Bộ Công nghiệp và Thương mại Philippines (DTI) vừa thông báo sẽ áp dụng biện pháp tự vệ trong 3 năm với xi măng nhập khẩu từ Việt Nam. Trong năm đầu tiên, mỗi tấn xi măng nhập khẩu từ Việt Nam sẽ bị thu thuế 250 peso (4,8 USD). Mức truy thu sẽ giảm về 225 peso trong năm thực hiện thứ 2 và 200 peso trong thời gian còn lại.
Biện pháp tự vệ này sẽ có hiệu lực sau 15 ngày kể từ khi có thông báo chính thức (3/9), và được rà soát hàng năm.
DTI công bố kết quả điều tra sơ bộ vào đầu năm nay cho thấy ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại nghiêm trọng vì lượng xi măng nhập khẩu vào nước này gia tăng đột biến. Nhập khẩu xi măng tăng từ 3.600 tấn trong năm 2013 lên khoảng 3 triệu tấn trong năm 2017. Khoảng 75% trong đó là từ Việt Nam, 18% từ Trung Quốc và 8% từ Thái Lan, theo số liệu của DTI.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu clinke và xi măng của Việt Nam sang Philippines liên tục tăng cả về khối lượng và giá trị kể từ năm 2014 đến năm 2018. Trong đó, khối lượng xuất khẩu tăng từ khoảng hơn 1 triệu tấn lên hơn 6,6 triệu tấn, với giá trị tăng từ hơn 1,2 triệu USD lên hơn 300 triệu USD vào năm 2018. Đến năm 2018, xuất khẩu sang Philippines chiếm gần 21% tổng xuất khẩu mặt hàng này đi các thị trường.
Số liệu: Tổng cục Hải quan
DTI cho rằng sự gia tăng nhập khẩu như vậy là nguyên nhân chủ yếu gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất nội địa của nước này, thể hiện ở sự sụt giảm thị phần, doanh thu, lợi nhuận cũng như giá bán của ngành sản xuất nội địa.
Nhu cầu xi măng của Philippines tăng sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte đẩy mạnh chương trình hạ tầng 180 tỷ USD để thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài và tạo việc làm mới. Năm 2018, Philippines quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với xi măng nhập khẩu khi nhận thấy ngành sản xuất trong nước có thể bị thiệt hại trước làn sóng nhập khẩu ồ ạt từ nước ngoài.
Kim Dung (Theo Nikkei Asian Review)
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.