Sáng ngày 20/4, CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HoSE:
PNJ) đã tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 để thảo luận về kế hoạch kinh doanh năm 2019, phương án tăng vốn điều lệ, bầu nhân sự mới,…
Tổng giám đốc Lê Trí Thông cho biết
PNJ sẽ thay đổi hình ảnh từ “chiếc ô tô” sang “tàu cao tốc”. Công ty có nhiều thành viên tiềm năng để
PNJ tăng tốc mạnh và cũng có nhiều hoạt động, thay đổi. Công ty sẽ xây dựng những đường ray, platform mới để
PNJ đạt tăng trưởng dài hạn.
Ông Thông nhận thấy các công ty bán lẻ hàng đầu khác đang tiệm cận với việc bão hòa thị trường. Trong khi đó, dư địa phát triển của công ty vẫn rất lớn nhưng phải phát triển mảng mới, chuẩn bị đường ray mới.
Thực tế
PNJ năm qua phải dàn quân trên 2 mặt trận. Thứ nhất là phải duy trì vị thế dẫn đầu. Mặt khác là tạo nền tảng mới, xây dựng hệ thống ERP (hoạch định tài nguyên doanh nghiệp) để tạo sự phát triển dài hạn, CEO
PNJ chia sẻ.
Năm ngoái, lợi nhuận trước thuế của
PNJ đã vượt mốc 1.200 tỷ, lãi sau thuế xấp xỉ 1.000 tỷ. Kế hoạch năm 2019, Công ty hướng đến mục tiêu sẽ lọt vào câu lạc bộ lãi sau thuế 1.000 tỷ đồng.
Năm 2018,
PNJ có tốc độ mở rộng cửa hàng kỷ lục với việc mở mới 61 cửa hàng, đóng cửa 6 đơn vị, tương đương mở ròng 55 cửa hàng. Các cửa hàng trưởng thành (SSSG) tăng trưởng doanh thu 20%. Khách hàng thân thiết tăng 48%.
Ông Thông cho biết biến động giá cổ phiếu tốt hơn thị trường chung.
PNJ vào rổ VN30 vào tháng 7/2018.
Chủ tịch Cao Thị Ngọc Dung, công ty có định hướng xây dựng “ngôi nhà thành công” cho
PNJ với 4 thành tố chính.
Thành tố thứ nhất là tăng trưởng vững chắc. Từ nền tảng 2018, tầm nhìn trở thành công ty trang sức hàng đầu châu Á và số 1 tại Việt Nam.
PNJ đã thực thi tầm nhìn đó nhưng để giữ vững và đi đúng hướng thì công ty phải xây dựng vững chắc thị trường cấp 1 (tier 1 -thị trường thành phố lớn). Sân chơi này ngày càng sôi động với sự tham gia của các công ty Việt kiều xây dựng thương hiệu trang sức trong nước.
Để giữ vị trí số 1 thị trường cấp 1,
PNJ sẽ không chủ quan khi đối thủ luôn có cách làm mới. Mô hình
PNJ Next, hiện có đồng hồ, mắt kính và sẽ thêm các sản phẩm để trải nghiệm khách hàng mới. Đồng thời, công ty sẽ làm mới hình ảnh hiện tại với một mô hình các cửa hàng mới về cả hình ảnh bên ngoài và chất lượng sản phẩm dịch vụ bên trong được ra mắt đầu tháng 6.
Thị trường cấp 2, cấp 3 nằm trong tay các hãng khác, kinh doanh nhỏ lẻ ở các tỉnh. Các năm vừa qua,
PNJ vẫn liên tục mở rộng và sẽ chiếm lấy thị trường này trên toàn quốc, tập trung đẩy mạnh kinh doanh cốt lõi là trang sức. Thế mạnh của
PNJ là nhà sản xuất kim hoàn. Hiện 90% sản phẩm là tự sản xuất nhưng công ty sẽ đa dạng hóa sản phẩm, tìm kiếm thêm nhà nhập khẩu bên ngoài và muốn thay đổi tỷ trọng thành 7:3, nhưng không có nghĩa thu hẹp tự sản xuất.
Thành tố thứ 2 là phát triển năng lực. Công ty xem nguồn nhân lực là nền tảng quan trọng nhất trong mô hình “ngôi nhà thành công”. Tăng năng lực công nghệ, năng suất cao hơn, giá thành thấp hơn, chuyển đổi thành công ty số.
