Những phiên chiều liên tiếp bị "treo" giao dịch trên sàn chứng khoán thời gian gần đang là một đề tài nóng hổi tại các diễn đàn chứng khoán. Bên cạnh những nhận định nguyên nhân là do hệ thống giao dịch của HoSE đã quá lỗi thời thì cũng có những ý kiến cho rằng việc quá nhiều F0 mua bán các lệnh nhỏ đã khiến sàn giao dịch gặp áp lực.
Theo ghi nhận, trong hơn một tuần qua, các công ty chứng khoán đã phải gửi thông báo tới các nhà đầu tư về việc gián đoạn giao dịch, gây ra nhiều bức xúc. Thậm chí, ở một số trường hợp, công ty đã phải khắc phục thiệt hại cho khách hàng để giữ chữ tín.
Sự cố xảy ra 4 lần tại các phiên giao dịch ngày 17, 22, 23 và 24/12. Cụ thể, các lệnh đặt trên sàn HoSE thông qua hệ thống giao dịch trực tuyến của các công ty chứng khoán trong khoảng thời gian này không được cập nhật đúng trạng thái lệnh hoặc đã được đưa vào sàn nhưng chưa nhận được xác nhận.
Do hệ thống...
Ngay sau khi những sự cố xảy ra, nhiều thắc mắc về xoay quanh hạ tầng giao dịch của HoSE đã được đặt ra. Thậm chí, có người còn đặt câu hỏi: Có hay không việc công ty chứng khoán lớn bị chặn lệnh để “chữa cháy” tình trạng xập xệ hệ thống giao dịch của HoSE?
"Nghẽn lệnh thì bất cứ ở đâu cũng có thể xảy ra nhưng nghẽn 4 lần trong một tuần là liên quan đến năng lực hệ thống. Có thể hệ thống hiện nay quá lỗi thời, không theo kịp sự phát triển của thị trường, chúng tôi cần lời giải thích thoả đáng và đưa ra giải pháp khắc phục về lâu dài của HoSE", một nhà đầu tư tại Hà Nội bức xúc.
Có ý kiến cho rằng HoSE đã thực hiện chặn lệnh mua bán từ các công ty chứng khoán để tránh sụp đổ hệ thống
Thực tế, những rủi ro liên quan đến hệ thống được đánh giá là tối kỵ, quyết định sự thành bại trong việc gây dựng niềm tin ở các đối tượng tham gia thị trường.
"Với quy mô thị trường được xây dựng từ năm 2020-2030 chiếm đến hàng tỷ USD mỗi phiên giao dịch đòi hỏi công nghệ, đường truyền và con người luôn phải đảm bảo sự thông suốt và vận hành một cách minh bạch để việc mua bán, luân chuyển vốn diễn ra kịp thời thì thử hỏi với tình trạng hiện nay, HoSE có thể đáp ứng nổi?", nhà đầu tư Minh Quang (Hà Nội) chia sẻ.
Trước những lo ngại đến từ phía các nhà đầu tư, ông Lê Hải Trà - Thành viên phụ trách HĐQT Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) cho biết, trước đây sàn giao dịch cũng từng ghi nhận một số biểu hiện lỗi hệ thống liên quan đến tiến trình chuyển từ khớp lệnh định kỳ sang khớp lệnh liên tục, nhưng những phiên gần đây không xảy ra vấn đề này.
"Hệ thống vẫn bình thường, không có hiện tượng không chuyển sang được phiên khớp lệnh định kỳ hay lỗi giao dịch giữa Sở với các công ty chứng khoán. Đội ngũ IT của HoSE đang làm việc với áp lực lớn để giám sát, hỗ trợ các công ty chứng khoán khi có vấn đề”, ông Trà cho biết.
HoSE cũng nhận thấy một số biểu hiện liên quan đến việc các công ty chứng khoán nhập lệnh-chuyển lệnh đến Sở trong những phiên "lỗi" vừa qua có biểu hiện khác so với hiện tượng hệ thống của Sở đã từng gặp sự cố trước đây.
