Chỉ còn hơn một tháng, CTCP Mía đường Thành Thành Công Biên Hòa – TTC Sugar (HoSE:
SBT) sẽ kết thúc niên độ tài chính 2018 – 2019, chuẩn bị cho cuộc chơi mới của ngành đường với Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Theo Hiệp định này, thuế quan nhập khẩu đường từ các nước ASEAN sẽ giảm về 0%, áp dụng năm 2020.
Sự kiện lớn nhất trong năm qua của TTC Sugar tính tại thời điểm này là tiếp quản một nhà máy mía đường có vùng nguyên liệu tới 16.000 ha tại Campuchia, bên cạnh hai vùng trồng hiện hữu là Việt Nam và Lào. Cùng lúc đó, công ty cũng tiến hành tái cấu trúc các nhà máy khác, chuyển từ sản phẩm đường tinh luyện sang organic.
Phóng viên Người Đồng Hành có cuộc phỏng vấn với ông Phạm Hồng Dương, Chủ tịch TTC Sugar, về những kế hoạch kinh doanh và chiến lược sắp tới.
TTC Sugar sẽ thành công ty hàng đầu về phân bón organic
- Ông có thể nói cụ thể hơn về thương vụ tiếp quản nhà máy tại Campuchia?
- Đường là mặt hàng thiết yếu nhưng tại Việt Nam, lượng tiêu thụ còn thấp so với các nước, chỉ 17 kg/người/năm trong khi Indonesia là 35 kg, Mỹ là 42 kg. Nhu cầu đường của Việt Nam hiện khoảng 1,7 triệu tấn và dự báo tăng lên 2,1 - 2,2 triệu tấn vào năm 2025.
Về cung, 35 nhà máy đường đang hoạt động ở Việt Nam sản xuất được khoảng 1,1 - 1,2 triệu tấn cho niên độ 2018 - 2019. Con số này còn cách xa so với nhu cầu 1,7 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, việc mở rộng nhà máy không xảy ra mà ngày càng có xu hướng thu hẹp. Bởi lẽ khi chuẩn bị hội nhập ATIGA, các nhà máy phải giảm giá đường hơn, cạnh tranh với đường lậu, đường không nhãn mác.
BIDV mời TTC tiếp quản nhà máy đường Campuchia để khai thác vùng nguyên liệu 16.000 ha đất, có nhà máy sản xuất đường tinh luyện, có nhà máy cồn sát sông Me Kong. Đây là những điều kiện tốt để trồng mía. Lý do là TTC có năng lực cánh đồng mía lớn hơn bình quân cả nước. Trung bình 1 nông dân ở Việt Nam sở hữu 1 ha mía, nhưng riêng nông dân của TTC lại là 4 ha mía.
Từ các sản phẩm mía ra đường, TTC cũng sẽ khai thác giá trị nhà máy ở các sản phẩm sau đường, cạnh đường như điện sinh khối, làm cồn, mật rỉ. Khi ký hợp đồng hoàn tất tiếp quản dự kiến vào thứ 6 (25/5), TTC sẽ dành một phần đất để cho thuê chăn nuôi gia súc. Ngoài lợi nhuận từ cho thuê nông trường, TTC sẽ có phân hữu cơ organic TTC từ hơn 1 triệu tấn bã mía, 120.000 tấn bã bùn, 70.000 tấn tro lò, 30.000 tấn phân chăn nuôi. TTC mục tiêu trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực phân bón organic.
Riêng mảng phân bón vi sinh, tổng nhu cầu trong nước khoảng 13 triệu tấn/năm. Tuy nhiên Việt Nam mới chỉ sản xuất được khoảng 30%, 70% đang thiếu. Nhà nước thì khuyến khích sản xuất loại phân này bảo vệ môi trường.
Như vậy tiếp quản nhà máy Campuchia vừa tốt cho công tác nông nghiệp, sau đường, tốt cho công tác phát triển phân organic, tạo chuỗi phức hợp để trở thành lợi thế cạnh tranh của TTC.
- Việc tiếp quản đó là một phần hay toàn bộ, mua và chi phí là bao nhiêu?
- Chúng tôi tiếp quản hoàn toàn nhưng chưa thể công bố giá trị mua lại. Chúng tôi còn nhiều thứ phải làm liên quan như trồng mía, vận hành, hoàn thiện về pháp lý.
- Nếu trồng 16.000 ha mía, tổng diện tích vùng trồng của TTC Sugar tại 3 nước Đông Dương là bao nhiêu? Thị phần ra sao?
