• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.264,90 +5,95/+0,47%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.264,90   +5,95/+0,47%  |   HNX-INDEX   232,95   +0,66/+0,28%  |   UPCOM-INDEX   93,47   +0,35/+0,38%  |   VN30   1.310,94   +7,29/+0,56%  |   HNX30   506,51   +2,09/+0,41%
19 Tháng Chín 2024 8:30:00 SA - Mở cửa
Chủ tịch Sao Ta: Ngành tôm sẽ vươn xa nếu mọi doanh nghiệp thực hiện đạo đức kinh doanh
Nguồn tin: Người đồng hành | 09/06/2019 11:20:46 SA
Nhân sự kiện thủy sản Minh Phú (HoSE: MPC) có tin có thể bị cáo buộc tránh thuế chống bán phá giá vào Mỹ, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT của CTCP Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC), về tình hình này.
 
-Ông có suy nghĩ gì về sự kiện thuỷ sản Minh Phú (MP) bị cáo buộc tránh thuế chống bán phá giá tại Mỹ?
 
- Về việc Minh Phú có thông tin có thể bị cáo buộc tránh thuế chống bán phá giá tại Mỹ, Minh Phú đã họp báo giải trình, bảo vệ uy tín mình. Hy vọng đây chỉ là tai nạn, mọi việc sẽ ổn thoả, để tôm Việt ngày càng được tín nhiệm hơn.
 
- Ông có cho rằng giả sử tình huống này xảy ra có phải thuộc vấn đề đạo đức kinh doanh (ĐĐKD)?
 
- Đạo đức kinh doanh là phạm trù đạo đức được vận dụng vào hoạt động kinh doanh. Đạo đức kinh doanh có 2 chuẩn mực và nguyên tắc quan trọng nhất, đó là tính trung thực và sự tôn trọng con người. Ở đây chỉ nói về tính trung thực. Tính trung thực đòi hỏi chủ doanh nghiệp (DN) không dùng các thủ đoạn gian xảo hoặc phi pháp để cạnh tranh không lành mạnh.
 
Đối với đối tác, khách hàng và người tiêu dùng, doanh nghiệp phải giữ chữ tín trong kinh doanh, bảo đảm thực hiện đúng nghĩa vụ và cam kết; không sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng độc hại cho sức khỏe con người, hàng cấm; không quảng cáo sai sự thật, không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhãn mác và xuất xứ hàng hóa. Doanh nghiệp phải chấp hành nghiêm luật pháp của Nhà nước, làm đúng trách nhiệm như không trốn thuế, trả nợ vay kịp thời....
 
Đối với xã hội, doanh nghiệp không được làm ô nhiễm môi trường tự nhiên và môi trường xã hội và thực hiện các trách nhiệm xã hội. Nếu sản phẩm được tiêu thụ ngoài nước, doanh nghiệp phải tôn trọng, thực hiện đúng luật pháp nước sở tại. Sản phẩm phù hợp văn hoá tiêu dùng nước sở tại, tránh gây phản cảm hoặc những hậu quả xấu hơn... Như vậy, giả sử tình huống vụ việc trên xảy ra, nó thuộc vào lĩnh vực ĐĐKD.
 
-Ông có suy nghĩ gì về đạo đức kinh doanh các doanh nghiệp Việt hiện nay?
 
- Nhìn lại trong thực tế, vô số hành vi thiếu ĐĐKD đang diễn ra hàng ngày. Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng chứa dư lượng độc hại vẫn tràn lan trên thị trường, len vào từng nhà.
 
Gần đây nhất, vụ làm xăng giả quy mô lớn, thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng, đã làm thiệt hại, gây rủi ro cho biết bao người. Tất cả vì đồng tiền, vì lòng tham không đáy. Kinh doanh, bản chất là kiếm tiền. Nhưng kiếm tiền phải trên chuẩn mực đạo đức, đó là ĐĐKD, bộ phận nền tảng của văn hoá doanh nghiệp.
 
- Ông có thể cung cấp thông tin về tình hình đạo đức kinh doanh các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản?
 
- Ngành chế biến thuỷ sản có lịch sử đi liền hoạt động kinh tế đất nước. Vài chục năm trước cũng đầy tai tiếng, như huỷ ngang hợp đồng, cung ứng hàng chất lượng kém, cạnh tranh không lành mạnh, chăm lo người lao động còn hờn hợt, thiếu ý thức trách nhiệm xã hội...
 
