Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, HoSE:
PLX) hiện là nhà phân phối nhiên liệu hàng đầu tại thị trường có hơn 40 triệu xe máy. Petrolimex cũng đang đặt mục tiêu đa dạng hóa hoạt động trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ xăng được dự báo chậm lại trong dài hạn.
Với khoảng 5.000 điểm bán lẻ xăng dầu trên khắp cả nước và cứ mỗi năm lại mở rộng thêm khoảng 70 điểm nhờ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam (đạt gần 7%/năm), Petrolimex đang có những động thái tích cực trong việc xây dựng trạm nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), tích hợp các trạm sạc cho xe điện và cửa hàng tiện lợi vào các điểm bán.
Chủ tịch Petrolimex, ông Phạm Văn Thanh, vừa có cuộc trả lời phỏng vấn hãng Nikkei xung quanh những nội dung này.
- Xin ông chia sẻ về việc Petrolimex rút lại kế hoạch gia tăng hiện diện ở công đoạn giữa của ngành dầu khí, mà cụ thể là từ bỏ việc xây dựng nhà máy lọc dầu thứ ba của Việt Nam?
- Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) hiện vận hành một nhà máy lọc dầu, đồng thời tham gia ở một dự án khác với Tập đoàn Idemitsu Kosan của Nhật (bắt đầu hoạt động từ năm 2018). Hai nhà máy lọc dầu này có thể đáp ứng khoảng 90% nhu cầu tiêu thụ xăng của thị trường trong nước.
Do vậy, để nhận được ưu đãi thuế hoặc các chính sách hỗ trợ tương đương khác so với 2 dự án nêu trên là khó.
Đến nay, chúng tôi cũng chưa từ bỏ kế hoạch, song cũng cân nhắc xây dựng một trạm nhập khẩu LNG để thay thế. Petrolimex đã ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - đơn vị đang xây dựng một nhà máy điện khí. Chúng tôi xây dựng trạm này nhằm phục vụ nhập khẩu các sản phẩm dầu khí nên sẽ xem xét dự án dựa trên việc kinh doanh khí thiên nhiên hóa lỏng.
- Nhu cầu tiêu thụ xăng được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại. Petrolimex đã chuẩn bị phương án gì để đối phó?
- Nhu cầu tiêu thu xăng được dự báo tăng khoảng 5% mỗi năm, thấp hơn tăng trưởng kinh tế Việt Nam hiện nay (khoảng 6-7%). Chúng tôi không cho rằng sẽ có sự thay đổi lớn nào về môi trường kinh doanh trong 5 năm tới. Tuy nhiên, về dài hạn, Tập đoàn sẽ cần phải chuẩn bị cho xu hướng sử dụng ôtô và xe máy điện ngày càng phổ biến.
Chúng tôi đang hợp tác với Tập đoàn Vingroup, đơn vị đang và sẽ cho ra mắt ôtô và xe máy điện từ năm 2019. Chúng tôi đã bắt đầu lắp đặt các trạm sạc tại các điểm bán lẻ xăng dầu. Hy vọng tất cả các điểm bán này đều sẽ có ổ sạc cho xe điện.
- Petrolimex dự kiến sẽ làm gì để các trạm xăng trở nên cạnh tranh hơn?
- Chúng tôi muốn tận dụng kinh nghiệm quản lý của đối tác là JXTG Nippon Oil &Energy, cổ đông Nhật đang nắm giữ 8% cổ phần của Petrolimex. Chúng tôi sẽ tăng cường kết hợp giữa trạm xăng và cửa hàng tiện lợi, dự kiến mở thử mô hình này tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM trong năm 2019.
Vì mô hình trạm xăng kết hơp với các cửa hàng tiện lợi hoặc bán lẻ khác cần mặt bằng lớn hơn, chúng tôi sẽ phá bỏ và xây lại các trạm xăng. Petrolimex sẽ tìm cách để các trạm xăng thân thiện hơn với người dùng bằng cách phát triển mối quan hệ thân thiết với các nhà bán lẻ.
- Vậy có nghĩa là Petrolimex sẽ tăng cường xây dựng các trạm xăng tự phục vụ?
- Petrolimex đã có khoảng 30 trạm xăng tự phục vụ và sẽ tăng số lượng nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là một xã hội chuộng tiền mặt, thẻ tín dụng còn chưa phổ biến.
Chúng tôi không thể cứ thế mà giới thiệu tập quán của các nước khác vào Việt Nam, mà cần phải vừa vận hành chúng sao cho phù hợp với thị trường, vừa phải phân tích phản ứng của khách hàng.
- Ông có chia sẻ gì về kế hoạch bán cổ phần nhà máy lọc dầuMarifu ở Nhật của Tập đoàn JXTGcho Petrolimex?
- Lúc này tôi không thể nói cụ thể, nhưng chúng tôi vẫn đang đàm phán với JXTG về một liên doanh 50-50. Chúng tôi đã báo cáo Chính phủ về ý định này. Tôi cũng chưa biết liệu hai bên có thể thành lập liên doanh vào tháng 4 này (như đã định) hay không.
Phan Vũ/Theo Nikkei Asian Review
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.