Năng suất lao động bán lẻ hiện vẫn còn kém, trải nghiệm của khách hàng cũng còn chưa tốt. Công ty sẽ đẩy mạnh huấn luyện tốt hơn cho đội ngũ bán lẻ.
PNJ cũng thừa nhận vẫn còn yếu ở mảng kim hoàn, đặc biệt là quản trị chuỗi cung ứng kim hoàn.
Thứ 3 là làm giàu tài nguyên. Công ty hướng đến hình ảnh “top mind” của thương hiệu
PNJ. Cuối cùng là chuẩn bị tương lai. Công ty sẽ phát triển nhiều sản phẩm, thương hiệu hơn; định hướng chiến lược số hóa và tập trung nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Triển khai dự án Data Warehouse, dự án Data Analytics, dự án ERP,…
Về kế hoạch 2019,
PNJ dự kiến mở thêm 40 cửa hàng nhưng vẫn xem xét thận trọng để không ảnh hưởng đến SSSG. Do vậy, số lượng mở thực tế có thể thay đổi. Công ty có kế hoạch xây dựng trụ sở mới nhưng vướng nhiều thủ tục, hi vọng năm nay xong.
Kế hoạch lãi tăng 23%
Theo công bố của
PNJ, công ty đặt kế hoạch doanh thu thuần năm 2019 là gần 18.208 tỷ đồng, tăng trưởng 25%. Trong đó, mảng trang sức bán lẻ là 10.225 tỷ đồng, chiếm khoảng 56% doanh thu của
PNJ.
Lợi nhuận sau thuế gần 1.182 tỷ đồng, cao hơn 23% so với kết quả năm trước. Nếu đạt được con số này, đây là lần đầu tiên công ty có lãi sau thuế vượt 1.000 tỷ đồng.
Năm 2019,
PNJ đặt mục tiêu phát triển tối thiểu 40 cửa hàng mới ở các kênh cửa hàng độc lập, kênh trung tâm thương mại hiện đại và siêu thị.
PNJ cũng phát triển mô hình cửa hàng mới
PNJ Next và kết hợp với thương mại điện tử (ecommerce) để tạo nên mô hình bán hàng đa kênh (omni chanel).
Năm 2018,
PNJ ghi nhận doanh thu thuần đạt 14.571 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2017. Lợi nhuận trước thuế là 1.206 tỷ đồng, tăng trưởng 33% và cũng là lần đầu vượt mức 1.000 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế thu về 959 tỷ đồng. Theo đó, công ty quyết định trích 329 tỷ đồng để chi trả cổ tức năm 2018 với tổng tỷ lệ 20%.
PNJ tạm ứng 2 đợt cổ tức trước đó với tổng tỷ lệ 18% và dự kiến chi trả đợt 3 với tỷ lệ 2%/mệnh giá (số tiền khoảng 33,4 tỷ đồng).
Thưởng cổ phiếu 33%
Cũng tại Đại hội,
PNJ trình cổ đông thông qua phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Số lượng dự kiến phát hành là 55,67 triệu cổ phiếu, qua đó tăng vốn điều lệ lên 2.227 tỷ đồng.
Tỷ lệ phát hành là 3:1 (cổ đông sở hữu 3 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 1 cổ phiếu mới). Nguồn vốn phát hành từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2018. Thời điểm phát hành trong năm 2019 sau khi UBCKNN chấp thuận việc phát hành.
Bên cạnh việc phát hành thưởng 33% trên, công ty còn trình phương án phát hành cổ phiếu cho lãnh đạo chủ chốt của
PNJ và công ty con.
Tổng khối lượng phát hành cho lãnh đạo chủ chốt là 2,23 triệu cổ phiếu với giá phát hành là 20.000 đồng/cp. Ngoài ra,
PNJ cho biết ông Robert Alan Willet - Thành viên HĐQT chưa đủ điều kiện thâm niên nhưng có nhiều đóng góp nên sẽ phát hành cho ông 400.000 cổ phiếu với giá chiết khấu 25% so với giá đóng cửa bình quân 10 phiên giao dịch liên tiếp. Tổng khối lượng phát hành cho lãnh đạo là 2,63 triệu cổ phiếu.
