Chỉ còn ít phiên giao dịch nữa là thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ kết thúc năm 2020 đầy dấu ấn, với việc “hồi sinh” mạnh mẽ từ đáy vượt qua đỉnh của năm nhờ sự hỗ trợ của dòng tiền F0. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra lúc này là thị trường sẽ còn hưng phấn trong bao lâu, bởi có quá nhiều vấn đề đang dần xuất hiện.
Theo số liệu từ báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2020 của Tổng cục Thống kê, tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán tính đến ngày 27/12 đạt 383.600 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu năm 2020 đạt 7.056 tỷ đồng/phiên, tăng 51,5% so với bình quân năm 2019.
Diễn biến lạ
Hiện, thị trường được đánh giá là đang trong giai đoạn “cứ mua là thắng”. Dòng tiền của các nhà đầu tư F0 mạnh đến nỗi tất cả giới phân tích đều phải nâng giá mục tiêu liên tục các cổ phiếu trong danh mục theo dõi, bởi thị giá của những mã này liên tục phá đỉnh.
Điển hình phải kể đến sự sôi động của cổ phiếu HPG (CTCP Tập đoàn Hòa Phát) khi thường xuyên dẫn đầu về thanh khoản với khối lượng giao dịch lên đến hàng chục triệu đơn vị mỗi phiên.
Dòng tiền đang đầu tư theo xu hướng bất chấp, bỏ qua những yếu tố cơ bản của doanh nghiệp.
HPG cũng bứt tốc mạnh mẽ về thị giá, qua đó liên tục thiết lập những đỉnh mới. Sau thời gian liên tục leo dốc với thanh khoản cao, HPG đạt đỉnh lịch sử 37.500 đồng/cp trước khi điều chỉnh về 35.600 đồng/cp. Dù vậy, mức thị giá hiện tại vẫn cao hơn 60% so với thời điểm cuối tháng 7 và gấp hơn 2,5 lần vùng đáy hồi cuối tháng 3.
Đóng góp lớn vào đà tăng của thị trường không thể thiếu nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bán lẻ…, khi hầu hết đều ghi nhận sự bứt phá ngoạn mục, nhiều mã đã tăng gấp mấy lần so với đầu năm.
Việc giá cổ phiếu tăng trưởng trong bối cảnh được hỗ trợ từ dòng tiền lớn tại nhóm các doanh nghiệp kể trên là điều không có gì phải bàn cãi, bởi đó đều là các đơn vị có kết quả kinh doanh tốt, nội tại doanh nghiệp ổn định. Tuy nhiên, trên thị trường đang xuất hiện một vấn đề khiến các “nhà đầu tư tỉnh táo” phải bận tâm là nhiều mã cổ phiếu của các doanh nghiệp có lợi nhuận giảm, thậm chí lỗ, còn tăng mạnh hơn cả mã của doanh nghiệp có lợi nhuận cao.
Có thể kể đến trường hợp cổ phiếu LDG của CTCP Đầu tư LDG. Gần đây nhất, LDG ghi dấu ấn với các nhà đầu tư khi tăng 14/20 phiên giao dịch của tháng 12, trong đó có 1 phiên tăng trần, tổng mức tăng ghi nhận gần 17,4%.
Mức tăng này của LDG diễn ra trong bối cảnh lợi nhuận 9 tháng đầu năm của công ty giảm tới 96% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó là lùm xùm xây dựng trái phép gần 500 căn nhà thấp tầng ở Đồng Nai, thu lợi bất hợp pháp...
Trong khi đó, tại những phiên giao dịch vừa qua, cổ phiếu BID (BIDV) chỉ đạt mức tăng gần 14% dù đây là một trong những ngân hàng lớn, kết quả kinh doanh tăng trưởng đều đặn qua từng quý.
Bao giờ hết hưng phấn?
Nhìn vào diễn biến kể trên của thị trường, có nhiều ý kiến cho rằng, kể từ đầu năm đến nay, thị trường luôn giao dịch với tâm thế rời xa những yếu tố cơ bản, những phân tích kỹ thuật đã không khiến các nhà đầu tư bận tâm.
“Giao dịch hiện nay là xu thế xoay vòng tiền theo sóng, con nào rẻ theo sóng thì lên, chứ có mấy ai quan tâm nó làm ăn ra sao, lợi nhuận bao nhiêu”, nhà đầu tư Mạnh Thắng (Hà Nội) chia sẻ.
Chính vì sự “vô tư” này của giới đầu tư mà câu hỏi về bong bóng thị trường đã được đặt ra, nhất là trong bối cảnh chỉ số Vn-Index đang tiến gần đến mốc kháng cự 1.100 điểm.
Liệu thị trường đã đạt đến đỉnh hưng phấn và dòng tiền của các nhà đầu tư F0 - những người chưa từng nếm trải cảm giác mất mát vì thị trường chứng khoán đang say men chiến thắng, khi nào sẽ dừng lại?
Ở một góc nhìn khác, tại một diễn đàn về chứng khoán gần đây, ông Vũ Bằng - nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, thị trường chứng khoán đã giảm khá sâu do “cú sốc” Covid-19 hồi đầu năm, nên chuyện phục hồi lại là bình thường.
Bên cạnh đó, không có kênh đầu tư nào khả quan hơn, do đó chưa nên vội vã đánh giá đây là bong bóng, cần xem xét đánh giá thống kê dòng tiền vào thị trường từ cho vay ký quỹ (margin), ngân hàng, dòng vốn nước ngoài để có nhìn nhận chính xác hơn.
Cũng theo ông Bằng, sang năm 2021, thị trường chứng khoán vẫn có dư địa phát triển, dòng vốn rẻ của quốc tế và Việt Nam sẽ tiếp tục được duy trì ít nhất đến giữa năm, hỗ trợ sức cầu của thị trường.
Tuy nhiên, có điểm cần lưu ý là, khi dịch Covid-19 được xử lý tốt hơn sẽ khiến Chính phủ các nước giảm dần các gói cứu trợ, với gói tiền rẻ như vậy, nợ quốc gia, nợ công và nợ doanh nghiệp gia tăng, bộc lộ các vấn đề nợ xấu. Khi đó, mặt bằng lãi suất sẽ có sự điều chỉnh và dòng tiền sẽ quay đầu, nhà đầu tư cần cân nhắc sử dụng đòn bẩy tài chính thận trọng hơn.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng giám đốc Công ty chứng khoán VNDirect cho rằng, các nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán trong thời gian qua đều đang giao dịch mang tính chất đầu cơ, thiếu bền vững, nhưng trong vài năm tới, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn.
Do đó, việc cần làm lúc này là phải nâng cao nhận thức để nhà đầu tư đánh giá được rủi ro, từ đó lựa chọn chiến lược đúng đắn, không coi thị trường chứng khoán như “chiếu bạc” mà tham gia dài hạn trong tâm lý là kênh đầu tư hiệu quả.
Minh Khuê