Hai thành viên HĐQT phản đối việc miễn nhiệm
Sáng nay, Công ty cổ phần GTNfoods (HoSE:
GTN) đã tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019. Đại hội diễn ra trong bối cảnh Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, HoSE:
VNM) - tổ chức mà Hội đồng quản trị (HĐQT) trước đó phản đối việc chào mua công khai 49% cổ phần, trở thành cổ đông lớn nhất với sở hữu hơn 40% vốn tại ngày 25/6.
Đại hội sáng nay có sự tham dự của cổ đông đại diện cho gần 94% cổ phần có quyền biểu quyết. Tại phần thông qua quy chế họp, 3 cổ đông đại diện cho gần 41% cổ phần bỏ phiếu không thông qua. Tuy nhiên, với tỷ lệ tán thành gần 59%, đại hội được tiếp tục.
Ban Chủ tọa Đại hội gồm 3 thành viên HĐQT là Chủ tịch HĐQT Tạ Văn Quyền, phó Chủ tịch Nghiêm Văn Thắng và ông Nguyễn Hồng Anh - 3 người phản đối việc chào mua công khai cổ phần GTNfoods của Vinamilk.
Ngay tại phần đầu cuộc họp, nhiều cổ đông có ý kiến về nội sung bổ sung là đề cử thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát (BKS) của cổ đông CTCP Tây Đại Dương (nắm giữ 40,7 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 16,3% trong hơn 6 tháng).
Hôm qua, GTNFoods công bố việc cổ đông lớn Tây Đại Dương đề nghị miễn nhiệm 2 thành viên HĐQT độc lập là bà Chew Mei Ying và ông Michael Louis Rosen. Trong khi đó, cổ đông lớn này giới thiệu bà Văn Thị Hằng và ông Lê Chí Nam làm thành viên HĐQT. Đồng thời, đề xuất bà Bùi Thị Xuân và Nguyễn Thị Thái vào BKS công ty.
HĐQT cũng trình việc miễn nhiệm 2 thành viên HĐQT là ông La Mạnh Tiến và ông Lars Kjaer, cùng 1 thành viên BKS là ông Trần Việt Thắng. Hai thành viên HĐQT nói trên có đơn từ nhiệm nhưng không được thông qua tại ĐHĐCĐ bất thường.
Nếu các nội dung nhân sự được thông qua, HĐQT của GTNfooods sẽ có sự "thay máu" với 3 thành viên HĐQT cũ, 2 thành viên HĐQT mới thay vì 7 người như HĐQT cũ.
Tại đại hội, bà Chew Mei Ying và ông Michael Louis Rosen phản đối việc bị miễn nhiệm. Bà Ying là đại diện Tael Two Partners - quỹ đã bán toàn bộ cổ phần
GTN trong đợt chào mua công khai của Vinamilk.
Bà Ying cho biết bà và ông Rosen đại diện cho lợi ích của tất cả các cổ đông mà không phải cổ đông cụ thể nào và theo điều 151 của Luật Doanh nghiệp quy định thành viên HĐQT không nhất thiết phải là đại diện cho cổ đông cụ thể. Với việc miễn nhiệm này, Tây Đại Dương đã bỏ qua quyền lợi của cổ đông thiểu số.
"Việc làm đó vô hình làm cho cổ đông hiểu sai nghĩa vụ HĐQT theo Luật doanh nghiệp và điều lệ công ty, là HĐQT làm việc trên lợi ích của mọi cổ đông chứ không phải chỉ có cổ đông lớn", bà Ying nói. Đồng thời, theo nghị định 71, 1/3 thành viên HĐQT là thành viên HĐQT độc lập nên đề xuất bãi nhiệm này là vi phạm nghị định 71 và điều lệ công ty.
Phần trình bày của ông Rosen bị ban chủ tọa đề nghị chuyển tới phần thảo luận.
Trả lời các chất vấn trên, đại diện công ty luật đại diện cho GTNfoods cho biết, theo quy định pháp luật và điều lệ công ty, cổ đông lớn sở hữu trên 10% cổ phần trong 6 tháng có quyền đề xuất miễn nhiệm thành viên HĐQT và BKS, cũng như đề xuất các nội dung khác thuộc phạm vị họp ĐHĐCĐ. Các đề nghị này cũng được gửi tới HĐQT trong vòng 5 ngày trước ngày họp, đúng theo quy định pháp luật.
Thành viên HĐQT Nguyễn Hồng Anh cho biết thêm, việc bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT mới là 2 thành viên độc lập, đảm bảo quy định 1/3 số thành viên HĐQT là thành viên độc lập.
Chủ tịch GTNfoods đón nhận sự hợp tác Vinamilk
Đại hội bỏ phiếu thông qua việc miễn nhiệm cả 4 thành viên HĐQT và BKS, với tỷ lệ không tán thành/không có ý kiến đều trên 40%.
Bà Chew Mei Ying sau khi bị miễn nhiệm đề xuất nên bầu thành viên HĐQT là những thành viên có kinh nghiệm với các mảng hoạt động của tập đoàn.
GTN rất cần cải thiện công tác quản trị cũng như vận hành.
"Chúng ta đã có cổ đông mới là Vinamilk, nên tôi đề xuất xem xét đề cử đại diện vào HĐQT vì Vinamilk có rất nhiều kinh nghiệm trong ngành sữa". Thành viên HĐQT độc lập GTNfoods tin tưởng sự tham gia của Vinamilk trong HĐQT mang lại nhiều lợi ích cho công ty và cổ đông. Dù chưa nắm giữ đủ 6 tháng, nhưng nhiều công ty khác cũng cho phép đề cử thành viên HĐQT từ cổ đông lớn như Sabeco và cả chính Vinamilk.
