Chỉ tiêu lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp và lựa chọn cổ phiếu của nhà đầu tư bởi đây là chỉ số tài chính quan trọng để đo lường về hiệu quả sinh lời trên một đồng vốn của doanh nghiệp.
Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp có EPS cao nhất trên 2 sàn niêm yết vẫn là những cái tên quen thuộc như CTCP Bến xe Miền Tây (mã:
WCS), CTCP Vinacafé Biên Hoà (mã:
VCF)...
EPS gần chạm ngưỡng 30.000 đồng
Tính đến thời điểm hiện tại, Bến xe Miền Tây đang là doanh nghiệp có EPS cao nhất thị trường khi đạt 27.430 đồng nhờ lợi nhuận năm 2019 tăng nhẹ. Đây cũng là doanh nghiệp luôn duy trì được mức EPS cao hàng năm.
Bến xe Miền Tây là một trong 2 bến xe lớn nhất Sài Gòn, kết nối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với hơn 150 doanh nghiệp tham gia khai thác 200 tuyến vận tải. Nhờ tuyến đường ít bị cạnh tranh, Bến xe Miền Tây có hoạt động rất ổn định và luôn nằm trong danh sách các công ty kinh doanh hiệu quả nhất sàn chứng khoán.
Năm 2018, Bến xe Miền Tây trả cổ tức đột biến với tỷ lệ 400% bằng tiền mặt. Những yếu tố này giúp cổ phiếu
WCS luôn đạt ở mức cao và hiện đang giao dịch tại vùng giá 158.000 đồng/cp.
Vinacafé Biên Hòa cũng đang là doanh nghiệp có EPS cao nhất thị trường với mức 25.615 đồng. Hiệu quả của công ty được biết đến là nhờ hoạt động chung trong hệ thống của Masan Group, tạo ra lợi thế về giá vốn và chi phí bán hàng.
Bên cạnh việc duy trì chỉ số EPS cao nhiều năm liền, Vinacafé Biên Hòa còn có những đơt chia cổ tức rất khủng như 660% bằng tiền cho năm 2017 hay tỷ lệ 240% cho năm 2018. Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu
VCF của Vinacafé Biên Hoà vượt qua
SAB (Sabeco) để trở thành cổ phiếu đắt đỏ nhất sàn chứng khoán với mức giá 203.800 đồng/cp.
Một cái tên mới xuất hiện trong nhóm các doanh nghiệp có chỉ số tài chính quan trọng này ở mức cao là CTCP Đô thị Công nghiệp số 2 (mã:
D2D) bởi các doanh nghiệp khu công nghiệp có mức tăng trưởng lợi nhuận nhanh trong năm 2019 nhờ được cho là nhóm ngành sẽ hưởng lợi từ sự dịch chuyển sản xuất toàn cầu.
Năm 2019, Đô thị Công nghiệp số 2 ghi nhận sau thuế cổ đông mẹ đạt 392 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần cùng kỳ nhờ việc ghi nhận doanh thu các khu dân cư Thống Nhất và Lộc An. Thu nhập trên mỗi cổ phần đạt 24.862 đồng (tính theo số cổ phiếu lưu hành bình quân trong năm), chỉ xếp sau Vinacafe Biên Hòa và Bến xe Miền Tây.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác cũng có EPS ở mức cao như
FPT Online (mã:
FOC) đạt 17.660 đồng; Vinaseed (mã:
NSC) 11.490 đồng; CTCP Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi Lâm Đồng (mã:
LHC) 14.490 đồng hay CTCP Tư vấn Xây dựng Điện 2 (mã:
TV2) 10.670 đồng...
Có dễ thắng?
Thực tế, sức hấp dẫn tại các cổ phiếu có EPS cao là khó có thể phủ nhận bởi các công ty có mức EPS cao nhiều năm cũng là những doanh nghiệp có cơ cấu tài chính mạnh, vay nợ thấp, dòng tiền mặt dồi dào, tỷ lệ cổ tức lớn.
Tuy nhiên, không phải mã nào cũng tăng giá. Trong khi cổ phiếu
WCS ghi nhận mức tăng 53,4%,
VCF và
D2D tăng gần 54% trong vòng 1 năm qua thì
TV2,
NSC... lại đang trong xu hướng giảm.
Một đặc điểm chung của các doanh nghiệp có EPS cao là thị giá cổ phiếu trên thị trường cũng cao tỷ lệ thuận với EPS. Điều này khiến lợi suất cổ tức trử nên kém hấp dẫn kéo theo việc tìm kiếm lợi nhuận của nhà đầu tư sẽ phải phụ thuộc vào mức tăng giá của cổ phiếu.
Nếu giá những cổ phiếu này đã phản ánh kết quả lợi nhuận của doanh nghiệp trong quá khứ, cũng như kỳ vọng lợi nhuận tương lai, thì khi tốc độ tăng trưởng lợi nhuận thực tế sụt giảm hoặc không như kỳ vọng, giá cổ phiếu rất dễ bị áp lực điều chỉnh.
Ngoài ra, các công ty có EPS cao không đồng nghĩa với vốn hóa lớn chỉ trong khoảng trên dưới 1.500 tỷ đồng, thậm chí con số này tại Bến xe Miền Tây còn chưa đạt 400 tỷ đồng dì thị giá cổ phiếu đang ở mức 3 con số.
Vốn hoá thấp do các doanh nghiệp có vốn điều lệ thấp, tương ứng với khối lượng cổ phiếu nhỏ và có cơ cấu cổ đông lớn “cô đặc”, hạn chế sự gia tăng thanh khoản. Điển hình nhất là
VCF với mức thanh khoản chỉ vài trăm cổ phiếu. Hiện, Masan Beverage đang nắm đến 98,49% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Vinacafé Biên Hòa.
Vốn điều lệ thấp cũng là một nguyên nhân khiến EPS được đẩy lên cao khi ghi nhận những khoản thu nhập đột biến. Còn nhớ, trường hợp của CTCP Xây dựng công nghiệp (mã:
ICC) trong năm 2016 ghi nhuận lợi nhuận từ bán căn hộ khiến lợi nhuận sau thuế tăng đột biến lên 160 tỷ đồng, trong khi doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính giảm 57%.
Khoản lợi nhuận đột biến này khiến EPS của doanh nghiệp có vốn điều lệ 38 tỷ đồng đạt 42.157 đồng trong năm 2016, gấp 3 lần thời điểm năm 2015.
Theo một chuyên gia chứng khoán, nếu mức EPS khủng đến từ hoạt động kinh doanh chính thì là yếu tố tích cực nhưng nếu đến từ các thu nhập bất thường sẽ khiến doanh nghiệp khó duy trì tăng trưởng, thậm chí ảnh hưởng đến gính ổn định bền vững trong tương lai.
Hơn nữa, vốn hóa nhỏ, thanh khoản thấp một mặt hạn chế sự tham gia của các nhà đầu tư lớn, bởi khó khăn trong giải ngân cũng như thoái vốn, mặt khác ảnh hưởng đến nguồn tiền cho vay giao dịch ký quỹ.
Nhìn chung, EPS cao là một yếu tố bắt "tiền đẻ ra tiền" quan trọng nhưng để đảm bảo an toàn cho các khoản đầu tư bên cạnh EPS, cần xem xét nhiều yếu tố khác như dòng tiền, cơ cấu tài chính, các kế hoạch đầu tư, triển vọng kinh doanh…
Linh Đan
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.