Tuy nhiên, có ý kiến tiêu cực hơn cho rằng, việc HoSE không ghi nhận lỗi là do sàn chủ động khớp một vài lệnh nhỏ trong phiên ATC để vẫn được tạo giá khớp lệnh nhưng thực chất là đã chủ động cắt toàn bộ lệnh vào sàn để tránh sụp đổ hệ thống. Bởi lẽ nếu sự cố này xảy ra sẽ phải sửa ít nhất 2 phiên từ đó ảnh hưởng đến quá trình nâng hạng do ghi lỗi trong hệ thống đánh giá quốc tế.
...hay tại con người?
Thực tế, khi phát sinh sự cố "nghẽn mạng" như những phiên vừa qua, chắc chắn sẽ có nhiều nhà đầu tư bán không được mà mua cũng không xong, thiệt hại là không nhỏ. Thế nhưng, trước những lý giải của HoSE thì có chăng lỗi đến từ con người?
Theo số liệu của 20 công ty chứng khoán hàng đầu, khối lượng lệnh từ đầu năm đến nay đã tăng gấp 3-12 lần so với năm trước.
Thực tế, từ đầu tháng 12, lượng giao dịch trên HoSE tăng đột biến, thường xuyên đạt trên 500 triệu cổ phần, với giá trị giao dịch khớp lệnh trực tiếp vượt 10.000 tỷ đồng/phiên. Một số phiên giao dịch, khối lượng giao dịch vọt lên rất cao, chẳng hạn phiên 23/12 có gần 770 triệu cổ phiếu khớp lệnh, giá trị giao dịch đạt gần 15.000 tỷ đồng.
Đóng góp lớn cho sự đột biến này phải kể đến dòng tiền của các nhà đầu tư F0. Đây là tín hiệu tích cực của thị trường nhưng cũng là hệ luỵ đối với hệ thống giao dịch.
Dưới góc nhìn của một nhà đầu tư lâu năm, việc hệ thống quá tải có thể đến từ việc những lệnh nhỏ , thậm chí dưới 10 cổ phiếu của các F0 đặt chồng chất, các lệnh này sẽ được ưu tiên kéo theo việc các lô lớn bị "delay".
"Ngày 28/12, HoSE đã mở hệ thống giao dịch cho các công ty chứng khoán tham gia thử nghiệm việc áp dụng nâng lô giao dịch lên 100 cổ phiếu nhằm giảm thiểu áp lực cho hệ thống. Tuy nhiên, tình trạng “nghẽn mạng” vẫn chưa được khắc phục trong phiên giao dịch này."
Lý giải cho luận điểm của mình, nhà đầu tư lâu năm này cho biết: "Giả sử một bạn sinh viên với số vốn 30 triệu đồng quyết định đầu tư chứng khoán, sử dụng nguyên tắc "không bỏ trứng vào một giỏ" sẽ chia đều số vốn này ra cho 3 mã cổ phiếu. Như vậy, đối với lệnh mua và bán thì đây đều là những lệnh nhỏ, trong khi đó trên thị trường có khá nhiều F0 tương tự bạn sinh viên này, thậm chí có người chỉ đầu tư với số vốn 5 triệu đồng, lệnh đã nhỏ càng nhỏ thêm, vô hình trung đã gây áp lực lên hệ thống".
Thực tế cho thấy, lỗi chỉ xảy ra với sàn HoSE-nơi vẫn duy trì lô lẻ 10 cổ phiếu mà không xảy ra với HNX hay UPCoM - sàn giao dịch quy định lô chẵn là 100 cổ phiếu.
Theo ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao Công chứng khoán KIS Việt Nam, khi hệ thống ngưng giao dịch thì tất cả nhà đầu tư sẽ bị ảnh hưởng chứ không riêng gì nhà đầu tư giao dịch lớn hay nhỏ. Việc tiếp tục duy trì giao dịch cổ phiếu lô lẻ không những không giúp ích gì được cho nhà đầu tư nhỏ lẻ mà còn ảnh hưởng nhiều hơn đến toàn thị trường.
Đồng quan điểm, ông Phạm Thiên Quang - Giám đốc dịch vụ đầu tư Công ty chứng khoán VNDirect cho biết, việc nghẽn giao dịch là trách nhiệm của tất cả thành viên tham gia thị trường, mỗi người cần góp sức để giảm tải hệ thống. Do đó, các nhà đầu tư cần giảm thiểu việc rải lệnh nhỏ để tránh việc quá tải.