Tại Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La, lượng đường đang ùn ứ gần 40.000 tấn với giá trị tương đương 500 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Mía đường Tuy Hòa đến thời điểm này vẫn còn khoảng 15.000 tấn nằm “bất động” trong kho, tương đương hơn 170 tỷ đồng.
Đó là những trường hợp khó khăn nổi bật hiện nay khi giá đường thấp, nhu cầu tiêu thụ đường suy yếu khiến tồn kho tăng cao.
Ở tình hình chung, với khó khăn trên, diện tích trồng mía bị thu hẹp đáng kể đã kéo sản lượng mía đường Việt Nam liên tục giảm.
Sau khi lập đỉnh 23,47 UScent/pound vào đầu tháng 10/2016, giá đường đã giảm do thừa cung. Từ đầu năm 2019, giá tăng 5,7%, cho thấy tín hiệu bắt đầu phục hồi. Nhưng tín hiệu này lại chưa đủ hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đối diện với một khó khăn khác nữa.
Cụ thể, dự báo năm 2019, nhu cầu tiêu thụ đường của cả nước đạt khảng 1,5-1,6 triệu tấn/năm, trong khi sản xuất chỉ đạt 1,2 triệu tấn/năm, cung không đủ cầu là lý do khiến buôn lậu đường tăng mạnh. Đặc biệt, từ tháng 8 trở đi các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, như An Giang, Đồng Tháp vào mùa nước lên, là điều kiện tốt hỗ trợ buôn lậu đường tăng mạnh.
Theo ước tính của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), mỗi năm có khoảng 500.000 tấn đường được buôn lậu vào Việt Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành mía đường trong nước và tác động lên mặt bằng giá. Giá đường ở phía Bắc, Nam Trung Bộ bị ảnh hưởng nhiều nhất do năng suất thấp hơn phía Nam.
Từ những khó khăn trên, hiện có 17/36 nhà máy sản xuất đường thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu.
VSSA dẫn ra 3 nguyên nhân dẫn đến tồn kho đường tồn kho tăng: Một là do khối lượng đường ngoại nhập tăng; hai là, đường được cho là tạm nhập tái xuất nhưng không tái xuất mà để lại tiêu thụ ở thị trường trong nước; ba là, lượng đường nhập lậu ngày càng tăng cao.
Theo nghiên cứu của GS.TS. Võ Tòng Xuân, giá thành sản xuất mía tại Việt Nam quá cao (50 USD/tấn) khó lòng cạnh tranh với các nước sản xuất đường khác, như Thái Lan là 30 USD/tấn, Brazil chỉ 16 USD/tấn và Úc chỉ có 18 USD/tấn.
Năm 2017, số lượng nhà máy đường trên cả nước đã giảm từ 46 xuống còn 42, và theo số liệu cập nhật mới nhất trong năm 2019, số lượng nhà máy đường trên cả nước là 36 nhà máy. Hiện có nhiều nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng nên rất khó dự đoán chính xác còn bao nhiêu nhà máy sẽ trụ lại được trong niên vụ 2019-2020.
Theo đại diện VSSA, hai năm qua, nhiều nhà máy đường gặp khó khăn về tài chính. Trong bối cảnh Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) vẫn chưa áp dụng ở Việt Nam, nhiều nhà máy đường cũng chưa dám công bố giá mua mía với nông dân vì muốn chờ chính sách từ các cơ quan quản lý. Điều này khiến người trồng mía không còn mặn mà với cây mía, nếu không có giải pháp tháo gỡ sẽ có nhiều nhà máy đường đã thua lỗ nặng có nguy cơ đóng cửa.
Thực trạng trên không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến vụ mía 2018/2019, và sẽ còn kéo dài đến những vụ mía tiếp theo trong khi kể từ 01/01/2020, ATIGA sẽ có hiệu lực.
Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, giá đường kỳ hạn tháng 10/2019 giao dịch trên sàn ICE New York giảm mạnh 3,32% xuống mức 5.827.603 VND/tấn.
Có hai nguyên nhân chủ yếu cho đà giảm này. Đầu tiên là đồng Real của Brazil trượt xuống mức thấp nhất 2,5 tháng so với USD. Brazil là nước sản xuất đường lớn nhất thế giới, do vậy, khi đồng tiền của họ giảm giá đã kích thích nông dân nước này bán ra, tăng nguồn cung đường.
Ngoài ra, áp lực còn đến từ việc giá dầu lao dốc tuần qua, xuống mức đáy những tháng gần đây, kéo giá ethanol giảm theo, là động lực cho các nhà máy nghiền mía của Brazil tăng sản xuất đường thay vì ethanol.
Quang Trí
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.