"Bàn chuyện phải giảm giá heo hơi, nhưng bỏ ngỏ khâu phân phối. Siết nhà chăn nuôi tưởng sẽ giúp người dân mua được thịt ngon giá rẻ, nhưng khâu phân phối tù mù thế nào đến bây giờ chưa ai quản hết", nhận định của nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú
Theo tìm hiểu của Nhịp sống Doanh nghiệp BizLIVE, giá lợn hơi ngày hôm nay 26/10 hiện đang ở mức 61.000 - 67.000 đồng/kg. Trong đó, khu vực các tỉnh phía Bắc, giá lợn hơi điều chỉnh tăng/giảm nhẹ, dao động trong khoảng 61.000 đồng/kg tại Hà Nam, 67.000 đồng/kg ở Yên Bái, Hưng Yên.
Tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, giá lợn hơi dao động trong khoảng 64.000 - 72.000 đồng/kg, còn tại miền Nam, giá lợn hơi hôm nay chững lại tại hầu hết các địa phương và dao động trong khoảng từ 70.000 - 77.000 đồng/kg.
Như vậy, so với mức cao điểm trên 100.000 đồng/kg, giá lợn đã giảm khoảng 30% sau hơn 2 tháng, tuy nhiên tại các hệ thống bán lẻ, siêu thị và chợ dân sinh, giá thịt lợn chỉ giảm nhiều nhất được 10-15%.
Cụ thể, tại hệ thống siêu thị thịt lợn ba chỉ vẫn được bán ở mức 230.000 đồng -240.000 đồng/kg, giảm không đáng kể so với trước, còn tại các chợ dân sinh, giá thịt lợn ba chỉ cùng loại được bán ở mức 150.000 đồng-160.000 đồng/kg, giảm 10.000 - 15.000 đồng/kg, tương đương 10%. Với các mặt hàng khác, giá bán tại chợ dân sinh giảm từ 12-15% so với thời kỳ cao điểm.
Phân tích về hiện tượng này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội nhận định, giá heo hơi giảm, người tiêu dùng vẫn chịu thiệt.
Phải ăn thịt lợn với giá cao là “bài ca muôn thuở” từ nhiều năm nay, trong đó nguyên nhân chính vẫn là khâu phân phối, khi giá lợn hơi lên thì lập tức lên giá nhưng khi giá lợn giảm thì giá bán lẻ giảm rất "từ từ".
Cung theo ông Phú, một số hệ thống siêu thị sẽ lấy lý do chưa có chính sách giảm đột ngột vì giá mới giảm gần đây, đầu vào vẫn tăng hoặc mặt hàng thịt thuộc danh sách hàng bình ổn, chưa thể giảm liền được...
“Chúng ta hay bàn chuyện phải nỗ lực giảm giá heo hơi, nhưng bỏ ngỏ khâu phân phối, bán lẻ. Siết nhà chăn nuôi những tưởng sẽ giúp người dân mua được thịt ngon giá rẻ, nhưng khâu phân phối tù mù thế nào đến bây giờ chưa ai quản hết. Khâu này là hàng từ chợ đầu mối, nhà máy giết mổ về chợ dân sinh, về siêu thị, qua 2 - 3 tầng lớp mới đến tay người tiêu dùng", ông Phú nói.
Vì vậy, ông Phú cho rằng, ngoài việc, kêu gọi doanh nghiệp chăn nuôi, giết mổ đồng hành với Chính phủ, nhà bán lẻ, phân phối cũng đồng hành, giảm chiết khấu xuống cho nhiều mặt hàng, mới mong người tiêu dùng mua hàng giá tốt.
Đồng thời, chuyên gia này cũng tiết lộ, mức chiết khấu để bán hàng vào siêu thị theo hiện chiếm 25 - 30% giá thành, không chỉ đối với mặt hàng thịt lợn mà còn nhiều mặt hàng khác. Tuy nhiên, ông Phú cũng nhấn mạnh, bên cạnh những nhà bán lẻ cơ hội cũng có rất nhiều hệ thống bán lẻ đồng hành, sát cánh với người dân, với nông sản Việt.
Ngoài ra, cần rà soát và có chính sách quản lý đối với các mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt lợn vì đây là mặt hàng gây ảnh hưởng đầu tiên tới các tầng lớp thu nhập thấp.