Ngày 12/4, CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HoSE:
TCM) tổ chức ĐHCĐ thường niên 2019.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Lee Eun Hong, Tổng giám đốc
TCM cho biết năm 2018, doanh thu của công ty đạt 3.664 tỷ đồng với lợi nhuận sau thuế đạt 260 tỷ đồng. Cả hai chỉ tiêu này đều vượt kế hoạch lần lượt 16% và 37%.
Ông Lee cho biết ngành dệt may Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao với doanh thu kim ngạch xuất khẩu đạt 36,1 tỷ USD, tăng 16,1% so với thực hiện 2017 nhờ kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng tạo nên làn sóng chuyển dịch đơn hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam. Kết quả kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vào các thị trường chính đều tăng so với năm 2017.
Tuy nhiên, sự kiện Mỹ rút khỏi TPP và đưa ra các chính sách bảo hộ thương mại ảnh hưởng phần nào đến dệt may Việt Nam khi thực hiện đơn hàng xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Ngoài ra, một số khó khăn vẫn tiếp tục trong năm 2018 như chi phí đầu vào tăng, giá nguyên liệu xơ sợi biến động, hàng nhập khẩu, hàng giả… làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo đánh giá của ông Lee, năm 2019 còn tiềm ẩn nhiều bất ổn, rủi ro khó lường. Đồng tiền các quốc gia xuất khẩu dệt may lớn bị phá giá làm cho hàng hóa Việt Nam đắt hơn, khó cạnh tranh thu hút đơn hàng. Trong khi đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến lượng cầu hàng hóa giảm, đặc biệt là trong ngành sợi. Việc tăng lãi suất của các quốc gia cũng sẽ làm nhu cầu hàng hóa có xu hướng giảm.
Một điểm đáng lưu ý là ngành may mặc Việt Nam phụ thuộc 45% nguồn cung vải từ Trung Quốc. Nếu Trung Quốc thay đổi chính sách (như tăng thuế xuất khẩu vải hoặc không bán vải cho các nước may hàng xuất khẩu vào Mỹ), dệt may Việt Nam sẽ khó tìm nguồn cung thay thế.
Một số khó khăn từ năm 2018 mà các doanh nghiệp dệt may tiếp tục phải đối mặt trong năm 2019, như sự cạnh tranh giá với các quốc gia được ưu đãi thuế nhập khẩu dệt may vào EU và Mỹ cùng với chính sách bảo hộ ngành dệt may các nước trong khu vực (Bangladesh, Pakistan, Ấn Độ,…).
Ngoài sức ép hàng hóa tiểu ngạch, nhập khẩu từ các nước lân cận, sự có mặt của các thương hiệu lớn như Zara, H&M, Uniqlo...cũng sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp dệt may trong nước.
Tuy nhiên, ông Lee cho rằng ngành dệt may vẫn có những lợi thế về tiêu chuẩn môi trường, nhà xưởng,… cùng lực lượng lao động trẻ, có tay nghề. Việc CPTPP được thông qua, cùng Hiệp định EVFTA dự kiến sẽ được ký và có hiệu lực vào cuối 2019, cũng mở ra cơ hội xuất khẩu sang nhiều thị trường tiềm năng.
Bên cạnh đó, căng thẳng Mỹ - Trung vẫn là cơ hội cho ngành dệt may khi một số lượng không nhỏ các đơn hàng tại thị trường tiêu thụ dệt may lớn là Mỹ sẽ chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Ngoài ra, Olympic 2020 tại Nhật Bản sẽ tạo ra nguồn nhu cầu lớn về dệt may tại thị trường này trong thời gian tới.
Theo đó, công ty đặt mục tiêu doanh thu năm 2019 là hơn 3.900 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế là 242 tỷ đồng. Tỷ lệ chia cổ tức dự kiến là 12%.
ĐHCĐ thông qua tờ trình trả cổ tức năm 2018 là 12% trên mệnh giá, trong đó thanh toán cổ tức bằng tiền mặt 5% đã tạm ứng ngày 19/3 và thanh toán 7% bằng cổ phiếu thưởng. Tờ trình kế hoạch kinh doanh và chi trả cổ tức cho năm 2019 cũng được thông qua.
Phần thảo luận:
Kết quả kinh doanh quý I và triển vọng kinh doanh quý II?
Trong quý I,
TCM ghi nhận lợi nhuận sau thuế lũy kế đạt khoảng 2,82 triệu USD, tăng 36% so với quý I/2018 (khoảng 65 tỷ đồng). Mức tăng trưởng này chủ yếu đến từ bất động sản, không phải từ ngành nghề kinh doanh chính.
