Chứng khoán MB (MBS) có báo cáo về tỷ giá VND/USD, đề cập đến ảnh hưởng của lạm phát. Báo cáo nhận định lạm phát Việt Nam và Mỹ luôn có chênh lệch trong các năm qua và phần lớn thời gian lạm phát của Việt Nam cao hơn của Mỹ.
Chênh lệch lạm phát giữa Việt Nam và Mỹ trong các năm trước dao động trong khoảng 0,6% đến 2,9%. Chênh lệch lạm phát thấp khiến áp lực mất giá của VND so với USD đã giảm đi đáng kể, từ năm 2014 đến đầu năm 2020.
Tuy nhiên, áp lực lạm phát của Việt Nam đã tăng lên từ các tháng cuối 2019 đến đầu năm 2020. CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2020 tăng 5,91% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Trong đó CPI tháng 2 tăng 1,06% so với tháng 12/2019 và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng của cả 2 chỉ số CPI vẫn tiếp tục cao nhất trong 7 năm qua.
MBS nhận định chênh lệch lạm phát của Mỹ và Việt Nam thời điểm hiện tại đã tăng lên khá cao là 3,1%(2,3% so với 5,4%). Mức này đang tạo nên kỳ vọng giảm giá của VND mạnh hơn so với bình thường, tạo áp lực tỷ giá VND/USD tăng lên.
Trong tháng 3 và tháng 4 tới dự kiến lạm phát tại Việt Nam sẽ hạ khi nhiều nhóm hàng hóa giảm giá bao gồm xăng dầu (giảm do giá thế giới giảm), thực phẩm giảm giá (do nguồn cung thịt lợn phục hồi trở lại), dịch vụ vui chơi ăn uống ngoài gia đình (do sức cầu thấp) do đó mức chênh lệch lạm phát giữa Việt Nam và Mỹ dự kiến sẽ thu hẹp, qua đó làm giảm áp lực lên VND.
Dù yếu tố lạm phát vẫn còn song, MBS đánh giá mức lạm phát tại Việt Nam có khả năng giảm về dưới 3,5% trong năm 2020. Dự kiến chênh lệch lạm phát giữa Việt Nam và Mỹ cuối năm 2020 sẽ giao động quanh mức 2%. Dựa trên lý thuyết ngang giá sức mua có thể dự đoán, VND sẽ chỉ mất giá khoảng 2%/năm so với đầu năm.
Lê Hải
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.