Dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường và có tác động sâu rộng đến cả nền kinh tế. Dù vậy, một số ngành nghề vẫn có kết quả quả kinh doanh khả quan khi chưa chịu tác động quá lớn, trong đó có các ngành thiết yếu như nước sạch.
Doanh thu công ty ngành nước tăng trưởng
Nhiều công ty kinh doanh trong ngành nước đã công bố kết quả kinh doanh quý đầu năm 2020 và hầu hết đều có sự tăng trưởng doanh thu so với cùng kỳ, nhờ giá bán và sản lượng tăng cao hơn.
Đơn vị: tỷ đồng.
Công ty Cấp nước Thủ Đức (HoSE:
TDW) ghi nhận doanh thu quý I tăng 21% lên 243 tỷ đồng do sản lượng nước tiêu thụ tăng 9,82% (tổng sản lượng 23,67 triệu m3) và giá bán nước sạch tăng theo quy định mới của thành phố. Riêng doanh thu từ cấp nước đã chiếm gần 242 tỷ đồng.
Trong khi đó tổng các chi phí tăng chậm hơn giúp doanh nghiệp có lợi nhuận trước thuế 13 tỷ đồng, tăng 83% so với cùng kỳ. Riêng lợi nhuận hoạt động kinh doanh cấp nước sạch tăng 92%.
Cấp nước Thủ Đức là đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco, sở hữu 51% vốn) được cổ phần hóa vào năm 2007. Công ty chủ yếu cấp nước sạch cho địa bàn Quận 2, Quận 9 và Quận Thủ Đức thuộc TP HCM. Sau thông tin lợi nhuân tăng mạnh, cổ phiếu
TDW trong phiên 17/4 đã tăng trần lên 23.400 đồng/cp, giá trị vốn hóa thị trường khoảng 200 tỷ đồng.
Cấp nước Bến Thành (HNX:
BTW) ghi nhận doanh thu quý đầu năm tăng 14% lên 129 tỷ đồng nhờ sản lượng bán tăng 121.781 m3 và đơn giá tăng 1.474 đồng/m3. Lợi nhuận gộp theo đó tăng 22% (8 tỷ đồng) lên 45 tỷ đồng.
Ngoài ra, do chưa được phép đào đường nên chi phí sửa chữa ống mục giảm và giúp chi phí bán hàng giảm 20% (3,5 tỷ đồng) so với cùng kỳ. Nhờ đó lợi nhuận sau thuế tăng 104% lên gần 21 tỷ đồng.
Cấp nước Bến Thành cũng là thành viên của Sawaco với tỷ lệ sở hữu trên 53%. Công ty hoạt động theo mô hình CTCP từ năm 2007, địa bàn cấp nước chủ yếu là quận 1 và quận 3, TP HCM. Với giá cổ phiếu 49.000 đồng/cp, công ty được định giá hơn 450 tỷ đồng.
Công ty Nước sạch số 2 Hà Nội (UPCoM:
NS2) thông báo doanh thu tăng 9% lên 107 tỷ đồng, riêng mảng nước sạch tăng 11% đạt 92 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế theo đó về 2,6 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ. Địa bàn kinh doanh thông qua 3 đơn vị bao gồm Xí nghiệp Nước sạch Gia Lâm, Long Biên và Đông Anh, đều tại Hà Nội.
Cấp nước Sóc Trăng (UPCoM:
STW) có doanh thu tăng 38% lên 47 tỷ đồng, riêng doanh thu nước đạt 44 tỷ đồng. Lợi nhuận chuyển từ lỗ 5 tỷ cùng kỳ sang có lãi 6,8 tỷ đồng trong quý I năm nay. Hiện công ty cấp nước tại Sóc Trăng thông qua 11 xí nghiệp nước sạch.
Viwasupco, TDM giảm lợi nhuận do khấu hao cao
Mặc dù hầu hết các đơn vị kinh doanh nước sạch đều có doanh thu tăng nhưng một số công ty lại giảm lợi nhuận do biến động của một số hoạt động ngoài kinh doanh chính.
Công ty Nước Thủ Dầu Một (HoSE:
TDM) dù có doanh thu tăng 11% lên 83 tỷ đồng nhưng lợi nhuận giảm 15% (5 tỷ đồng) xuống 30 tỷ. Nguyên nhân chủ yếu là do công ty điều chỉnh khung khấu hao theo quy định của Bộ Tài chính bắt đầu tư quý II khiến giá vốn tăng cao. Tính riêng chi phí khấu hao tài sản cố định là 25 tỷ đồng, so với mức trích 12 tỷ đồng của quý I/2019.
Hiện Nước Thủ Dầu Một chủ yếu sản xuất nước tại 2 nhà máy (Dĩ An và Bàu Bàng) và bán sỉ toàn bộ lượng nước cho công ty Nước – Môi trường Bình Dương (Biwase). Nước Thủ Dầu Một thường biết đến là đơn vị kinh doanh rất hiệu quả, biên lợi nhuận gộp trên 48% trong quý I dù đã trích khấu hao lớn.
Một đơn vị khác cũng kinh doanh hiệu quả cao là Đầu tư Nước sạch Sông Đà (Viwasupco, UPCoM:
VCW). Doanh thu quý I vẫn tăng 6% lên 116 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 45% còn hơn 27 tỷ đồng.
Lợi nhuận giảm theo công ty là hạng mục trạm điều tiết Tây Mỗ và đường ống truyền tải nước 6,4km hoàn thành khiến khấu hao và lãi vay tăng thêm 19 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn trích lập dự phòng giảm giá đầu tư dài hạn 10 tỷ đồng, khiến tổng chi phí tăng 54% so với cùng kỳ.
Dù đã khấu hao và dự phòng lớn, biên lợi nhuận gộp của Viwasupco vẫn đạt 47,3%, dù giảm so với con số 54,6% của cùng kỳ năm trước. Công ty hiện vận hành nhà máy nước mặt sông Đà công suất 300.000 m3/ngày, địa bàn cấp nước chủ yếu tại khu vực phía Tây Nam Hà Nội.
Công ty Hạ tầng Nước Sài Gòn (HoSE:
SII) có doanh thu tăng 20% lên 51 tỷ đồng, trong đó doanh thu cấp nước sạch là gần 49 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty bị thua lỗ 12,1 tỷ đồng so với mức lãi 3,5 tỷ đồng cùng kỳ, do không còn khoản hỗ trợ không hoàn lại 50 tỷ đồng từ thành phố như cùng kỳ năm 2019.
Hạ tầng Nước Sài Gòn có nhiều nhà máy mới vào hoạt động giai đoạn đầu hoặc đang được đầu tư như Củ Chi, An Khê đã khiến cho chi phí giá vốn và chi phí lãi vay tăng cao, là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp vẫn còn kinh doanh dưới giá vốn nhưng đang dần được cải thiện qua từng năm. Tuy nhiên, với việc không còn nhận được khoản hỗ trợ không hoàn lại từ TP HCM cho nhà máy Củ Chi, công ty dự kiến lỗ 122 tỷ từ dự án này dẫn đến cả năm 2020 sẽ lỗ gần 40 tỷ đồng.
Hạ tầng Nước Sài Gòn đang là công ty con của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (HoSE:
CII). Với thị giá 20.000 đồng, công ty ngành nước này được định giá khoảng 1.300 tỷ đồng.
Huy Lê