Tiếp tục dựa vào mảng sợi tái chế để tăng trưởng
Phát biểu tại buổi gặp gỡ giới phân tích, Bà Nguyễn Phương Chi, Giám đốc Phát triển Chiến lược của CTCP Sợi Thế Kỷ (HoSE:
STK) cho biết trong quý II, các công ty sản xuất vải, dệt nhuộm có xu hướng trì hoãn đặt đơn hàng với sợi virgin vì lo ngại chiến tranh thương mại làm giảm nhu cầu trong tương lai. Ngoài ra, một số khách hàng cho biết vẫn còn hàng nên chưa vội đặt đơn tiếp theo. Hiện tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.
Trong khi đó, một số nhà máy dệt nhuộm ở Trung Quốc phải đóng cửa do tác động của chiến tranh thương mại, nên họ buộc phải bán phá giá hàng hóa tại các thị trường tiêu thụ để giải phóng tồn kho. Mặt khác, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng được chính phủ trợ cấp xuất khẩu.
Tính toán dựa trên số liệu của Tổng cục Hải quan 6 tháng đầu năm nay, bà Chi cho biết giá sợi nhập từ Trung Quốc là 60 – 80 UScent/kg, trong khi giá vật liệu thô vào khoảng 90 UScent/kg. Theo số liệu điều tra của cơ quan chức năng Mỹ, biên phá giá của hàng Trung Quốc tại thị trường này là 32%.
Giá bán của
STK hiện cao hơn giá hàng Trung Quốc đã phá giá là khoảng 20 uscent/kg trở lên.
Tuy nhiên, theo đánh giá của bà Chi, Trung Quốc không thể phá giá quá lâu. Bà Chi dự báo đơn hàng sợi virgin cho 6 tháng cuối năm sẽ bằng hoặc tốt hơn 2 quý đầu năm.
Ngược lại, với sợi tái chế (recycle), chỉ có một số công ty sản xuất loại sợi này nên nhu cầu tốt, doanh số dự báo vẫn khả quan. Hơn nữa, mảng kinh doanh sợi tái chế không bị ảnh hưởng bởi xu hướng bán phá giá của Trung Quốc như mảng sợi virgin.
Bà Chi cho biết
STK có thêm một số khách hàng mới đối với sợi tái chế và dự báo doanh số 6 tháng cuối năm có thể tăng 10 – 15% so với nửa đầu năm nay. Hiện số lượng khách hàng sử dụng sợi tái chế của
STK là 80 đơn vị. Một tín hiệu khả quan đối với mảng sợi tái chế là các thương hiệu lớn đều cam kết tăng sử dụng loại sợi này.
Ví dụ, thương hiệu Puma cam kết tăng sử dụng sợi polyester thân thiện với môi trường từ mức 66% của năm 2018 lên 75% vào năm 2019 và 90% vào năm tới.
Adidas cũng cam kết sử dụng 100% sợi tái chế vào sản xuất tới năm 2024. Tương tự, Decathlon hướng tới sử dụng 100% sợi polyester thân thiện với môi trường cho tất cả hàng may mặc được bán tại Pháp vào năm 2021.
Ngoài ra, Uniqlo có thể là 1 khách hàng lớn trong tương lai, đặc biệt là khi Nhật Bản đang chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic 2020.
Trong bối cảnh này,
STK có xu hướng chuyển đổi từ sản xuất sợi virgin sang sợi recycle. Hiện sợi tái chế đóng góp 28% trong tổng doanh thu, tăng từ mức 16,2% của năm ngoái.
Với tín hiệu tích cực từ mảng sợi tái chế,
STK đặt kế hoạch lợi nhuận 6 tháng cuối năm đạt 100 tỷ đồng.
Thách thức và cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do
Đề cập tới bối cảnh chung của ngành, bà Chi cho biết Hiệp định CPTPP (có hiệu lực từ ngày 14/1) và EVFTA (ký ngày 30/6) sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng tốt cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới. Với EVFTA, thuế với mặt hàng xơ sợi giảm từ 3,2% về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Sản phẩm dệt may (hàng may mặc) hiện chịu thuế ưu đãi phổ cập 12% sẽ giảm về 0% trong 3 – 7 năm.
Liên quan tới thương chiến, ngày 10/5, Mỹ chính thức tăng thuế từ 10% lên 25% đối với gói thuế 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, trong đó có dệt may và xơ sợi. Động thái này mở ra cơ hội cho hàng dệt may của Việt Nam sang Mỹ vì các doanh nghiệp Mỹ đang có xu hướng dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc về Việt Nam.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, do tâm lý bi quan và tác động tiêu cực của chiến thanh thương mại đối với sức tiêu thụ hàng may mặc trong tương lai, các doanh nghiệp dệt may cũng trì hoãn mua nguyên liệu. Ngoài ra, các doanh nghiệp sợi Trung Quốc bắt đầu bán phá giá ở nhiều thị trường để bù đắp cho việc mất doanh số tại Mỹ và giải phóng hàng tồn kho.
Do tác động của chiến tranh thương mại, xuất khẩu sợi polyester filament của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt 127 triệu USD, tương ứng với 66.956 tấn, giảm 23,1% về sản lượng và giảm 19,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Tổng cục Hải quan.
Lợi nhuận 6 tháng đầu năm tăng 25% nhờ mảng kinh doanh sợi tái chế
Trong quý II, tốc độ bán hàng của Sợi Thế Kỷ chậm lại và giá bán của sợi virgin giảm do khách hàng chậm xuống đơn và các đối thủ Trung Quốc bán phá giá mạnh. Tuy nhiên, doanh thu của sợi tái chế và các loại sợi có giá trị gia tăng cao khác lại tăng mạnh.
Tính chung 6 tháng đầu năm nay, doanh số bán hàng giảm 15% so với cùng kỳ, trong đó doanh số bán sợi virgin giảm 27% và sản lượng sợi tái chế tăng 118% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu thuần đạt 1.099 tỷ đồng, giảm 7,8% và đạt 42,2% kế hoạch năm. Trong đó, tỷ trọng sợi tái chế chiếm khoảng 28% trên tổng doanh thu.
Nhờ chính sách bán hàng và duy trì price gap (chênh lệch giá nguyên vật liệu polyester chip và giá bán sợi) ổn định nên biên lợi nhuận gộp đạt 16,2% và tăng 11,1% về giá trị so với cùng kỳ 2018. Lợi nhuận 6 tháng đạt 105 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 53% kế hoạch.
Hiện Sợi Thế Kỷ đã hoàn thành lắp đặt dự án sợi màu và sẽ chạy thử nghiệm trong tháng 8, với công suất là 40.000 tấn/năm. Giá bán dự kiến cao hơn sợi thường khoảng 10 – 20%.
Thanh Long
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.