Đây là nhà máy điện mặt trời thứ 5 của GEC trong danh mục vận hành và là nhà máy thứ 3 hòa lưới nửa đầu năm 2019, sau Đức Huệ 1 - Long An (49 MWp) và Hàm Phú 2 - Bình Thuận (49 MWp), nâng công suất 5 nhà máy điện mặt trời lên 260 MWp, tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng. Mỗi dự án điện mặt trời hàng năm dự kiến đóng góp sản lượng từ 60 tới 103 triệu kWh, doanh thu ước tính 128 - 220 tỷ đồng.
Các dự án điện mặt trời hoạt động của GEC đa phần đều là những dự án đầu tiên đóng điện tại địa bàn có tỷ lệ bức xạ mặt trời tương đối tốt từ 4,6 - 5,3 kWh/m2/ngày với số giờ nắng từ 1.700 - 2.544 giờ/năm. Ước tính, thị phần điện mặt trời của GEC tại 5 tỉnh đang lần lượt là 100% tại Huế, 80% Gia Lai, 50% Long An, 40% Đăk Nông và 20% Bình Thuận. Theo EVN đến cuối tháng 5, đã có tới 47 dự án với tổng công suất 2.300 MWp vào vận hành phát điện.
Với kinh nghiệm là đơn vị tiên phong trên thị trường điện mặt trời, GEC đã thử nghiệm tự thực hiện vai trò tổng thầu đối với dự án điện mặt trời Trúc Sơn, là nền tảng cho những dự án tiếp theo, nhằm tiết giảm chi phí trong bối cảnh giá điện sẽ không được mức ưu đãi 9,35 cents/kWh sau 30/6.
Ước tính với mỗi dự án tự thực hiện, GEC sẽ giảm được trên dưới 100 tỷ đồng chi phí để đảm bảo Lợi nhuận không bị ảnh hưởng khi giá bán điện thay đổi. Giá bán điện mặt trời sau ngày 30/6 hiện vẫn chưa được xác định cụ thể. Theo các thông tin về dự thảo giá điện đang được thu thập ý kiến từ các đơn vị có liên quan, dù việc phân chia áp dụng theo 2 vùng hoặc 4 vùng thì mức giá mới sẽ không còn hấp dẫn như hiện nay, dự kiến từ 6,67 - 9,2 cents/KWh.
Bên cạnh đó, với sự tư vấn của các chuyên gia từ Ấn Độ, GEC đã xây dựng được đội ngũ và mô hình O&M hoàn chỉnh, đảm bảo các nhà máy vận hành hiệu quả, điều phối kỹ thuật và lên kế hoạch sửa chữa, tập trung giám sát hệ thống Sacada để phân tích dữ liệu và cảnh báo. Dự kiến, GEC sẽ cung cấp dịch vụ O&M ra ngoài thị trường trong năm 2019 để đảm bảo chiến lược đa dạng hóa nguồn thu.
Thời tiết nắng nóng kéo dài trong những tháng đầu năm 2019 đã ảnh hưởng không tốt đến tình hình sản xuất của các nhà máy thủy điện. Theo dự báo của EVN, các nhà máy này sẽ không tích đủ nước trong năm 2019, cùng với sản lượng điện khí giảm, khiến khả năng thiếu điện trong mùa khô 2019 là rất cao và kéo dài.
Tuy nhiên, các nhà máy điện mặt trời sẽ được hưởng lợi lớn vì tại các tỉnh Bình Thuận, Đăk Nông, Gia Lai, Long An mà GEC đang hoạt động chính là những nơi có bức xạ nắng tốt nhất Việt Nam. Các dự án điện mặt trời mang lại nguồn thu ổn định suốt 20 năm, do đó đây được xem là bước đi phù hợp của công ty trong chiến lược đa dạng hóa các loại hình năng lượng phù hợp với các điều kiện thời tiết.
Trong báo cáo thường niên 2018, GEC đã tiết lộ chiến lược M&A xuyên suốt bằng việc tiếp tục tìm kiếm các dự án năng lượng tái tạo tiềm năng. Cụ thể là các dự án điện mặt trời với mức đầu tư 16 - 18 tỷ đồng/MWp, thủy điện 30 tỷ đồng/MW, điện gió không vượt quá 35 tỷ đồng/MW đối với trên bờ và 45 tỷ đồng/MW đối với xa bờ.
GEC cũng tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các dự án thủy điện tại Lào đón đầu chính sách sẽ nhập khẩu điện từ Nam Lào thông qua các đường dây 220 KV hiện hữu với công suất đến 1.000 MW; Điện gió tại các khu vực tiềm năng của Tây Nam Bộ và Tây Nguyên và điện mặt trời tại các khu vực có giá bán điện cao. Định hướng đến 2025, GEC hoàn thiện tối đa chuỗi giá trị ngành điện trong lĩnh vực năng lượng tái tạo với danh mục đầu tư đa dạng từ thủy điện, điện mặt trời, điện gió và điện rác, điện khí - vốn là những loại hình mới, không dễ triển khai tại Việt Nam vì đòi hỏi rất cao về chuyên môn, kỹ thuật, kinh nghiệm cho đến tài chính.
Mặc dù chỉ đăng ký giao dịch cổ phiếu
GEG trên UPCoM, nhưng GEC vẫn đang nỗ lực hướng tới các thông lệ tốt nhất trên thị trường với sự cam kết đồng hành từ 2 cổ đông chiến lược là những tổ chức uy tín quốc tế IFC và Armstrong sở hữu khoảng 35% vốn; thông qua việc áp dụng 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc, bộ tiêu chuẩn quốc tế GRI; ASEAN Scorecard; Quy tắc quản trị công ty OECD; sẵn sàng cho chuyển sàn HOSE trong năm 2019.
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quan hệ đầu tư và thị trường vốn, GEC đã liên tục tham gia các sự kiện thường niên kết nối cộng đồng tài chính lớn như Vietnam Access Day 2019 - VCSC, C-Suite - SSI và Citibank, Emerging Vietnam - HSC. GEC là công ty duy nhất thuộc lĩnh vực năng lượng sạch được mời tham dự và nhận được sự quan tâm lớn của các quỹ đầu tư trên thế giới như Amundi, Eastspring Investments, Phillip Capital, Must Asset Management...
Cổ phiếu
GEG gần đây thường xuyên xuất hiện trong danh sách top mua ròng của khối ngoại tại UPCoM bên cạnh các mã lớn như ACV, BSR, VEA, VGG, VTP.
Tháng 6 vừa qua, GEC cũng công bố thông tin về việc phát hành thành công gói trái phiếu 219 tỷ đồng không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không tài sản đảm bảo cho cả nhà đầu tư tổ chức và cá nhân và được thị trường đón nhận tích cực.
Cùng với nguồn thu hơn 106 tỷ đồng từ việc phát hành 9,7 triệu cổ phiếu ESOP, vốn điều lệ của GEC đã tăng lên 2.039 tỷ đồng, là nền tảng cho các hoạt động huy động vốn để phát triển thêm những dự án điện mặt trời và gió như chiến lược M&A. GEC cũng vừa hoàn thành việc trả cổ tức bằng tiền mặt 7% vào tháng 6. Sau khi điều chỉnh kỹ thuật, giá cổ phiếu
GEG đóng cửa ngày 26/6 ở mức 23.000 đồng, tăng 58% so với đầu năm.
Thu Hằng
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.