Thống kê 1 năm trở lại đây cho thấy thị giá cổ phiếu HPG (sau điều chỉnh) của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) đã tăng gấp đôi. Còn nếu so với mức đáy thiết lập hồi cuối tháng 3/2020, thị giá đã tăng gấp gần 3 lần.
Sức sinh lời cực kỳ ấn tượng bất chấp dịch Covid-19 này liên quan mật thiết đến kết quả kinh doanh ấn tượng (lợi nhuận sau thuế quý III/2020 tăng 111% so với cùng kỳ năm ngoái, lũy kế 9 tháng tăng 56%) cũng như triển vọng kinh doanh sáng sủa trong thời gian tới.
Thiên thời - địa lợi
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán VNDirect trong báo cáo phân tích công bố mới đây, ngành thép Việt Nam đang được hưởng lợi từ việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.
Cụ thể, nhằm đảo ngược xu hướng giảm của tăng trưởng GDP, Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư công trong bối cảnh các động lực tăng trưởng chính khác suy yếu. Theo Tổng cục Thống kê, giải ngân đầu tư công 10 tháng năm 2020 tăng 34,4% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 354,6 nghìn tỷ đồng, hoàn thành gần 70% kế hoạch cả năm.
Chuyên gia của VNDirect cho rằng giải ngân đầu tư công sẽ tiếp tục bứt phá trong quý IV/2020 và cả năm 2021, có thể hoàn thành 95-100% kế hoạch cả năm.
Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) tin rằng Chính phủ sẽ quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu từ công trong giai đoạn cuối năm 2020 và sang cả năm 2021, góp phần làm tăng GDP, nhờ vậy những doanh nghiệp như Hòa Phát hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp nặng sẽ được hưởng lợi.
Trên thực tế, sản lượng tiêu thụ thép đã cho thấy sự phục hồi đáng kể trong quý III/2020, khi tăng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 4,6 triệu tấn. Việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng từ tháng 7/2020 được cho là đã hỗ trợ nhu cầu thép trong quý III/2020.
Trước đó, sản lượng tiêu thụ thép đã giảm 13,2% trong quý I/2020 và giảm 0,4% trong quý II/2020.
Trong bối cảnh thách thức - cơ hội đan xen, các nhà sản xuất thép lớn đang sở hữu nhiều "địa lợi" như có sức mạnh áp đặt giá, khả năng tài chính tốt và sở hữu lợi thế theo quy mô đã nắm bắt cơ hội để giành lấy thị phần.
Hòa Phát - nhà sản xuất thép lớn nhất trong nước - đã tăng thị phần thép xây dựng từ 26,2% lên 32,6% trong 9 tháng năm 2020. Tương tự, doanh nghiệp dẫn đầu thị phần tôn mạ - Tập đoàn Hoa Sen - cũng ghi nhận thị phần tăng từ 29,6% lên 32,4%. Tại mảng ống thép, nhóm 4 doanh nghiệp dẫn đầu (gồm Hòa Phát, Hoa Sen, Minh Ngọc và Thép TVP) cũng giành thêm thị phần, theo thống kê từ VNDirect.
"Nhờ việc mở rộng thị phần nhanh chóng, chúng tôi tin rằng Hòa Phát sẽ là doanh nghiệp được hưởng lợi lớn nhất từ việc đẩy mạnh đầu tư công. Sản phẩm của công ty đang được sử dụng trong các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, bao gồm đường cao tốc Bắc Nam, dự án cải tạo, nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất cùng nhiều dự án nhà máy nhiệt điện khác", báo cáo của VNDirect nhấn mạnh.
Không chỉ gặp thuận lợi ở thị trường trong nước, "thiên thời" còn đến từ thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Kể từ quý II/2020, Trung Quốc đã nỗ lực đẩy nhanh quá trình phê duyệt và khởi công xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng mới, kết hợp với các chính sách tài khóa mở rộng đã hỗ trợ đáng kể nhu cầu thép cho hạ tầng những tháng gần đây.
Theo S&P Global Platts, Trung Quốc đã phê duyệt 14 dự án sân bay với tổng vốn đầu tư lên tới 105,7 tỷ Nhân dân tệ (15,3 tỷ USD) trong giai đoạn từ tháng 1-7/2020, cao hơn 13% giá trị phê duyệt của cả năm 2019.
Ngoài ra, 22 dự án đường sắt cũng đã được chấp thuận đầu tư trong vòng 7 tháng, bên cạnh 16 dự án khác dự kiến sẽ sớm được phê duyệt. Tổng chiều dài các dự án này đạt 5.801 km, tương đương tổng chiều dài của tất cả các dự án được phê duyệt năm 2019. Hầu hết các dự án trên sẽ được khởi công xây dựng trong 6 tháng cuối năm 2020.
S&P Global Platts ước tính nhu cầu thép của các dự án cơ sở hạ tầng lớn tại Trung Quốc (bao gồm các dự án mới được phê duyệt và các dự án đường sắt, sân bay lớn đã được phê duyệt trong giai đoạn 2016-2019) sẽ tăng 24% so với năm 2019, lên khoảng 23 triệu tấn trong năm 2020.
Xuất khẩu sắt thép từ Việt Nam sang Trung Quốc cũng bắt đầu tăng mạnh kể từ tháng 6/2020. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải Quan, Trung Quốc đã vượt qua ASEAN để trở thành thị trường nhập khẩu sắt thép lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng năm 2020, đạt 2,53 triệu tấn (tăng 1.732% so với cùng kỳ năm ngoái), tương đương 36,2% tổng sản lượng sắt thép xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ.