Cùng với sự đi lên của nền kinh tế, ngành chế biến thuỷ sản phát triển song hành, đồng thời sàng lọc đội ngũ. Không ít doanh nghiệp phá sản đi liền doanh nghiệp mới hình thành, chủ lực ngành là tôm và cá tra. Ở đây tôi nói về ngành tôm. Điều đáng khen là càng về sau này, các doanh nghiệp tôm càng thể hiện tốt đạo đức trong kinh doanh.
 
- Nhưng ông có thể cho biết một ví dụ nào đó, các doanh nghiệp tôm gặp khó trong việc tuân thủ đạo đức kinh doanh?
 
- Chuyện này khá phức tạp. Tuy nhiên, cũng có thể nêu ra một điển hình. Tôm nguyên liệu mang tính thời vụ. Trong khi thực tế cần phải duy trì nguồn cung cấp cho khách hàng đều đặn theo hợp đồng, và người lao động trong doanh nghiệp chế biến tôm cần có đủ việc làm thường xuyên để bảo đảm cuộc sống, an tâm với công việc.
 
Từ đó, các doanh nghiệp phải tìm mọi cách để có thêm việc làm như trữ nguyên liệu lúc vào vụ, mua thêm bên ngoài. Mua trong nước dễ truy xuất nguồn gốc, nhưng không đủ lượng. Họ phải tranh thủ nguồn từ ngoài nước. Đây là chuyện chẳng đặng đừng. Bởi như vậy có thể vi phạm quy định nào đó từ thị trường nhập khẩu tiêu thụ hàng tạm nhập tái xuất này. Tuy nhiên, không hẳn tất cả các thị trường nhập khẩu đều từ chối. Cho nên các doanh nghiệp phải liệu định khả năng chấp nhận của từng khách hàng, thị trường để đo đếm lại mức nhập khẩu tái xuất phù hợp.
 
- Nếu doanh nghiệp ý thức tuân thủ quy định thì câu chuyện trên đâu phải là chuyện khó xử, thưa ông?
 
- Trong thực tế, sự cám dỗ của đồng tiền quá lớn, khiến đôi khi mờ mắt mà không thấy lằn ranh giữa tạm nhập tái xuất trong khuôn khổ tuân thủ pháp luật và việc nhập quá nhiều dẫn đến các hệ quả khác. Nhưng nếu doanh nghiệp tôm làm chuyện tạm nhập tái xuất tôm không dính dáng đến vụ kiện chống bán phá giá ở Mỹ, lại có thể dẫn đến rủi ro khác, nhẹ như vi phạm cam kết với khách hàng...
 
Và trong tình huống Minh Phú nói trên, tuy chỉ là một điện thư cáo buộc, chưa có bất kỳ chứng cứ pháp lý gì và cơ quan chức năng chưa có tiếng nói gì, nhưng sự cáo buộc đó nhằm dẫn đến hệ quả nặng là vi phạm luật pháp nước nhập khẩu.
 
Minh Phú là doanh nghiệp tôm lớn nhất nước, chiếm một nửa kim ngạch xuất khẩu tôm Việt ở Mỹ, cho nên trong tình huống xấu nhất không chỉ có ảnh hưởng đến uy tín Minh Phú mà còn ảnh hưởng uy tín ngành. Vấn đề khó xử, vấn đề rủi ro, vấn đề lợi mình hại người ở chỗ đó.
 
- Vậy ông có một lời gì gửi tới bạn bè, đồng nghiệp?
 
- Nhìn quá trình dài qua, ngành chế biến thuỷ sản nói chung, con tôm nói riêng, đã có nhiều tiến bộ trong thực hành đạo đức kinh doanh, nhờ đó ngành có diện mạo sáng sủa hôm nay.
 
Tuy nhiên, chúng ta luôn cảnh giác. Sức mạnh của đồng tiền quá lớn, có thể khiến bất kỳ một doanh nghiệp nào đó không cưỡng lại sự tham lam, biến mình thành "con sâu làm rầu nồi canh" chung của cả ngành.
 
Nếu mọi doanh nghiệp ý thức chia sẻ nhau, biết tôn trọng cái chung, ý thức và thực hiện đạo đức kinh doanh chắc chắn ngành còn nhiều dư địa vươn mạnh, vươn xa hơn nữa.
 
- Xin cám ơn ông.
 
Tuấn Tú
Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.