phủ. Theo đó, Nhà nước cần xây dựng một chương trình mang tính quốc gia cho thương hiệu cà phê Việt Nam.
 
Các DN cũng kiến nghị Nhà nước, Bộ NN&PTNT, các ban ngành liên quan đứng ra làm các dịch vụ đầu vào, đầu ra hỗ trợ người trồng cà phê, tạo chuỗi liên kết trong ngành cà phê, quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam ra thế giới, cũng như hỗ trợ các DN xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ…
 
Để phát triển ngành cà phê, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết Nhà nước se tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất cà phê bền vững, nhất là triển khai tốt chương trình hỗ trợ vốn cho nông dân thực hiện tái canh (vốn tín dụng, kỹ thuật, tiêu chuẩn, kết nối thị trường).
 
Đồng thời đẩy mạnh liên kết các vùng sản xuất theo tiêu chuẩn, tăng cường đầu tư vào công nghệ chế biến sâu để tăng giá trị gia tăng, phục vụ thị trường XK và thị trường tiêu thụ trong nước.
 
Lê Thúy
Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.