Riêng đối với Hòa Phát, trong quý III/2020, sản lượng bán phôi thép đạt 509.000 tấn. Ước tính cả năm, doanh số có thể đạt khoảng 1,7-1,8 triệu tấn, trong khi năm ngoái Hòa Phát không bán chút phôi thép nào.
Theo nhận định của VNDirect, doanh số bán phôi thép của Hòa Phát được thúc đẩy chủ yếu nhờ nhu cầu từ thị trường Trung Quốc, chiếm 71,1% sản lượng xuất khẩu phôi thép của tập đoàn này trong 10 tháng năm nay, khi giải ngân đầu tư công đang diễn ra mạnh mẽ tại thị trường tiêu thụ thép lớn nhất thế giới.
'Quân bài' tăng trưởng HRC
Ngày 24/8/2020, lò cao số 3 thuộc dự án Dung Quất của Hòa Phát chính thức đi vào sản xuất, cung cấp thép cuộn cán nóng (HRC) từ cuối tháng 9.
Riêng trong tháng 10/2020, sản lượng thép HRC đạt 120.000 tấn. KBSV ước tính công suất sản xuất HRC của lò cao số 3 đạt gần 1,5 triệu tấn. Dự kiến sản lượng HRC sản xuất được của Hòa Phát năm 2020 sẽ đạt khoảng 360.000 tấn.
Sau khi lò cao số 4 của dự án Dung Quất dự kiến sẽ hoàn thành vào đầu năm 2021, khi đi vào hoạt động thì công suất sản xuất HRC sẽ đạt 3 triệu tấn. Trong đó, KBSV ước tính sản lượng HRC bán ra ngoài trong năm 2021 sẽ ở mức 1,5 triệu tấn, gấp 5 lần sản lượng năm 2020.
Chuyên gia của KBSV nhấn mạnh sản phẩm chiến lược HRC sẽ "đóng góp chính vào tăng trưởng lợi nhuận năm 2021" của Hòa Phát.
VNDirect thì dự báo tổng sản lượng HRC được sản xuất ra trong năm 2020 của Hòa Phát sẽ đạt 575.000 tấn. Trong đó, sẽ có 230.000 tấn HRC được sử dụng nội bộ và 345.000 tấn HRC được bán ra thị trường.
Công ty chứng khoán này dự báo sản lượng tiêu thụ HRC của Hòa Phát trong năm 2021 sẽ đạt 1,3 triệu tấn, là động lực tăng trưởng sản lượng chính trong năm 2021 của tập đoàn này.
Rủi ro
Theo nhận định của KBSV, mảng kinh doanh thép đang chiếm tới 85% doanh thu của Hòa Phát, do vậy biến động từ giá nguyên vật liệu đầu vào không thuận lợi cũng như giá bán đầu ra, sẽ tác động lớn đến kết quả kinh doanh của "ông lớn" này.
Chuyên gia của KBSV lưu ý từ nửa cuối năm 2020, giá quặng sắt 62% FE đã tăng mạnh do nhu cầu sản xuất thép tăng mạnh tại Trung Quốc sau khi Bắc Kinh triển khai loạt biện pháp kích thích kinh tế, bên cạnh đó còn có nguyên nhân gián đoạn trong nguồn cung tại Brazil, nơi nhiều mỏ sắt bị đóng cửa tạm thời do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tính đến thời điểm cuối tháng 9/2020, giá quặng sắt 62% FE dao động trong khoảng từ 115-121 USD/tấn, tăng 30% so với thời điểm đầu năm.
VNDirect cũng lưu ý rằng áp lực từ giá quặng sắt cao sẽ rõ ràng hơn đối với Hòa Phát trong quý IV/2020, ước tính sẽ tăng khoảng 15% so với quý III/2020.
Trước đó, chi phí quặng sắt đầu vào của Hòa Phát trong quý III/2020 đã tăng không đáng kể so với quý trước đó nhờ công ty đã tích lũy được lượng lớn quặng sắt giá thấp từ quý II/2020.
Có phần cùng quan điểm, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho hay: "Chi phí quặng sắt cao hơn dự kiến trong quý III làm gia tăng lo ngại của chúng tôi về áp lực biên lợi nhuận trong 6 tháng cuối năm 2020". Tuy nhiên bù lại, giá bán thép có thể đi vào chu kỳ tăng vào cuối năm 2020 và trong năm 2021.
Ngoài ra, giá than cốc đang ở mức thấp cũng góp phần bù đắp cho đà tăng giá quặng sắt.
Được biết, quặng sắt và than cốc là 2 sản phẩm đầu vào chính, chiếm khoảng 50-60% giá thành sản xuất thép của Hòa Phát.
VNDirect dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát sẽ tăng lần lượt 39% và 64% trong năm 2020. Sang năm 2021, mức tăng lần lượt là 22% và 20%.
Khá tương đồng, KBSV tin rằng doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2020 sẽ tăng 44% và 64%. Với năm 2021, mức tăng là 22% và 21%.
VCSC thì dự báo doanh thu năm 2020 của Hòa Phát sẽ đạt mức tăng 30%, trong khi lợi nhuận sau thuế tăng 49%. Năm 2021, doanh thu dự tính tăng 15%, lợi nhuận dự tính tăng 12%.