• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.250,46 +8,35/+0,67%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.250,46   +8,35/+0,67%  |   HNX-INDEX   224,64   +1,07/+0,48%  |   UPCOM-INDEX   92,74   +0,39/+0,43%  |   VN30   1.311,26   +9,74/+0,75%  |   HNX30   479,79   +4,19/+0,88%
30 Tháng Mười Một 2024 6:55:00 CH - Mở cửa
ĐHĐCĐ SMC: Bán tối đa 65% vốn SMC Hà Nội cho Hanwa, giá gấp 3,5 lần vốn đầu tư
Nguồn tin: Người đồng hành | 20/04/2019 6:51:06 CH
Ngày 20/4, Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC (HoSE: SMC) tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019.
 
Bà Nguyễn Thị Ngọc Loan, Chủ tịch HĐQT SMC, cho biết năm 2018, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bùng nổ, ngành thép có những diễn biến kém tích cực trong nửa cuối năm 2018. Các yếu tố này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động và hiệu quả của hầu hết doanh nghiệp trong ngành.
 
Đối với mảng thép, năm 2018, SMC hoàn tất đầu tư giai đoạn 2 nhà máy sản xuất ống thép Sendo, nâng công suất từ 60.000 tấn lên hơn 100.000 tấn/năm. Tại nhà máy sản xuất cơ khí thép SMC, hệ thống dây chuyền mạ băng kẽm thứ 2 cũng được đầu tư hoàn chỉnh vào cuối năm 2018 và bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 1/2019, nâng công suất thép lá mạ kẽm gấp đôi lên 300.000 tấn/năm.
 
Ngoài ra, công suất gia công thép dẹt của nhà máy phía bắc tăng từ 70.000 tấn lên 100.000 tấn/năm nhờ dự án đầu tư mở rộng Coil Center SMC Hà Nội được hoàn thiện và đi vào hoạt động từ tháng 1/2019.
 
Xuất khẩu thép các loại của công ty tăng 37% so với năm trước nhờ đẩy mạnh xuất khẩu thép dây và thép thanh sang thị trường Campuchia. Ngoài ra, SMC ghi nhận tiến triển trong việc xuất khẩu sang Lào và tăng tỷ trọng xuất khẩu ống thép sang Thái Lan.
 
Tuy nhiên, năm 2018 là năm khó khăn đối với nhóm hàng tôn mạ và ống thép khi giá nguyên vật liệu biến động mạnh, công suất trong ngành gia tăng quá nhanh trong khi thị trường xuất khẩu bị co hẹp do làn sóng phòng vệ thương mại.
 
Bà Loan cho biết năm 2018, công ty ghi nhận tổng sản lượng thép tiêu thụ là gần 1,14 triệu tấn với doanh thu thuần đạt hơn 16.400 tỷ đồng, đều vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế đạt gần 172 tỷ đồng, giảm khoảng 37% so với năm trước do giá thép giảm mạnh, nhu cầu tiêu thụ chậm lại trong nửa cuối năm 2018, và công ty tăng trích lập dự phòng cho tồn kho, công nợ và đầu tư tài chính.
 
Theo đánh giá của bà Loan, năm 2019 vẫn là một năm có nhiều thách thức từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, liên minh châu Âu có dấu hiệu chậm lại, lãi suất trên toàn cầu có xu hướng tăng, làn sóng bảo hộ thương mại ngày càng mạnh mẽ…
 
Trong nước, thị trường bất động sản cũng chững lại, trong khi công suất sản xuất toàn ngành tăng quá nhanh khiến mức độ cạnh tranh trên thị trường nội địa rất gay gắt. Bên cạnh các biến động khó lường về giá nguyên vật liệu, chính sách thắt chặt tín dụng cùng với chi phí lãi suất duy trì ở mức cao cũng sẽ tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp ngành thép sử dụng tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao.
 
Liên quan tới coil center (gia công các sản phẩm thép dẹt cho xe máy Honda, Yamaha… hay sản phẩm điện máy), được dự báo có xu hướng thuận lợi và nhiều cơ hội để mở rộng khi số lượng khách hàng mới và đơn hàng gia tăng theo xu hướng dịch chuyển các hoạt động đầu tư sản xuất sang khu vực ASEAN trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa chấm dứt.
 
Năm 2019, công ty đặt mục tiêu đạt tổng sản lượng tiêu thụ tăng 5,5% lên 1,2 triệu tấn, với tổng doanh thu bán hàng giảm 8,9% xuống 15.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 6,8% xuống 160 tỷ đồng.
 
