Kết quả kinh doanh quý III/2020 của hầu hết các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) là giảm lợi nhuận khá lớn so với cùng kỳ. Đây là tác động kép từ những nguyên nhân khách quan, trong đó có hệ thống pháp luật cần phải được gỡ vướng.
Chuyên gia cho rằng, dịch Covid-19 chỉ là một phần nguyên nhân dẫn đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp BĐS
Lợi nhuận giảm sâu vì dịch Covid-19
BCTC quý III/2020 của
TTC Land (
SCR) cho hay,
SCR đạt doanh thu 112,5 tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ. Giá vốn giảm đột biến, lợi nhuận gộp theo đó tăng cao gần gấp 4 lần, đạt hơn 30 tỷ đồng. Luỹ kế 9 tháng đầu năm,
TTC Land ghi nhận hơn 347,6 tỷ doanh thu, giảm 57%. Trong kỳ, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt giảm 73% và 48% so với cùng kỳ.
Theo BCTC hợp nhất quý III/2020 của CTCP Tập đoàn Đất Xanh (
DXG), doanh nghiệp này đạt doanh thu 797 tỷ, giảm 45% so với cùng kỳ. Hoạt động môi giới vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu công ty. Luỹ kế 9 tháng đầu năm nay,
DXG đạt 1.877 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 51% so với cùng kỳ, công ty theo đó lỗ ròng hơn 388 tỷ đồng.
Tương tự, doanh thu thuần trong quý III/2020 của Tập đoàn An Gia (
AGG) hơn 13,6 tỷ đồng. Con số này giảm gần 4,6 lần so với quý III/2019 và cũng giảm hơn 20% so với quý liền trước. Đáng chú ý, đây là quý thứ 3 liên tiếp An Gia trắng tay ở mảng bán hàng, công ty này hoàn toàn không bán được căn hộ nào trong 9 tháng qua. Kết quả, lợi nhuận sau thuế của An Gia Group trong quý III/2020 chỉ 2,6 tỷ đồng. Mức lãi này giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước.
BCTC của CTCP BĐS Thế Kỷ (
CRE) cho biết,
CRE đạt doanh thu đạt 602 tỷ đồng trong quý III, tăng 5,8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên chi phí giá vốn lại tăng mạnh, đến 15,9% nên lợi nhuận gộp thu về đạt gần 139 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ.
CRE ghi nhận lãi sau thuế đạt 63 tỷ đồng, giảm 30,8% so với quý III/2019. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020 doanh thu đạt 1.308 tỷ đồng, giảm 18,9% so với cùng kỳ và mới thực hiện được khoảng 54% kế hoạch cả năm. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 202 tỷ đồng, giảm 28,4% so với cùng kỳ.
Ngoài ra còn CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (
CII), CTCP đầu tư Nam Long dù có doanh thu quý III đều tăng cao, song lợi nhuận lại giảm hơn 80%. Điều này được các doanh nghiệp giải thích do giảm giá vốn dẫn đến lợi nhuận giảm.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có điểm sáng của CTCP Vinhomes (
VHM), doanh thu 3 tháng gần nhất của doanh nghiệp này gấp hơn 2,5 lần so với cùng giai đoạn năm 2019, đạt gần 26.500 tỷ đồng. Lãi trước thuế chỉ tương đương cùng kỳ do biên lợi nhuận gộp thu hẹp và chi phí bán hàng tăng nhanh.
Còn Tổng công ty cổ phần XNK và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) kết quả kinh doanh quý III/2020 lãi đột biến 1.037 tỷ đồng sau thuế, gấp 4 lần cùng kỳ năm trước nhờ bán cổ phần tại một loạt dự án trong đó có Bắc An Khánh.
Rào cản pháp lý vẫn hiện hữu
Đánh giá về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp BĐS, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, BĐS năm 2020 tiếp tục trải qua khó khăn, nhưng điều đáng sợ nhất với các doanh nghiệp không phải là Covid-19, mà đó là những rào cản, khó khăn về pháp lý.
Bởi hệ thống pháp luật có những khoảng trống, xung đột giữa các luật, giữa luật này với văn bản hướng dẫn thi hành luật khác. Bên cạnh đó, trình tự, thủ tục phê duyệt dự án kéo quá dài, làm cho doanh nghiệp bị ứ đọng vốn đầu tư ban đầu, lãng phí công sức, tiền bạc và cả cơ hội kinh doanh. Nguồn cung thị trường giảm mạnh.
Đơn cử như ngay tại thời điểm Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành đã thể hiện rất thiếu đồng bộ với các Luật có liên quan. Hệ quả là quy trình chuyển dịch đất đai để đầu tư phát triển khá phức tạp và chưa động viên được động lực từ khu vực kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, việc sửa Luật đất đai bị lùi lại khá nhiều, khoảng trống thị trường rất lớn.
Để có thể khắc phục khó khăn cho các doanh nghiệp BĐS, thúc đẩy thị trường phát triển tốt hơn, theo GS. Võ, vấn đề lớn nhất vẫn là sửa luật. Nếu sửa luật đúng nội dung và trúng giải pháp thì thị trường BĐS sẽ giải thoát được ách tắc, phát triển tốt.
Hơn nữa, nếu vấn đề nguồn cung không được xử lý thì vài năm tới giá nhà đất sẽ tăng, nhãn tiền giá nhà đất tại TP. HCM tăng bất chấp giao dịch ảm đạm.
Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội nói rằng, để có thể thể vượt qua khó khăn, thách thức trong và sau Covid-19, các doanh nghiệp cần quan tâm hàng đầu đến yếu tố pháp lý. Pháp lý tốt sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn bất khả kháng như đại dịch và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần phải tính đến yếu tố chiến lược dành cho ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Doanh nghiệp cần rà soát lại các đối tượng khách hàng, các phân khúc ở từng địa bàn mà doanh nghiệp có thể khai thác cho phù hợp kinh doanh vào thời điểm đó.
Ngoài ra, các chủ đầu tư cần phát triển thêm các dòng sản phẩm, tiện ích mới, những sản phẩm tích hợp các yếu tố chăm sóc sức khỏe, tạo sự khác biệt trong tương lai, đồng thời cần tính đến việc tích hợp công nghệ 4.0 ở mức có thể.