Giữa tháng 7, CTCP Nhiệt điện Phả Lại (HoSE:
PPC) bất ngờ thông báo lợi nhuận quý II giảm 35% chỉ còn 341 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, doanh nghiệp lãi 583 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2018.
Kết quả giảm sâu được Phả Lại giải trình là do sản lượng điện sản xuất trong quý II chỉ đạt 1,67 tỷ kWh (cùng kỳ là 1,75 tỷ kWh) trong khi giá than nguyên liệu tăng 14%. Ngoài ra, lãi tiền gửi thấp hơn và hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh cũng ít hơn.
Nhiệt điện Phả Lại được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sẽ dẫn dắt lợi nhuận của nhóm ngành nhiệt điện, thậm chí sự kỳ vọng đã thể hiện một phần trong giá cổ phiếu khi tăng gần gấp đôi so với đầu năm. Cổ phiếu đạt đỉnh 10 năm ở 32.200 đồng/cp trước khi giảm sàn ngay trong phiên 16/7. Hiện cổ phiếu còn 27.250 đồng/cp.
Giá cổ phiếu PPC. Nguồn VnDirect.
CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (HoSE: NT2) ghi nhận có doanh thu quý II tăng 6% và biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 13% lên gần 15%. Tuy nhiên, do ảnh hưởng lớn từ chênh lệch tỷ giá khiến công ty lỗ 22 tỷ (cùng kỳ lãi 67 tỷ) là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận NT2 giảm 22% còn 208 tỷ trong quý II.
Phả Lại và Nhơn Trạch 2 là những cái tên ngược dòng nhóm nhiệt điện. Trong khi đó, hầu hết các đơn vị nhiệt điện đang kinh doanh khác đều báo lãi lớn, thậm chí cao gấp nhiều lần cùng kỳ.
Nhiều doanh nghiệp lãi lớn
CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (UPCoM: HND), một công ty liên kết của
PPC lại báo lãi đột biến 415 tỷ đồng trong quý II, mức lãi cao nhất từ trước đến nay công ty đạt được trong 1 quý.
Nhiệt điện Hải Phòng cho biết doanh thu quý II tăng mạnh do sản lượng điện thực phát tăng 287 triệu kWh. Ngoài ra, công ty cũng ghi nhận thêm doanh thu chênh lệch tỷ giá năm 2016 đã được thanh toán là 153 tỷ đồng và doanh thu từ phí cấp quyền khai thác tài nguyên các năm 2017, 2018 gần 12 tỷ đồng.
CTCP Nhiệt điện Bà Rịa (HoSE: BTP) ghi nhận doanh thu thuần quý II gấp 3 lần cùng kỳ lên 470 tỷ đồng. Từ đó, công ty báo lãi sau thuế gần 51 tỷ đồng, gấp 7 lần cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả đột biến của BTP là do hoạt động sản xuất điện đã có lãi trong khi cùng kỳ thua lỗ vì phải phân bổ chi phí sửa chữa lớn. Nhu cầu hệ thống điện quốc gia huy động cao nên sản lượng điện sản xuất của công ty tăng đến 240%. Ngoài ra, lỗ tỷ giá của BTP cũng giảm 18 tỷ so với cùng kỳ.
Sau 5 quý thua lỗ triền miên, CTCP Nhiệt điện Cẩm Phả - TKV (UPCoM: NCP) đã bắt đầu có lãi trong 2 quý đầu năm 2019. Trong quý II, doanh thu tăng 63% lên 1.113 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cải thiện thành lãi 26 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 121 tỷ).
Nhiệt điện Cẩm Phả chỉ chính thức phát điện thương mại từ cuối 2010 với nhà máy Cẩm Phả 1 và phát điện với nhà máy Cẩm Phả 2 từ 2015. Do vậy, công ty vẫn còn khoản lỗ lũy kế khá lớn trên 1.000 tỷ đồng.
CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (UPCoM: QTP) cũng ghi nhận lợi nhuận tích cực trong quý II. Công ty thông báo lợi nhuận gộp giảm 10% còn 300 tỷ đồng do giá nguyên liệu than đầu vào tăng. Dù vậy, lỗ tỷ giá và chi phí lãi vay giảm mạnh giúp công ty có lãi sau thuế 121 tỷ đồng, tăng trưởng 37%.
CTCP Nhiệt điện Ninh Bình (HNX: NBP) ghi nhận lợi nhuận quý II hơn 6,4 tỷ đồng, gấp 4,4 lần cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này là do sản lượng điện quý II cao hơn 86kWh so với cùng kỳ dẫn đến doanh thu tăng gấp đôi.
Ngành nhiệt điện nhiều rủi ro
Hoạt động kinh doanh của các công ty nhiệt điện thường thiếu ổn định do sản lượng bị phụ thuộc rất lớn vào Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia huy động, cùng với đó là rủi ro cao từ nguồn nguyên liệu than, khí và biến động tỷ giá.
Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia sẽ huy động một phần điện từ các nhà máy với giá cố định và phần còn lại với ưu tiên giá thấp đến cao. Thuỷ điện có giá thành thấp nhất, tiếp theo là nhiệt điện than, nhiệt điện khí và cuối cùng điện mặt trời đang được ưu tiên giá mua cao nhất.
Trong quý II, tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài bởi hiện tượng El Nino là yếu tố thuận lợi giúp các công ty nhiệt điện được huy động sản lượng lớn hơn, cộng thêm việc giá thu mua điện tăng đã giúp doanh thu các công ty nhìn chung đều cải thiện.
Doanh thu thuần các doanh nghiệp đều tăng trưởng.
Với đặc điểm khí hậu của Việt Nam, nửa cuối năm thường là khoảng thời gian mưa nhiều hơn. Theo đó, các công ty thủy điện hưởng lợi nhiều nhất từ yếu tố này và các công ty nhiệt điện sẽ gặp nhiều bất lợi hơn trong nửa cuối năm do sản lượng huy động thường ít hơn.
Ngoài ra, tình trạng thiếu nguyên liệu cũng là rủi ro lớn với ngành nhiệt điện. Đầu năm 2019, tình trạng thiếu than nguyên liệu đã diễn ở nhiều nhà máy phía Bắc, trong khi một số nhà máy phía Nam cũng gặp khó khăn bởi nguồn khí thiếu hụt.
Lan Điền
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.