Chi trả cổ tức năm 2019 dự kiến là 20%, trong đó 10% bằng tiền mặt và 10% bằng cổ phiếu. Công ty dự kiến phát hành 500.000 cổ phần ESOP cho cán bộ nhân viên.
 
ĐHĐCĐ thông qua việc ông Nguyễn Hữu Kinh Luân xin từ nhiệm thành viên ban kiểm soát và bầu bổ sung bà Võ Thị Tố Ngân. Các tờ trình khác đều được thông qua.
 
Thảo luận:
 
Tình hình kinh doanh quý I?
 
Ông Võ Hoàng Vũ, Tổng Giám đốc SMC: Quý I, lợi nhuận sau thuế là 35,5 tỷ đồng. Giá thép tăng ngay sau tết âm lịch nhưng thực ra giá bán và hợp đồng bán của tháng 3 đã được chốt trong tháng 1, 2, thời điểm mà tình hình thị trường thép rất xấu.
 
Tháng 3 là tháng cuối cùng của quý nên lợi ích từ việc giá thép tăng sẽ được thể hiện ở kết quả của quý II. Quý II sẽ tích cực hơn quý I. Kết quả của quý I có sản lượng thấp, và chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ tình hình của cuối 2018.
 
Suất sinh lời của nhà máy mạ, Sendo như thế nào? Có kế hoạch mở rộng giai đoạn 3 cho nhà máy mạ không?
 
Ông Võ Hoàng Vũ: Đối với nhà máy Sendo, công ty định hướng tăng tỷ lệ tiêu thụ nội địa lên 70 - 80%.
 
Ngành tôn mạ bị đánh giá bi quan nhưng SMC đánh giá đây là một ngành hàng vẫn hiệu quả. Sau khi công ty đưa vào hoạt động dây chuyền 2 từ tháng 1, sản lượng tôn mạ đạt khoảng 25.000 tấn/tháng, tiệm cận mức công suất tối đa. Công ty dự kiến công suất sẽ đạt trên 300.000 tấn/năm. Trên cơ sở đánh giá thị trường hiện tại, công ty chưa có kế hoạch mở rộng.
 
Bà Nguyễn Thị Ngọc Loan: Đối với nhà máy Sendo, sau khi đưa vào hoạt động dây chuyền 2, tiêu thụ cả năm 2018 đạt 80.000 tấn thép, gấp hơn 2 lần so với năm trước đó. Sang năm 2019, mục tiêu của Sendo là 110.000 tấn nhưng công ty tham vọng con số có thể lên 130.000 tấn thép.
 
Trong bối cảnh khó khăn cho cả ngành thép như hiện nay, Sendo đã lập kỷ lục tiêu thụ kỷ lục 28.000 tấn thép, cả hệ thống cũng tiêu thụ kỷ lục 133.000 tấn thép trong tháng 3.
 
Kế hoạch kinh doanh 2019 được xây dựng dựa trên cơ sở nào?
 
Trong bối cảnh tình hình giá cả bất ổn, công ty xây dựng kế hoạch kinh doanh trên cơ sở thận trọng, không quá lạc quan khi thị trường tăng và cũng không quá bi quan khi thị trường giảm.
 
Tại sao tỷ lệ nợ vay tăng trong quý I, trong khi các công ty cùng ngành giảm?
 
Ông Võ Hoàng Vũ: Nợ vay quý I tăng lên vì sản lượng của nhà máy mạ tăng mạnh, công ty buộc phải tăng vay để mua hàng phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Thứ hai, trong bối cảnh giá thép có chiều hướng tích cực, việc công ty giảm nợ vay và giảm tồn kho là không hợp lý.
 
Bà Nguyễn Thị Ngọc Loan: Liên quan đến tổng dư nợ quá cao, nửa cuối năm 2018, giá thép đảo chiều, giảm mạnh và nhanh. Vì vậy, SMC phải nhanh chóng giảm mạnh tồn kho, công nợ để giảm chi phí, giảm thiểu thiệt hại. Tháng 11/2018, giá thép giảm 50 USD, tương đương giảm hơn 10%, từ 550 USD xuống 500 USD/tấn. Đây là thiệt hại rất lớn với ngành thép nói chung.
 
Sang năm 2019, tình hình hoàn toàn đảo ngược. 2019 vẫn được dự báo là năm không thuận lợi nhưng biến động khác thường. Quý I vẫn gánh chịu một số thiệt hại từ cuối 2018, nhưng giá thép có tín hiệu tích cực từ sau tết âm lịch. Cuối tháng 12/2018, giá thép là 480 – 490 USD/tấn, nhưng sang đến tháng 2, giá hồi phục nhanh lên 540 – 550 USD/tấn.
 
