Sau sự việc liên quan đến cáo buộc thuế đối với một doanh nghiệp lớn khác trong ngành tôm, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Thực phẩm Sao Ta (HoSE:
FMC) cho biết nhận được nhiều thắc mắc của cổ đông về ảnh hưởng đối với các nhà xuất khẩu tôm của Việt Nam, trong đó có Sao Ta, vào thị trường Mỹ; doanh nghiệp có gặp rủi ro tương tự hay kết quả cuối cùng của đợt ra soát POR13 có xấu đi....
Đáp lại những thắc mắc này, Chủ tịch Sao Ta nhìn nhận chưa thể lường trước những diễn biến tiếp theo của sự việc, song không ảnh hưởng kết quả cuối cùng của việc rà soát thuế chống bán phá giá POR13 tại Mỹ. "Bởi doanh nghiệp tôm bị đồn đoán trên không dính dáng đến vụ kiện chống bán phá giá tôm từ Hoa Kỳ. Hai sự kiện này không là một", vị này thông tin.
Trong khi đó,
FMC là bị đơn bắt buộc trong POR13. Sổ sách của doanh nghiệp đã được nhân viên Bộ Thương mại Mỹ thẩm tra và đánh giá là trung thực. "Mặt khác về mặt đạo đức kinh doanh, quan điểm của Sao Ta là tôn trọng pháp luật, cố gắng không vì lợi ích riêng mà làm phương hại tới cộng đồng", ông Lực nói thêm.
Theo kết quả sơ bộ của POR13 trước đó, Mỹ công bố thuế chống bán phá giá cho 31 doanh nghiệp Việt Nam là 0% vì nhận thấy các sản phẩm tôm đông lạnh của hai bị đơn bắt buộc (trong đó có
FMC) không bán giá phá vào Mỹ trong giai đoạn từ ngày 1/2/2017 đến ngày 31/1/2018.
Còn gần đây, theo thông tin từ trang UnderCurrentNews, đại diện của bang Illinois, ông Darin LaHood, nhận được một đơn kiện bằng thư điện tử vào ngày 12/5, cáo buộc một doanh nghiệp khác của Việt Nam là Minh Phú có hành vi tránh thuế chống bán phá giá với tôm Ấn Độ tại Mỹ. Minh Phú bị cáo buộc mua một lượng lớn tôm đông lạnh của Ấn Độ, chế biến ở mức "tối thiểu" tại Việt Nam và bán qua Mỹ thông qua Mseafood với tư cách là sản phẩm của Việt Nam, ông LaHood viết trong bức thư gửi cho ông Kevin McAleenan, ủy viên Cục Hải quan và Biên phòng.
Ông LaHood trích nội dung đơn kiện cho biết việc Minh Phú tránh thuế chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh nhập khẩu từ Ấn Độ đã gây thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước và gây nguy hiểm cho người tiêu dùng Mỹ.
Bộ Thương mại Mỹ bắt đầu áp thuế chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam, Ấn Độ và một số quốc gia khác từ năm 2005. Tuy nhiên, lệnh áp thuế đối với Minh Phú được thu hồi từ tháng 7/2016.
Số liệu trong đơn kiện cho biết ngay sau khi Minh Phú được xóa khỏi danh sách bị áp thuế chống bán phá giá với tôm, công ty này tăng đáng kể lượng tôm xuất khẩu sang Mỹ thông qua Mseafood. Cùng thời điểm đó, số liệu trong đơn kiện cho biết các nhà sản xuất tôm của Ấn Độ cũng đẩy mạnh xuất khẩu sang Việt Nam.
Ngoài vấn đề trên, Minh Phú cũng bị cáo buộc đã vi phạm Chương trình Giám sát nhập khẩu thủy sản của Mỹ.
Phan Vũ
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.