“Kết quả quý I thực hiện hơn 28% kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2019, điều này không đồng nghĩa tập đoàn có thể đạt kết quả kinh doanh cao so với chỉ tiêu”, đó là chia sẻ của ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc Petrolimex tại buổi họp ĐHCĐ thường niên 2019 diễn ra cuối tháng 4. Theo ông Sơn, kết quả của tập đoàn còn phụ thuộc vào các quý còn lại, vấn đề nhập khẩu, thời điểm mua, giá vốn hàng nhập và các khoản chi phí phát sinh.
Theo số liệu chính thức trong BCTC hợp nhất quý I, Petrolimex ghi nhận lợi nhuận trước thuế 1.568 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước, tương đương gần 30% kế hoạch năm 2019. Riêng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ tăng 43%, đạt hơn 1.200 tỷ đồng.
Những số liệu tích cực của Petrolimex, diễn ra trong bối cảnh giá xăng dầu đi ngang trong phần lớn thời gian của quý I. Theo thống kê của Người Đồng Hành, trước giai đoạn tăng nóng gần đây, 3 tháng đầu năm, giá xăng chỉ điều chỉnh tăng duy nhất vào ngày 2/3 và duy trì ở mức thấp sau khi giảm từ 1/1 (17.600 đồng/lít với Ron95 và 16.270 đồng/lít với E5 Ron92).
Nguyên nhân chính giúp tập đoàn có được kết quả trên là sự sụt giảm của 2 yếu tố giá vốn hàng bán và chi phí quản lý doanh nghiệp.
Giá vốn của Petrolimex quý I giảm gần 10% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giá vốn hàng đã bán (xăng dầu) giảm gần 2.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, giá vốn thành phẩm đã bán cũng thấp hơn 86%, ở mức 32,7 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 7% lên 9%.
Theo chia sẻ của ông Phạm Đức Thắng, Tổng giám đốc Petrolimex tại cuộc họp ĐHCĐ, nguyên tắc nhập hàng tồn kho của tập đoàn là “nhập trước xuất trước” (first in, first out). Tập đoàn không nhập bán theo lô mà đặt mục tiêu giá vốn hàng bán tiệm cận với giá vốn cơ sở của Nhà nước. Tăng cường kiểm soát tồn kho và tối ưu hóa chuỗi vận tải (logistics) là những ưu tiên hàng đầu của tập đoàn hiện nay trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Yếu tố thứ hai đóng góp vào kết quả khởi sắc quý I là tiết giảm 10% chi phí doanh nghiệp. Trong kỳ, chi phí dịch vụ mua ngoài và chi phí bằng tiền khác của Petrolimex đều giảm nhờ việc tăng cường áp dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh của Petrolimex trong thời gian qua. Tổng giám đốc Phạm Đức Thắng cho biết trong cuộc họp thường niên, tập đoàn đang triển khai ứng dụng sâu công nghệ vào sản xuất và vận hành, với mục tiêu tự động hóa, thay thế các quy trình thủ công của người lao động (lắp đặt hệ thống van điều khiển từ xa và điều hành tập trung, triển khai mở rộng các hệ thống EGAS, ATG…). Đây cũng là 1 trong 6 dự án lớn theo chiến lược của ban lãnh đạo Petrolimex.
Bên cạnh đó theo tiết lộ của vị CEO, việc thành lập mới Ban Quản trị Rủi ro với định hướng xây dựng và triển khai hệ thống đánh giá và giảm thiểu rủi ro toàn tập đoàn đã giúp Petrolimex bước đầu hoạch định và đưa ra được nhiều kịch bản biến động giá, nguồn cung cấp nguyên liệu, biến động tỷ giá cũng như lãi suất thị trường.
Năm 2018,
PLX tiếp tục đầu tư mới 120 cửa hàng xăng dầu, hoàn thành và đưa vào sử dụng 79 cơ sở, nâng số lượng lên hơn 2.500 cửa hàng bên cạnh hơn 3.000 đại lý xăng dầu trên 63 tỉnh thành hiện đang hoạt động
Tỷ trọng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ gia tăng
Một điểm tích cực đối với nhà đầu tư từ kết quả BCTC hợp nhất quý I của Petrolimex là sự cải thiện của lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ trên tổng lợi nhuận. Theo nguyên tắc kế toán, đây sẽ là phần lợi nhuận được dùng chi trả cổ tức cho cổ đông doanh nghiệp, phát hành cổ phiếu tăng vốn, cổ phiếu thưởng. Vì vậy, phần này gia tăng sẽ mang lại lợi ích lớn cho những cổ đông sở hữu cổ phần
PLX.
3 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của Petrolimex tăng 30%, trong khi phần lãi ròng của cổ đông công ty mẹ cao hơn 34% so với cùng kỳ 2018. Tỷ trọng khoản này trong lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp cũng tăng từ 89% lên 93%.
Kết quả trên một phần đến từ sự khởi sắc của hoạt động kinh doanh riêng công ty mẹ Petrolimex. Theo BCTC riêng, công ty mẹ tập đoàn ghi nhận lợi nhuận ròng 749,7 tỷ đồng, gấp 3 lần quý I/2018, đóng góp 60% lợi nhuận toàn tập đoàn.
Trích BCTC hợp nhất quý I của Petrolimex.
Bên cạnh đó thành quả từ quá trình tái cấu trúc năm qua của Petrolimex, nhằm cơ cấu lại sở hữu và thu gọn mô hình, tập trung hoạt động kinh doanh về các đầu mối cũng có đóng góp không nhỏ cho hiệu quả hoạt động tập đoàn.
Đến nay, Petrolimex đã cơ bản hoàn thành tái cấu trúc toàn bộ hệ thống để thu gọn mô hình tổ chức phân hệ thành 6 tổng công ty hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con trên các lĩnh vực khác nhau gồm PG Tanker, Pjico, GasPetrolimex (PGC), Hóa dầu Petrolimex (PLC), Dịch vụ Petrolimex (PTC) và Xây lắp và Thương mại Petrolimex (PGCC).
Tại phiên họp thường niên 2019, tập đoàn cũng được chấp thuận phương án chia cổ tức 2018 bằng tiền mặt với tỷ lệ 26%, tương đương 2.600 đồng/cp. Ước tính, Petrolimex sẽ chi 3.044 tỷ đồng cho đợt thanh toán, trong đó cổ đông Nhà nước sẽ nhận hơn 2.552 tỷ đồng, JX Việt Nam sẽ thu về hơn 269 tỷ đồng và các cổ đông khác gần 222,6 tỷ đồng. Năm 2019, tập đoàn dự kiến chi trả cổ tức tỷ lệ không thấp hơn 12%.
Thu Hằng
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.