Trong 5 tháng liên tiếp tính tới tháng 7, xuất khẩu cá tra đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra trong 7 tháng đầu năm nay giảm 5,5% và đạt 1,13 tỷ USD. Theo dự đoán của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), xu hướng giảm vẫn sẽ kéo dài trong những quý cuối năm nay. Số liệu: VASEP
Giảm mạnh nhất là xuất khẩu cá tra sang Mỹ, với kim ngạch 7 tháng đầu năm nay giảm 34,3% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 167,6 triệu USD. Tháng 7 ghi nhận mức giảm hơn 56%.
Xuất khẩu sang thị trường này đang bị ảnh hưởng bởi thuế chống bán phá giá cao. Cuối tháng 4, Bộ Thương mại Mỹ tăng thuế chống bán phá giá với cá tra Việt Nam trong đợt rà soát hành chính lần thứ 14, trong đó thuế với Hùng Vương là 3,87 USD/kg và 1,37 USD/kg với 5 công ty khác.
VASEP dự báo trong những tháng cuối năm 2019, xuất khẩu sang Mỹ sẽ tiếp tục giảm. Nguyên nhân là Mỹ đang dựng lên nhiều rào cản kỹ thuật và thương mại đối với các nguồn cung cá thịt trắng, trong đó có cả Trung Quốc và Việt Nam.
Với Trung Quốc - Hong Kong, tổng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm nay đạt 320 triệu USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có 3 tháng ghi nhận xuất khẩu giảm nhưng tháng 7 lại tăng đột biến 71,1%.
Nhìn chung, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung với loạt đòn thuế “ăn miếng trả miếng” khiến dòng chảy hàng hóa của Trung Quốc trở nên chậm chạp. Động thái hạ giá nhân dân tệ so với USD để đáp trả đòn thuế 10% mà chính phủ Mỹ công bố hồi đầu tháng 8 cũng kéo giảm lượng hàng hóa nhập khẩu vào nước này.
Ngoài ra, kế hoạch “nội địa hóa” cá tra Trung Quốc đang được chính phủ nước này khuyến khích và đầu tư, dẫn tới nhu cầu mua cá tra từ Việt Nam giảm. Mặc khác, Trung Quốc ngày càng yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm. Hiện nước này đã đầu tư xây dựng, nâng cấp các phòng kiểm nghiệm, kiểm dịch chất lượng hàng hóa quy mô lớn tại khu vực giáp biên với Việt Nam. Theo kế hoạch, từ ngày 1/10, các lô hàng thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc đều phải có chứng thư xuất khẩu đi kèm.
Trong nửa cuối năm nay, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc - Hong Kong có thể vẫn tăng nhưng không đạt được mức như kỳ vọng, theo dự báo của VASEP.
Tại Liên minh châu Âu (EU), xuất khẩu sang một số thị trường đơn lẻ lớn tăng nên tổng kim ngạch 7 tháng đầu năm nay đạt 156,7 triệu USD, tăng 12,6%. Trong đó, bán hàng sang Anh tăng 36,3%, Đức tăng 39,6% và Bỉ tăng 32,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, xuất khẩu sang 2 thị trường tiêu thụ lớn nhất, là Hà Lan và Anh, bắt đầu chậm lại trong tháng 7 khi lần lượt giảm 28,3% và 10%. Đây vẫn là 2 thị trường được đánh giá có tiềm năng lớn tại EU với giá tốt và người tiêu dùng ưa chuộng sản phẩm cá tra chất lượng cao.
Theo dự báo của hiệp hội, xuất khẩu sang EU quý III sẽ giữ tốc độ tăng trưởng tương đương với 2 quý đầu năm. Động lực chủ yếu đến từ EVFTA được ký kết vào cuối tháng 6.
Theo cam kết trong EVFTA, các sản phẩm chủ lực xuất khẩu sang EU đều sẽ được giảm thuế trong sau 3 năm thực thi hiệp định. Trong đó, thuế cá tra phile tươi, ướp lạnh giảm từ 9% xuống 0%; cá tra phile đông lạnh từ 5,5% xuống còn 0%. Cá tra đông lạnh cũng được xóa bỏ thuế từ mức 8% hiện nay.
Đối với các thị trường lớn tiềm năng khác như ASEAN, Mexico, Nhật Bản… VASEP dự báo trong nửa cuối năm, tăng trưởng xuất khẩu tương đương nửa đầu năm nay.
Những khó khăn trong hoạt động xuất khẩu chung tại nhiều thị trường lớn trên thế giới khiến bức tranh xuất khẩu cá tra trong 7 tháng đầu năm 2019 chưa có dấu hiệu khả quan và có thể tiếp tục giảm trong quý tới, VASEP nhận định.
Kim Dung
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.