Về câu hỏi việc nhiều thành viên HĐQT và BKS từ nhiệm, Thành viên HĐQT Nguyễn Hồng Anh cho biết theo đề nghị miễn nhiềm về đề cử ứng viên HĐQT của các cổ đông lớn.
Liên quan đến sở hữu cổ đông lớn Vinamilk, ông Tạ Văn Quyền, Chủ tịch HĐQT cho biết trước đây phản đối chào mua công khai do Vinamilk có thị phần lớn nhất ngành sữa trong khi mảng sữa (Mộc Châu Milk) là mảng trọng yếu trong hoạt động kinh doanh của GTNfoods. Chủ tịch GTNfoods cho biết sau khi sở hữu 40% GTNfoods thì việc Vinamilk có mua để tăng sở hữu hay không phụ thuộc Vinamilk nhưng đón nhận sự hợp tác của cổ đông lớn cùng phát triển.
Ông Nguyễn Hồng Anh cho biết thêm, GTNfoods mong muốn sự đóng góp của cổ đông lớn Vinamilk, đặc biệt trong mảng sữa
Đại hội có sự tham gia của 2 giám đốc điều hành Vinamilk là ông Trịnh Quốc Dũng, Giám đốc Điều hành Phát triển vùng nguyên liệu và ông Lê Thanh Liêm - Giám đốc điều hành tài chính kiêm kế toán trưởng.
Chia sẻ tại đại hội, ông Liêm cho biết, Vinamilk với tư cách là cổ đông lớn mới tham gia, sẽ trao đổi thêm với lãnh đạo vào GTNfoods trong thời gian sắp tới về mặt quản trị cũng như điều hành
Kế hoạch lợi nhuận tăng 10 lần
Cuộc họp sẽ bỏ phiếu thông qua kế hoạch doanh thu hợp nhất 3.350 tỷ đồng, cao hơn 11% so với năm trước. Lợi nhuận cổ đông công ty mẹ tăng 10 lần lên 90 tỷ đồng.
Công ty cho biết sẽ tiếp tục phát triển kênh phân phối hiện đại đối với sản phẩm Mộc Châu Milk, bên cạnh kênh phân phối truyền thống, tập trung hướng tới thị trường phía Nam và xuất khẩu Trung Quốc. Với Vinatea, công ty sẽ tiếp tục tái cơ cấu, tìm kiếm đối tác, nâng cao hiệu quả đầu tư.
Bên cạnh đó, cổ đông cũng sẽ xem xét thông qua phê duyệt việc cho vay của GTNfoods với các công ty con, công ty liên kết với giá trị tài sản không vượt quá 35%.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, phụ trách tài chính của GTNfoods cho biết tỷ lệ lợi nhuận gộp của Mộc Châu Milk là 19% (trong đó mảng sữa là 21% và mảng thức ăn chăn nuôi thấp hơn). Tỷ lệ này thấp hơn 46% theo so sánh của một cổ đông, là do các sản phẩm của Mộc Châu Milk hoàn toàn 100% từ sữa tươi, so với các doanh nghiệp khác có sản phẩm từ các nguồn nguyên liệu sữa khác. Thời gian, Mộc Châu cũng tăng phần đầu tư cho thức ăn chăn nuôi cho các hộ nông liên kết khiến chi phí tăng. Trong các năm tới tập trung 100% vào sữa tươi, hướng tới các sản phẩm lãi gộp cao hơn.
Về khoản tạm ứng cho người bán mua 130 tỷ đồng để mua cổ phiếu trong báo cáo tài chính năm 2018 của cổ đông công ty mẹ, ông Tuấn Anh cho biết GTNfoods hoạt động theo mô hình tập đoàn nên việc sử dụng nguồn vốn để tăng tỷ lệ sở hữu tại các công ty con hay hợp tác kinh doanh là bình thường. Đến quý II, GTNfoods đã thu hồi toàn bộ khoản tạm ứng này là thu lãi 8 tỷ đồng.
Trả lời câu hỏi việc phát triển Vinatea chưa tương xứng với tiềm năng, ông Nguyễn Hồng Anh cho biết Tổng công ty có hơn 4.000 ha vùng nguyên liệu, nhưng tình hình chung của ngành chè khó khăn, nhất là vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Hiện công ty đã giải quyết triệt và nhận được chứng chỉ quốc tế.
Công ty cũng vẫn chưa hoàn thành việc quyết toán vốn nhà nước ở Vinatea nên cũng ảnh hưởng tới quyết định và đầu tư.
Đại hội kết thúc với mọi tờ trình đều được thông qua, nhưng nhiều nội dung đều có tỷ lệ không tán thành/không có ý kiến trên 40%.
Các đại diện Vinamilk sở hữu hơn 38% cổ phần tại thời điểm chốt danh sách họp cổ đông đã bỏ phiếu không tán thành quy chế đại hội, miễn nhiệm thành viên thành viên HĐQT và 2 thành viên BKS, quy chế bầu cử HĐQT, bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT và 2 thành viên BKS, phê duyệt việc cho vay các công ty con và công ty liên kết trong giai đoạn 2019-2020.
Bình An
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.