• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.234,70 +6,60/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.234,70   +6,60/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,25   +0,96/+0,43%  |   UPCOM-INDEX   91,82   +0,12/+0,13%  |   VN30   1.291,94   +5,87/+0,46%  |   HNX30   471,74   +3,77/+0,81%
25 Tháng Mười Một 2024 10:29:28 CH - Mở cửa
Doanh nghiệp lao đao vì Covid-19, Sửa Nghị định 20 đã đủ gỡ khó?
Nguồn tin: Người đồng hành | 10/03/2020 10:40:46 SA
Được ban hành vào 2017, qua 3 năm áp dụng, Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết bị đánh giá có nhiều bất cập. Doanh nghiệp bị tăng lợi nhuận ảo, dẫn đến phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cao hơn và lợi nhuận thật của doanh nghiệp bị giảm đáng kể, không ít doanh nghiệp bị lỗ nặng. Theo đó, hàng ngàn doanh nghiệp với chục ngàn tỷ đồng tiền thuế không thể quyết toán được vì phải chờ những động thái sửa đổi của Bộ Tài chính.
 
Chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng Nghị định 20 được sửa đổi chưa giải quyết được khó khăn cho doanh nghiệp.
 
Vì vậy, mới đây, Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết sau khi lấy ý kiến các bên liên quan.
 
Cụ thể, Bộ Tài chính xác định chi phí lãi vay thuần được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh công với chi phí lãi vay thuần và chi phí khấu hao. Như vậy, ngưỡng khống chế đã được nâng từ 20% lên 30% và khái niệm chi phí lãi vay được sửa thành chi phí lãi vay thuần (tổng chi phí lãi vay trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay).
 
Ngoài ra, Bộ Tài chính thêm đối tượng không áp dụng là công ty chứng khoán, doanh nghiệp đi vay thực hiện các dự án phúc lợi xã hội, khoản ODA, vay ưu đãi nước ngoài Chính phủ vay về cho doanh nghiệp vay (quy định cũ chỉ loại trừ tổ chức tín dụng và bảo hiểm). Nghị định có hiệu lực kể từ ngày ký và được áp dụng trong kỳ quyết toán thuế 2019.
 
Trao đổi với Người Đồng Hành, ông Phạm Ngọc Long, Giám đốc phụ trách mảng Dịch vụ tư vấn thuế quốc tế và giao dịch với các bên liên kết Công ty Tư vấn EY Việt Nam, cho biết việc nâng mức trần chi phí lãi vay thuần lên 30% dự kiến làm giảm 63% đến 65% số lượng doanh nghiệp bị loại chi phí lãi vay (giả định tính theo số liệu năm 2017 giảm từ 2.799 doanh nghiệp xuống còn 1.034 doanh nghiệp, năm 2018 giảm từ 3.080 doanh nghiệp xuống còn 1.093 doanh nghiệp).
 
Tuy vậy, sửa đổi đáng kể hỗ trợ các doanh nghiệp đó là thay đổi cách tính từ chi phí lãi vay sang thành chi phí lãi vay thuần. Sửa đổi này đã giảm bớt chi phí lãi vay không được trừ của nhiều doanh nghiệp nộp thuế có chức năng huy động vốn cho các công ty thành viên.
 
“Dự thảo sửa đổi lần này mới chỉ đưa ra tháo gỡ cho năm tài chính 2019 (hạn nộp quyết toán 31/3/2020) nhưng chưa giải quyết được các khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải đối với năm 2017-2018 cũng như xử lý đối với phần chi phí lãi vay vượt trần kể từ năm 2019. OECD đã đưa ra các khuyến nghị và thông lệ tốt, Chính phủ Việt Nam nên tham khảo để ban hành nghị định sửa đổi chính thức với nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp đặc biệt trong bối cảnh kinh tế gặp bất lợi do dịch bệnh Covid-19”, ông Long nhấn mạnh.
 
Là doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp từ Nghị định 20, ông Võ Trường Sơn, Tổng giám đốc Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG) nói với Người Đồng Hành rằng việc tăng tỷ lệ trần chi phí lãi vay thuần từ 20% lên 30% là tích cực nhưng vấn đề nằm ở chỗ giống như khi ban hành chưa thấy được thực tế doanh nghiệp áp dụng. Những công ty làm ăn tốt như Samsung lợi nhuận lớn thì con số 20% hay 30% lớn nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang khó khăn, đặc biệt là giai đoạn dịch bệnh hiện nay các lĩnh vực bất động sản, nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ thời gian tới không thể có được con số lợi nhuận lớn hoặc thậm chí lỗ.
 