Với 2 phương án phát hành trên, vốn điều lệ của
PNJ dự kiến sẽ tăng từ 1.670 tỷ lên 2.253 tỷ đồng.
Một nội dung quan trọng khác là công ty muốn thông qua đơn từ nhiệm Thành viên HĐQT của bà Nguyễn Thị Cúc theo nguyện vọng cá nhân. Do vậy, để đảm bảo HĐQT gồm 9 người,
PNJ sẽ bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT là bà Đặng Thị Lài.
Phần thảo luận
Vấn đề với ngân hàng Đông Á, xin công ty khẳng định lại lần nữa?
Bà Cao Thị Ngọc Dung: Tòa án đã xử và
PNJ không có trách nhiệm gì liên đới gì từ vụ án.
Từ 2013, công ty có sự tăng trưởng mạnh mẽ, việc mở rộng cửa hàng. Đâu là yếu tố, động lực cho sự tăng trưởng thời gian tới? Công ty có mở rộng thị trường bên ngoài không? Đa dạng hóa sản phẩm và khách hàng ra sao? Có kế hoạch ứng dụng công nghệ vào sản phẩm?
Ông Lê Trí Thông: Thị trường trang sức trung cao cấp chiếm 30% thị trường. Thị trường 70% còn lại cũng đang mở rộng và dư địa vẫn còn rất lớn.
Công ty sẽ không ngủ quên trong việc khai thác các thị trường đó, công ty sẽ thử nghiệm đường ray mới, nối toa, tạo đường đi mới. Công ty sẽ sử dụng công nghệ và sáng tạo công nghệ, đầu tư vào con người.
Ngoài ra,
PNJ chuẩn bị mảng kinh doanh khác song song mà còn nhiều dư địa như đồng hồ, mắt kính, tổng dung lượng các mảng này còn lớn hơn dung lượng công ty đang khai thác. Điều quan trọng với
PNJ là có đủ năng lực, nguồn lực để khai thác và nắm được cơ hội hay không
Về đa dạng hóa sản phẩm, liên quan đến công nghệ thông minh, công nghệ sâu thì không phải là thế mạnh để
PNJ cạnh tranh. Chúng tôi sẽ hợp tác với đơn vị khác để phát triển chứ không thể tự tham gia, không đủ nguồn lực và nhân lực.
Công ty đang có kế hoạch đi ra nước ngoài. Tuy nhiên, công thức thành công ở Việt Nam được xây dựng 30 năm sẽ không dễ dàng để lặp lại ở các thị trường khác. Chúng tôi đang lựa chọn các thị trường phù hợp chứ tự mang công thức cũ sang thị trường mới, điều này sẽ còn nhiều thiếu xót. Công ty có 1 team theo con đường du kích chứ không đánh trận lớn, một số thị trường công ty có thể khai thác.
Phân tích những chỉ tiêu chưa đạt? Cung cấp thông tin Thành viên HĐQT Robert?
Ông Lê Chí Thông: Doanh thu tài chính không đạt do năm 2017 có tăng vốn dư vốn nhưng chưa sử dụng nên gửi ngân hàng dẫn đến doanh thu tài chính cao. Năm 2018 đầu tư nhiều vào cửa hàng nên sử dụng thêm đòn bẩy nên doanh thu hoạt động tài chính không còn cao.
Chi phí quản lý tăng 84% so với 2017, trong đó chi phí tiền lương tăng mạnh do công ty review định kỳ lương so với mặt bằng thị trường. Thưởng kết quả kinh doanh và đầu tư bộ máy hoạt động nên quỹ lương tăng. Chính sách bảo hiểm cũng thay đổi. Tăng chi phí nhưng vẫn tạo lợi nhuận tốt, đây bản chất vẫn là hoạt động đầu tư để mang lại lợi nhuận.
Chi phí bán hàng tăng 51% trong đó một nửa đến từ tăng lương gắn với kết quả kinh doanh, đó là động lực lớn cho hoạt động kinh doanh. Năm 2019, tiếp tục tăng thêm phần này để kích thích hoạt động bán hàng. Ngoài ra, công ty mở mới đến 55 cửa, vượt so với kế hoạch chỉ 40; do đó quỹ lương cũng mở rộng thêm. Các cửa hàng này sẽ tạo doanh thu cho những năm tiếp theo.