- Chúng tôi sẽ có 78.000 ha vùng nguyên liệu. Tổng lượng đường sản xuất khoảng 850.000 tấn vào cuối năm 2020, riêng nhà máy ở Campuchia chiếm 15 - 20%. Thị phần tại Việt Nam khoảng 40%, riêng đường công nghiệp là 50%.
4 mảnh ghép trong chuỗi giá trị TTC Sugar
- Như vậy thì chiến lược sản xuất chung của TTC Sugar trong thời gian tới sẽ tập trung các mảng nào, thưa ông?
- Chiến lược chung ở 4 khía cạnh là tăng thị phần, giảm giá thành, phát triển các sản phẩm sâu cạnh đường và sau đường, đầu tư sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao như phân organic hay cơ giới nông nghiệp. Riêng mảng cơ giới nông nghiệp, TTC đã là nhà phân phối độc quyền hàng đầu ở Việt Nam cho John Deere, năm nay sẽ mở rộng ở ĐBSCL như máy kéo, máy thu hoạch, thiết bị nông nghiệp. Mảng này có tốc độ tăng trưởng tốt khoảng 30%/năm, giá trị gia tăng cao.
- Còn việc tăng thị phần, mục tiêu cụ thể TTC Sugar đưa ra là gì?
- Chúng tôi đặt mục tiêu tăng thị phần ở những sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cao như ngành hướng tới chất lượng, an toàn thực phẩm, người tiêu dùng cao cấp. Tùy từng phân khúc, tăng trưởng thị phần bình quân kênh công nghiệp là 8%/năm, kênh tiêu dùng 20%/năm, xuất khẩu 20%/năm, kênh thương mại không đặt mục tiêu tăng trưởng mà điều tiết giá thị trường.
- TTC Sugar có kế hoạch chuyển dịch cơ cấu sản phẩm không, khi hiện tại khoảng 70 – 80% doanh thu từ đường?
- Mảng phân bón, cơ giới nông nghiệp, kết hợp chăn nuôi có phân hữu cơ sẽ được tăng cơ cấu. Đó là những mảng hấp dẫn. Ví dụ, phân organic với công suất 50.000 tấn, giá trung bình 3.000 đồng thì khá cao. (Cần hỏi lại 3.000 đồng/kg hay 3.000 đồng/tấn). Còn nhà máy cồn có công suất 100.000 lít/ngày với giá 16.000 đồng/lít thì thu về 1,6 tỷ đồng/ngày.
- Phân bón organic theo ông là tiềm năng, vậy kế hoạch triển khai xây dựng nhà máy ra sao?
- Năm nay TTC xây nhà máy đầu tiên công suất 50.000 tấn/năm tại Tây Ninh, năm sau dự kiến sản lượng lên gấp rưỡi. Tại Campuchia, sau khi tiếp quản xong, chúng tôi mới trồng mía và làm phân bón organic.
Thương chiến Mỹ - Trung, giá đường hưởng lợi
- Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có ảnh hưởng gì tới Việt Nam và giá đường hay không?
- Giá đường thế giới sẽ tăng vì chiến tranh thương mại, với năm nay là năm chu kỳ ngành đường. Bởi lẽ, thị trường đang thiếu đường (do hạn hán, chu kỳ 5 năm một lần tăng/giảm và đang trong chu kỳ tăng giá). Năm tới, theo dự báo các tổ chức đường, thị trường thế giới sẽ thiếu 2 – 6 triệu tấn nên giá đường chắc chắn bật tăng. Tăng bao nhiêu, mức nào còn tùy thuộc thị trường, nhưng TTC Sugar dự báo có thể tăng 30 – 40% cho năm sau.
- Còn với Hiệp định ATIGA thì sao, nhiều người lo ngại các doanh nghiệp mía đường sẽ khó cạnh tranh khi thuế suất giảm từ 5% về 0%?
- ATIGA không có gì nghiêm trọng. Tại thời điểm hiện tại, khi chưa có ATIGA thì thị trường cũng khá cạnh tranh khi có thêm đường lậu. Trong một thị trường cạnh tranh, các nhà máy đường có ý thức hội nhập thì vẫn sống được và xây dựng được năng lực cạnh tranh riêng của mình. Cạnh tranh ATIGA cũng là cạnh tranh sòng phẳng, không có những tài trợ từ Chính phủ, doanh nghiệp tốt sẽ sống.
Khổng Chiêm
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.