“Lãi trước thuế và khấu hao (EBITDA) bằng không hoặc chỉ vài trăm triệu đồng trong khi chi phí lãi vay hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, nếu áp dụng Nghị định 20 thì tỷ lệ 20% hay 30% hoàn toàn không có ý nghĩa, doanh nghiệp đã lỗ còn phải đóng thuế, khó càng khó thêm”, ông Sơn cảm thán.
 
Doanh nghiệp kiến nghị để sửa đổi, bổ sung Nghị định 20 sao cho hài hòa thì cần nhìn thẳng vào vấn đề là chống chuyển giá. Các doanh nghiệp có công ty mẹ, công ty con cùng hoạt động tại Việt Nam thì không phải là đối tượng chống chuyển giá, các doanh nghiệp cho vay mượn qua lại giữa thành viên cũng nên được loại ra.
 
Như Hoàng Anh Giai Lai khi Nghị định 20 ban hành vào năm 2017, Kiểm toán Nhà nước vào kiểm tra số liệu 2017 và khuyến nghị Cục thuế Giai Lai truy thu, phạt công ty số tiền 106 tỷ đồng dù thực tế lỗ 465 tỷ đồng. Công ty gửi công văn kiến nghị cho Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Chính phủ, Tổng cục thuế và Cục thuế Gia Lai. Sau đó, Kiểm toán Nhà nước và Cục thuế Gia Lai cũng thấy vấn đề cần xem xét lại, hoãn việc kiến nghị truy thu và chờ sửa đổi Nghị định 20.
 
Do đó, ông Sơn cho rằng nếu Nghị định 20 không hồi tố trở về đúng thời điểm hiệu lực ban hành sẽ có tình huống bị rối và lại phải kiến nghị gây tốn kém nhiều chi phí cho doanh nghiệp.
 
“Tinh thần của việc sửa đổi cần làm theo hướng nào đó cho hợp lý. Trong tình trạng lưng lửng thế này thì doanh nghiệp lại kiến nghị, Chính phủ lại yêu cầu xem xét lần nữa. Quan điểm của Hoàng Anh Gia Lai là khi xác định đối tượng của Nghị định 20 là chuyển giá thì cứ tiến hành truy thu và không áp dụng tỷ lệ. Nếu không là đối tượng chuyển giá thì không áp dụng”, ông Sơn kết luận.
 
TS Nguyễn Trí Hiếu, Cố vấn HĐQT Ngân hàng Quốc Dân (NCB) nêu quan điểm Nghị định 20 áp dụng cho toàn bộ doanh nghiệp là rào cản rất lớn cho các công ty trong nước và khiến họ càng thêm khó khăn. Về dài hạn, cần xem xét thay đổi và chỉ nên áp dụng quy định này đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà không phải áp dụng chung cho tất cả doanh nghiệp.
 
Hiện là thời điểm rất khó khăn của các doanh nghiếp nói chung, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng không, du lịch, lữ hành... do ảnh hưởng dịch Covid-19 bùng phát làm giảm nhu cầu đi lại và tham quan, giải trí của người dân. Trước tình hình đó, Chính phủ nhanh chóng đưa ra gói tín dụng 250.000 tỷ đồng, gói tài khóa 30.000 tỷ và hàng loạt biện pháp khác để giúp doanh nghiệp vượt qua Covid-19.
 
Cụ thể, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... với khách hàng gặp khó khăn vì Covid-19. Trước hết, các ngân hàng đưa ra gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng cho giải pháp này.
 
Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19... báo cáo Thủ tướng trong tháng 3. Bộ này cũng được yêu cầu khẩn trương trình Chính phủ cơ chế miễn, giảm thuế, lệ phí, đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế và chi ngân sách nhà nước... ước tính khoảng 30.000 tỷ đồng để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.
 
Vì vậy, nhiều doanh nghiệp cũng hi vọng Bộ Tài chính nên sửa thông tư 20 theo thông lệ chung của thế giới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trụ vững qua giai đoạn khó khăn.
 
Thu Hằng
 

Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.