Ông Robert Alan là quản trị cấp cao của nhiều công ty hàng đầu thế giới. Ông làm nhiệm vụ HĐQT 2 nhiệm kỳ ở MWG và mới được mời sang
PNJ 1 năm nay. Mặc dù chỉ mới 1 năm nhưng ông có nhiều đóng góp trong các chiến lược, phản biện kế hoạch phát triển của
PNJ và công ty con. Cùng với
PNJ, ông giúp tìm kiếm các cơ hội mới, đường ray mới cho tương lại, giúp kết nối chuỗi giá trị toàn cầu với kinh nghiệm bán lẻ toàn cầu. Đây là tài sản quý mà
PNJ sở hữu.
Kế hoạch thưởng nhân sự, đánh giá ra sao? Kế hoạch ESOP trước hay sau phát hành cổ phiếu thưởng?
Ông Lê Chí Thông: Đánh giá nhân viên kinh doanh theo doanh thu và đánh giá thiết kế theo dòng hàng. Điểm khác là triển khai thêm hệ thống đánh giá để đánh giá chất lượng phục vụ thông qua app, camera… để đánh giá năng suất và thành tích của nhân viên.
Với khối hậu phương (back-office), xây dựng KPI cho từng khối. Tùy theo cấp làm việc, hàm lượng liên quan đến cấp quản lý khác nhau.
Công ty phát hành ESOP sau khi chia cổ phiếu thưởng. Theo cơ chế cũ là xin phát hành tỷ lệ 3% cho 3 năm, nhưng muốn tạo kết quả kinh doanh đủ nóng nên chia làm 1% mỗi năm, công bố trước cho từng năm. Nếu không đạt kết quả kinh doanh sẽ không có ESOP.
Việc nới room như thế nào?
Bà Cao Ngọc Dung: Công ty rất muốn nới 49% nhưng phải vướng luật bán lẻ, sẽ bị hạn chế rất nhiều ở mảng bán lẻ.
Ông Lê Chí Thông: Hiện tại room bị hạn chế bán lẻ và kinh doanh vàng bạc. HĐQT cũng đang đi hỏi và sẵn sàng nới room nếu có cơ hội.
So sánh kết quả quý I với kế hoạch cả năm? Kế hoạch ERP triển khai tốt hơn chỗ nào? Kết quả mảng đồng hồ và kế hoạch ra sao? Công ty có kế hoạch đầu tư bao nhiêu?
Ông Lê Chí Thông: kết quả quý I là doanh số tăng trưởng 16%, lợi nhuận tăng 28%. Tốc độ tăng trưởng so với quý I năm trước có chậm hơn, do quý I năm nay ngày thần tài và valentine trùng nhau.
ERP đã triển khai thành công 2/4, phải đảm bảo vận hành tốt, làm chủ công nghệ, tiến tới giai đoạn 2 là sáng tạo công nghệ, tích hợp với các công nghệ khác.
Kế hoạch mảng đồng hồ năm 2019 là doanh số 130 tỷ đồng. Công ty đã giới thiệu concept cửa hàng mới, tăng traffic mới cho mảng này.
Mekong Capital không còn là cổ đông liệu có thành đối thủ?
Bà Cao Ngọc Dung:
PNJ có bề dày kinh doanh lâu đời, cộng hưởng sự đóng góp của nhiều cổ đông, nhiều chiến lược. Chúng tôi vui vẻ khi Mekong mua Vàng bạc Bến Thành nhưng thị trường rất lớn,
PNJ không ngại sự ra đời Preciata có ảnh hưởng lớn đến
PNJ. Vì không có Preciata thì cũng có công ty khác tham gia. Chúng tôi không chủ quan trước thành công trong quá khứ, tất cả kịch bản trong chiến lược đều được tính đến. Một công ty lớn nhất Hồng Koong là Châu Tài Phát cũng tìm đường vào Viêt Nam nhưng họ thành công thị trường khác không có nghĩa thành công tại đây.
Trên thương trường luôn có sự cạnh tranh. Với
PNJ, đối thủ lớn nhất chính là chúng ta, đừng nhìn vào ai cả. Nếu luôn luôn cho rằng tốt thì đối thủ sẽ học theo và vượt qua. Trong chiến lược cạnh tranh cũng có kịch bản cạnh tranh cho tương lai.
Huy Lê
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.