Về triển vọng quý II,
TCM hiện có một số đơn hàng lớn đang chuyển dịch về công ty.
Cắt giảm mảng sợi có làm mất lợi thế liên quan tới Hiệp định CPTPP?
TCM hiện có dây chuyền khép kín, điều này sẽ là lợi thế lớn cho công ty với CPTPP. Việc cắt mảng sợi là do nhiều năm qua bị lỗ lớn, vì sản phẩm khó cạnh tranh, nhất là khi công ty đang sản xuất các sản phẩm thị trường. Nói cách khác, việc cắt giảm mảng sợi không ảnh hưởng đến lợi thế của công ty trong CPTPP.
Nếu thiếu sợi, công ty có thể đi mua, thay vì hi sinh hiệu quả kinh doanh.
Tại sao xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản tăng mạnh?
Công ty tập trung nhiều vào Mỹ vì đây là thị trường có nhiều đơn hàng lớn. Từ năm 2017, công ty tập trung phát triển mẫu mã mới cho thị trường Mỹ giúp tăng lượng khách hàng.
Xuất khẩu vải sang Nhật Bản tăng vì nhu cầu cao. Công ty vừa nhập tiếp máy móc để sản xuất vải bán cho thị trường Nhật.
Tại sao công ty đặt kế hoạch 2019 thấp hơn trung bình ngành?
Công ty đặt kế hoạch thận trọng vì đang trong giai đoạn tái cấu trúc theo hướng dịch chuyển từ các khách hàng có biên lợi nhuận thấp sang cao.
Công suất hoạt động hiện nay của các nhà máy như thế nào? Nếu có thêm đơn hàng thì có khả năng đáp ứng ko?
Các nhà máy của công ty hiện vận hành hết công suất. Nếu có nhiều đơn hàng, công ty có thể thuê ngoài làm.
Dự án TC1 bao giờ hoàn thành? Khi nào thì nới room cho nhà đầu tư nước ngoài?
Hiện công ty có 4 dự án bất động sản. Với dự án TC1, công ty phải điều chỉnh lại giấy phép đầu tư. Công ty đã nộp hồ sơ điều chỉnh 4 tháng trước nhưng chưa có kết quả. Một trong những lý do là việc phê duyệt các dự án bất động sản tại TP HCM đang bị dừng. Chính quyền thành phố đang xem xét để nới lỏng cho một số dự án. Nếu thuận lợi, dự án có thể khởi công vào tháng 11.
Giá bán của TC1 dự kiến vào khoảng 1.200 – 1.300 USD/m2. Đây là giá dựa trên giá khảo sát giá của khu vực xung quanh. TC1 dự kiến có 14 tầng.
Với dự án TC2, kế hoạch xây dựng là 3 – 5 năm, hiện công ty đã có quỹ đất dưới Vĩnh Long. Dự án bên quận 4 đang chuyển đổi mục đích sử dụng nên chưa thể thực hiện.
Với dự án tại Phan Thiết, hiện đã có nhà đầu tư liên quan và công ty đang trong quá trình đàm phán.
Liên quan tới việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, công ty chưa thể thực hiện được do đang vướng một số ngành nghề, trong đó có bất động sản. Công ty đang làm việc với tư vấn để nới room mà vẫn giữ được ngành bất động sản.
Mua bán nhà máy Trảng Bàng với E-Land có minh bạch? Khoản phải thu của Sears như thế nào?
Với giao dịch nhà máy Trảng Bàng, công ty sử dụng bên thứ 3 để định giá, từ đó giao dịch dựa trên định giá đó.
Đối với khoản phải thu của Sears, công ty này dự kiến nộp hồ sơ phá sản lên tòa án Mỹ vào ngày 15/4. Tuy nhiên, kế hoạch này có thể bị hoãn nên công ty vẫn đang chờ.
Công ty có dự định mở rộng nhà máy để đón CPTPP?
Từ giờ cho tới năm 2025, công ty xây dựng tiếp nhà máy vải - dệt - may, hướng tới doanh thu đạt 350 triệu USD, gấp đôi với hiện nay.
Tại sao công ty mua cổ phiếu của Savimex?
Công ty đánh giá rằng cổ phiếu của Savimex đang thấp hơn 50% so với giá trị thực. Triển vọng của Savimex cũng được đánh giá khả quan. Khoản đầu tư của
TCM vào Savimex năm 2018 đã mang về 27 tỷ đồng cho công ty.
Mặt khác, Savimex có nhiều quỹ đất, và
TCM có thể đặt hàng Savimex làm đồ nội thất cho TC1. Nói cách khác, Savimex có thể tạo thêm giá trị cho
TCM.
Phan Vũ
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.