Xuất khẩu rau quả giảm kỷ lục
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc trong tháng 7 đạt 144 triệu USD, giảm 44% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc là thị trường có mức giảm xuất khẩu rau quả lớn nhất trong số các thị trường tiêu thụ rau quả Việt Nam. Mức sụt giảm từ thị trường Trung Quốc dẫn tới rau quả Việt Nam ra nước ngoài đạt 247 triệu USD trong tháng 7, giảm 28% so với cùng kỳ.
Sau 7 tháng, rau quả sang Trung Quốc đạt 1,6 tỷ USD, giảm 7% so với cùng kỳ. Trước đó, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường này liên tục được ghi nhận sự tăng trưởng ở mức hai con số, bình quân trên 32% trong giai đoạn 2011-2016.
Chia sẻ với Người Đồng Hành, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết có 3 nguyên nhân dẫn tới tình trạng sụt giảm trong xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc thời gian gần đây.
Từ tháng 6, Trung Quốc dừng xuất khẩu rau quả Việt Nam theo đường tiểu ngạch mà yêu cầu chính ngạch. Khi Trung Quốc không còn dễ tính, viêc siết chặt truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch an toàn cũng làm giảm khối lượng hàng hóa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Một số mặt hàng trước đây Việt Nam xuất khẩu tiểu ngạch lớn như bưởi, sầu riêng... đang bị hạn chế, làm giảm kim ngạch sang nước này.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đang vào vụ thanh long. Cùng thời điểm, Việt Nam cũng đạt sản lượng cao và đang đẩy mạnh xuất khẩu loại quả trên. Do đó, khả năng tiêu thụ của thị trường Trung Quốc đối với thanh long của Việt Nam hạn chế trong thời gian này, trong khi khoảng 70% thanh long sản xuất trên cả nước được đưa sang Trung Quốc. Ngoài ra, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng khiến Bắc Kinh mong muốn xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu.
Lãnh đạo Hiệp hội Rau quả đánh giá xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2019 sẽ khó khăn khi Trung Quốc yêu cầu xuất khẩu chính ngạch, lượng hàng đạt tiêu chuẩn cũng hạn chế hơn trước. Tuy nhiên, vượt qua 2 - 3 tháng này, khi các quả như thanh long, dưa hấu của Việt Nam không "đụng" thời điểm thu hoạch của Trung Quốc, tình hình xuất khẩu có thể sẽ được cải thiện hơn.
Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng quá thấp
Thực tế, không chỉ rau quả, xuất khẩu chung sang Trung Quốc đang chững lại. Cả 7 tháng, Việt Nam xuất sang nước này 19,84 tỷ USD, tăng 0,56% so với cùng kỳ năm 2018. Những năm gần đây, tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường này nửa đầu năm thường ở mức 2 con số.
Các mặt hàng Trung Quốc giảm nhập khẩu so với cùng kỳ gồm gạo, cá đông lạnh, cao su thiên nhiên, xơ sợi, máy vi tính và linh kiện, thủy tinh, giấy, nhựa, sắt thép, kim loại thường. Trong đó, điện thoại và gạo ảnh hưởng nhiều nhất với mức giảm lần lượt là 770 triệu USD và 332 triệu USD so với cùng kỳ, đặc biệt xuất khẩu gạo giảm 67,5%.
"Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng quá thấp một phần do nhu cầu nhập khẩu giảm khi kinh tế nước này những tháng đầu năm không khởi sắc. Xung đột thương mại Mỹ - Trung làm nhiều doanh nghiệp Trung Quốc không có đơn hàng mới, phải cắt giảm nhân công, tác động mạnh đến thu nhập và sức tiêu dùng. Ngoài ra, đồng nhân dân tệ yếu đi cũng làm hàng hóa nước ngoài đắt lên tương đối", báo cáo của Bộ Công Thương tại hội nghị tổng kết tình hình xuất nhập khẩu 7 tháng nêu.
Nam Anh
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.