Nhiều tín hiệu cho thấy ngành thép Việt Nam, đặc biệt là các "đại gia" như Hòa Phát, Hoa Sen, Nam Kim, sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2021.
Các "đại gia" ngành thép Việt Nam đang hưởng lợi lớn từ diễn biến giá HRC (Ảnh minh họa)
Tính từ đáy dịch Covid-19 vào tháng 4/2020, VN-Index đã hồi phục khoảng 70%. Tuy nhiên, việc hưởng lợi trực tiếp từ sự khan hiếm nguyên liệu cũng như gia tăng nhu cầu thép từ Trung Quốc đã giúp các cổ phiếu thép ghi nhận mức tăng giá vượt trội so với VN-Index.
Tính đến hết phiên sáng 23/12, cổ phiếu
HPG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát đã tăng gấp 3 lần từ đáy. Trong khi đó, cổ phiếu
HSG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen tăng gấp hơn 5 lần từ đáy. Con số này ở
NKG (Công ty Cổ phần Thép Nam Kim) cũng lên đến 3,6 lần.
Đây cũng là những công ty có sự cải thiện rõ rệt trong hoạt động kinh doanh và tăng trưởng lợi nhuận mạnh trong năm 2020.
Trong báo cáo công bố mới đây, Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) đánh giá ngành thép đã thể hiện sự phân hóa rõ ràng giữa nhóm các công ty đầu ngành so với phần còn lại. Trong triển vọng ngành thép năm 2021, đây cũng là nhóm 3 doanh nghiệp mà công ty chứng khoán này đánh giá tiếp tục dẫn đầu lợi nhuận toàn ngành và hưởng lợi lớn nhất từ sự tăng giá thép cuộn cán nóng (HRC).
Trên thực tế, lo ngại về việc Trung Quốc ngưng nhập khẩu quặng sắt từ Úc (Trung Quốc nhập khẩu 72% quặng sắt), cộng thêm việc thúc đẩy đầu tư công của Trung Quốc, đã khiến giá nguyên liệu như quặng sắt tạo đỉnh. Giá quặng sắt đã đạt đỉnh 5 năm, lên mức 154 USD/tấn, tương đương tăng 93% từ mức đáy tháng 5/2020. Qua đó, trực tiếp khiến giá HRC Thượng Hải đã đạt mức 687 USD/tấn, tăng 46% so với mức đáy vào tháng 3/2020.
MASVN dự báo trong ngắn hạn, giá quặng sắt lẫn HRC sẽ tiếp tục tăng thêm 10%, tương đương với giá HRC đạt 755 USD/tấn trong bối cảnh các nước liên tục công bố kế hoạch tăng đầu tư công từ năm 2021 nhằm chống lại sự suy thoái kinh tế do Covid-19.
Bên cạnh tín hiệu tích cực từ diễn biến giá HRC, xuất khẩu nhiều khả năng sẽ là điểm sáng của ngành thép Việt Nam trong năm 2021.
Theo quan điểm của MASVN, ngành thép toàn cầu sẽ phục hồi trong năm 2021 cùng với một loạt chính sách kích cầu hạ tầng. Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ xu hướng này. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là sản lượng xuất khẩu thép sang thị trường Trung Quốc đang tăng rất mạnh, đồng nghĩa rủi ro cũng tăng theo nếu nước này thay đổi chính sách nhập khẩu phôi thép và các sản phẩm thép đến từ Việt Nam.
Ở thị trường trong nước, trong năm 2021, nhóm chuyên gia cho rằng ngành bất động sản lẫn xây dựng sẽ hồi phục, qua đó thúc đẩy sản lượng toàn ngành thép. Trong đó, mảng HRC ước tính sẽ tăng mạnh nhất với 2 triệu tấn công suất thêm vào từ lò cao 3 và 4 của dự án Dung Quất Hòa Phát.
MASVN dự báo tổng sản lượng HRC và thép lá cán nguội (CRC) Việt Nam năm 2021 sẽ đạt 10,69 triệu tấn, tăng trưởng tới 30% so với năm 2020. Sản lượng mảng thép xây dựng, ống thép và tôn mạ năm 2021 được dự báo lần lượt ở mức 11,2 triệu tấn (tăng trưởng 9%), 2,49 triệu tấn (tăng trưởng 8%) và 4,415 triệu tấn (tăng trưởng 8%).
Công ty chứng khoán này cho rằng từ cuối năm 2020, lợi nhuận của cả ngành thép lẫn tôn mạ sẽ được hỗ trợ bởi việc giá quặng sắt và HRC đã tăng rất mạnh trong nửa cuối năm 2020.
Trong đó, lợi nhuận ròng của của
NKG,
HSG và
HPG trong quý IV/2020 dự báo lần lượt đạt 90 tỷ đồng (tăng 1.180% so với cùng kỳ năm ngoái), 420 tỷ (tăng trưởng 132%) và 3.534 tỷ (tăng trưởng 83%).
Cho năm 2021, MASVN dự báo tăng trưởng lợi nhuận ròng của
NKG sẽ ở mức 30,4% so với năm 2020. Với
HSG, mức tăng là 49,9%. Trong khi đó, con số này ở
HPG là 16%.