Trong khi đó, tháng 3, 4 thường là mùa cao điểm của xây dựng. Giá cao cùng với nhu cầu tăng nên công ty phải tập trung gia tăng hàng tồn kho, đẩy mạnh bán hàng để tranh thủ kiếm lợi nhuận, vì thế phải tăng vay ngân hàng. Nói cách khác, công ty đẩy mạnh dư nợ để tranh thủ thời điểm thuận lợi.
 
Năm 2019 nhìn chung không tốt với ngành thép. Tuy nhiên, SMC có lợi thế vì hoạt động trong 3 ngành, sản xuất, gia công và thương mại. Vì vậy, những thời điểm mà ngành nào thuận lợi, công ty tập trung vào mảng đó, để hỗ trợ cho những ngành đang gặp khó khăn.
 
Tại sao bán vốn tại SMC Hà Nội?
 
Bà Nguyễn Thị Ngọc Loan: Hệ thống của SMC có nhiều mảng, trong đó mảng gia công coil center có kết quả khá tốt, ổn định nhất qua các năm. Ưu điểm của SMC Hà Nội là kết quả ổn định và đồng đều qua các năm. Tuy nhiên, bất lợi của đơn vị này là ở quá xa so với SMC, nên sự hỗ trợ từ công ty không thể bằng các thành viên ở phía Nam dù đã có nhiều ưu đãi. Trong khi đó, ở phía bắc, hệ thống coil center có tiềm năng phát triển lớn nhờ vị trí địa lý trải dài, không co cụm như ở phía nam. Công ty đánh giá mảng này có nhiều lợi thế, nhưng nếu chỉ tập trung vào chi nhánh ở Hà Nội, SMC khó có thể phát triển, mà chỉ có thể giữ ổn định. Để phát triển mạnh, công ty cho rằng cần phải có nhân tố mới để kết hợp.
 
Công ty nhận thấy Hanwa Corp là doanh nghiệp mạnh về coil center tại Nhật Bản và hiện góp 20% vốn tại SMC và 25% vốn tại Sendo. Gần đây, công ty này cũng hỗ trợ nhiều cho SMC về mảng coil center.
 
Ông Võ Hoàng Vũ: Coil center là mảng hoạt động ổn định nhất của SMC trong ngay cả những năm khó khăn, nên năm 2018, công ty xin đã chủ trương đầu tư một hệ thống coil center ở Đà Nẵng. Giảm vốn ở SMC Hà Nội, công ty sẽ có thêm vốn để đầu tư cho hệ thống mới ở Đà Nẵng.
 
Trong bối cảnh nguồn vốn của công ty thấp, nếu muốn phát triển mảng này, việc tăng khoản vay trung dài hạn sẽ là điểm không thuận lợi với SMC bởi công ty có giới hạn về nguồn lực. Nói cách khác, việc chuyển nhượng một phần vốn tại SMC Hà Nội là để tiếp tục phát triển mảng coil center.
 
Công ty dự kiến chuyển nhượng dưới 65% cổ phần tại SMC Hà Nội cho Hanwa. Giá bán đã được thỏa thuận sơ bộ, và số tiền thu về dự kiến gấp 3,5 lần vốn góp thực tế cho SMC Hà Nội trong vòng 6 năm qua.
 
Công ty chấp nhận hy sinh lợi nhuận tiềm năng để thu hồi vốn nhằm phục vụ hoạt động đầu tư phát triển và tăng dòng tiền trong tương lai.
 
Cổ phiếu của bản thân mà chị Loan “cắm” cho Vina Kyoei đã lấy về chưa? Việc này có ảnh hưởng gì đến công ty không?
 
Bà Nguyễn Thị Hoàng Loan: Số cổ phiếu đó chưa được lấy về, và không được phép lưu hành.
 
Ông Võ Hoàng Vũ: Đây là đối tác cung cấp tín dụng lớn cho công ty, và số cổ phiếu này thực chất là một hình thức cam kết của người điều hành với đối tác. Đáng lẽ công ty phải là bên đứng ra làm việc này. Trước đó, SMC thống nhất sử dụng hơn 1,9 triệu cổ phiếu SMC do bà Nguyễn Thị Ngọc Loan là chủ sở hữu để đăng ký thế chấp mua thép trả chậm cho Công ty TNHH Thép Vinakyoei.
 
Thanh Long
Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.