Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (UPCoM:
GVR) đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất năm 2019 đạt 24.224 tỷ đồng, tăng 7% so với thực hiện 2018. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 4.150 tỷ đồng, tăng 24%. Tỷ lệ cổ tức là 6%.
Về kế hoạch đầu tư, Công ty dự kiến chi ra 2.216 tỷ đồng cho đầu tư xây dựng cơ bản và đầu tư tài chính dài hạn, tăng 93% so với thực hiện năm 2018.
Năm 2018, doanh thu và lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 16.273 tỷ đồng và 3.253 tỷ đồng, đạt lần lượt 106,41% và 91,73% kế hoạch năm.
Năm 2019, công ty tập trung 5 lĩnh vực, với nhận định lĩnh vực chính không nhiều khả quan. Cụ thể, lĩnh vực trồng, chăm sóc chế biến mủ cao su lợi huận không cao do giá giảm, chỉ duy trì quy mô hiện tại không đầu tư mở rộng. Sản phẩm công nghiệp cao su lợi nhuận không cao, cạnh tranh lớn và sẽ duy trì như hiện tại.
Trong khi đó, lĩnh vực khu công nghiệp đầu tư trên đất cao su có lợi nhuận cao, tiềm năng nhiều lợi thế nên sẽ đầu tư mạnh giai đoạn 2019-2020 và 2021-2025. Lĩnh vực chế biến gỗ cao su lợi nhuận khá tốt và còn cơ hội nên sẽ đầu tư bổ sung, tái cơ cấu thông qua sáp nhập để tăng sức cạnh tranh. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có lợi nhuận khá tốt, nhưng
GVR sẽ thận trọng vì rủi ro đầu ra, công nghệ sản xuất... nâng dần quy mô phù hợp với tình hình thực tế.
Trong thời gian ngắn hạn và định hướng trung hạn tập đoàn vẫn tập trung vào 3 lĩnh vực sản phẩm cao su, chế biến gỗ và phát triển khu công nghiệp để tạo đà tăng tốc, phát triển trong năm 2019, 2020 và kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Trong một báo cáo của Chứng khoán Yuanta cho biết
GVR đang quản lý 12 khu công nghiệp với tổng diện tích 6.000 ha, trong đó diện tích thương phẩm 4.013 ha với tỷ lệ lấp đầy tính tới cuối năm 2018 là 85%. Năm 2019, Tập đoàn tiếp tục triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng giai đoạn 2 các khu công nghiệp đã có như Nam Tân Uyên, Rạch Bắp, Tân Bình ở Bình Dương, các khu công nghiệp đã cho thuê hết đất ở Đồng Nai, Bình Phước phù hợp với quy hoạch của địa phương.
Định hướng sắp tới, tập đoàn sẽ tiến hành tái cơ cấu nguồn lực bao gồm việc tái cơ cấu quỹ đất, thoái vốn doanh nghiệp. Hiện tại, giá trị mà tập đoàn còn phải thoái là 2.227 tỷ đồng (trong đó giá trị đầu tư của 5 công ty thủy điện khoảng 1.079 tỷ đồng, chiếm 48%). Tập đoàn đã báo cáo xin thoái vốn bổ sung tại Khu công nghiệp Hố Nai và CTCP Xây dựng và Tư vấn đầu tư do không cần thiết nắm giữ bởi hoạt động ít hiệu quả.
Tài liệu ĐHĐCĐ cũng cho biết ban lãnh đạo tập đoàn đang triển khai thủ tục chuyển đổi cổ phiếu sang niêm yết tại Sở GDCK TP HCM (HoSE).
Cuộc họp ĐHĐCĐ sẽ được tổ chức vào ngày 12/6 tại Nhà khách T78 số 145 Lý Chính Thắng, P.7, Q.3, TP HCM.
Bình An
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.