Sáng nay (29/5), CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (Bimico - HoSE:
KSB) tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2020. Trước khi diễn ra Đại hội, phóng viên Người Đồng Hành có cuộc trao đổi bên lề với ông Phan Tấn Đạt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc về một số nội dung quan trọng liên quan mỏ đá Tân Đông Hiệp và định hướng phát triển khu công nghiệp.
- Theo kế hoạch năm nay, mỏ đá Tân Đông Hiệp có thể không được gia hạn. Công ty có kế hoạch bù đắp sản lượng như thế nào?
Với năm 2020 – 2021, công ty đã chuẩn bị phương án dự trữ và tiêu thụ.
KSB đã tận dụng khai thác năm 2019 và năm nay cho tiêu thụ để bảo đảm sản lượng năm 2020 – 2021. Cùng với đó là đề án cải tạo đóng cửa mỏ, thu hồi một phần sản phẩm tận thu; gia tăng công suất khai thác, chế biến, tiêu thụ của các mỏ đá Phước Vĩnh, Tân Mỹ, Thăng Long. Đồng thời,
KSB sẽ xin đề án mở rộng mỏ Phước Vĩnh; tăng quy mô, xin giấy phép khai thác mỏ Tân Lập cùng mua lại một số mỏ đá khác trên thị trường.
Quy mô và sản lượng các mỏ đá của
KSB. Nguồn:
KSB
- Vậy sản lượng KSB dự trữ cho năm 2020 là bao nhiêu?
Sản lượng tồn kho dự trữ là 1,5 triệu m3, bằng khoảng 75% của năm 2019, tương đương 2,2 triệu tấn. Chúng tôi đánh giá số lượng này đảm bảo bù đắp cho năm 2020.
- Về giá bán sản phẩm đá sẽ ra sao, thưa ông, khi năm ngoái không tăng?
Giá bán năm ngoái không tăng do thị trường tiêu thụ chậm, sản lượng nơi khác ra nhiều, ngành xây dựng tăng trưởng âm. Vì thế, tiêu thụ hết tồn kho đã là thành công rồi. Năm nay, chúng tôi cho rằng đầu tư công tăng thì giá bán tăng, tuy nhiên mấy tháng đầu năm chưa có thay đổi nhiều, kỳ vọng vào 6 tháng cuối năm.
- Mỏ Tân Đông Hiệp sau khi hết thời gian khai thác sẽ được sử dụng ra sao?
Theo quy định của luật, hết thời gian khai thác, công ty phải hoàn trả lại Nhà nước sau khi hoàn nguyên. Tuy nhiên hiện nay, công ty đang có đề án đầu tư vào đó một khu thương mại dịch vụ, nhà ở, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất. Hiện nay,
KSB đang xin chủ trương của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chưa có đề án quy hoạch chi tiết.
- Có vẻ như các mỏ khác chưa thể bù đắp cho mỏ Tân Đông Hiệp?
Năm nay,
KSB đặt kế hoạch với doanh thu 1.476 tỷ đồng, lợi nhuận 320 tỷ đồng và không tăng trưởng nhiều về lợi nhuận. Về bản chất, với công suất đều đều như vậy thì sản lượng không tăng, trừ khi có thể nhanh chóng làm các mỏ mới, khai thác tăng công suất hoặc tăng giá bán. Chúng tôi tự tin hoàn thành kế hoạch năm nay.
- Với mảng khu công nghiệp, KSB kỳ vọng gì về khả năng hấp thụ và đóng góp vào kết quả chung của công ty trong năm nay?
- Mảng khu công nghiệp đã đóng góp khoảng 40% doanh thu, lợi nhuận năm 2019 và năm nay tiếp tục như vậy. Do việc dịch chuyển dòng vốn, không riêng gì Bình Dương mà cả Việt Nam, khu công nghiệp đều được hưởng lợi, nhà đầu tư có tăng lên. Khi nhu cầu tăng, khách hàng tăng thì giá bán cũng tăng.
- Công ty đang có khoản ủy thác đầu tư 1.300 tỷ vào một công ty vật liệu xây dựng để tìm hướng khai thác mỏ mới. Tuy nhiên năm 2019, khoản đầu tư chậm tiến độ hơn dự kiến nên khó bù đắp trong năm 2020. Công ty này có phải ở Đồng Nai?
Chúng tôi thực hiện ủy thác đầu tư vào một công ty vật liệu xây dựng khác. Thực ra nhà đầu tư có biết rồi, đang ủy thác nên chưa có thông tin chính thức. Chúng tôi sẽ tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu tại công ty này để có thể có thêm nhiều mỏ trữ lượng lớn.