Kế hoach lãi tăng 17%, cổ tức 16%
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 sáng ngày 15/6, bà Nguyễn Thị Xuân Liễu, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Kido (HoSE:
KDC) cho biết đại dịch Covid-19 khiến hành vi tiêu dùng thay đổi và sức mua giảm; chiến tranh thương mại khiến tỷ lệ hối đoái, lãi suất và tăng rủi ro trên thị trường qua đó tác động lên hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Việt Nam khống chế được dịch sớm nhưng vẫn bị ảnh hưởng lớn.
Với riêng Kido, lĩnh vực kinh doanh chính gồm ngành hàng dầu ăn là thực phẩm thiết yếu, lượng tiêu thụ dầu ăn ở Việt Nam mới 11,3 kg/người/năm thấp hơn mức khuyến nghị bởi WHO. Ngành hàng kem cũng có mức tiêu thụ thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á với 444 gram/người/năm và cơ cấu dân số trẻ trên 50% dưới 30 tuổi.
Nguồn: Kido
Năm 2020, Tập đoàn Kido đặt kế hoạch doanh thu thuần 8.234 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2019. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế 330 tỷ đồng, tăng 17%. Tỷ lệ cổ tức dự kiến 16%.
Ngành hàng khô (dầu ăn), Kido sẽ tăng cường tích hợp lợi thế về hệ thống kênh phân phối, chuỗi cung ứng; đa dạng hóa danh mục sản phẩm, tập trung phát triển các sản phẩm cốt lõi và cao cấp; gia tăng khả năng và mức đội tiếp cận người tiêu dùng.
Ngành hàng lạnh, doanh nghiệp phát triển các sản phẩm cao cấp và đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu càng cao của khách hàng, đặc biệt là giới trẻ. Mục tiêu của Kido không chỉ cung cấp sản phẩm kem, mở rộng thị trường ngành hàng lạnh tại Việt Nam mà còn bắt đầu hướng đến thâm nhập thị trường Đông Nam Á và châu Á.
Bên cạnh đó, tập đoàn vẫn xác định thực hiện M&A trong lĩnh vực có tiềm năng và chọn lọc, thực hiện gia công, hợp tác với đối tác trong năm 2020 để mở rộng hơn nữa.
Tái cấu trúc, hợp nhất tất cả các thành viên
Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc, nguồn tiền còn lại sau khi doanh nghiệp bán mảng bánh kẹo và chia cổ tức đặc biệt 200% cho cổ đông. Nguồn tiền còn lại Kido đã sử dụng để M&A phát triển lĩnh vực thực phẩm thiết yếu. Hiện nay là thời điểm vàng để thực hiện hợp nhất, sáp nhập các đơn vị thành viên về tập đoàn với mục tiêu tạo ra sức mạnh tổng thể, tinh gọn bộ máy, tiết kiệm chi phí vận hành, chi phí logistics và tăng tính thanh khoản của cổ phiếu. Theo đó, Kido sẽ thực hiện sáp nhập các đơn vị thành viên như Kido Foods, Tường An, Vocarimex, Kido Nhà Bè…
Bước đầu tiên trong quá trình hợp nhất, Kido thực hiện nhận sáp nhập Kido Foods. Tỷ lệ sáp nhập 1:1,3, 1 cổ phiếu KDF đổi 1,3 cổ phiếu
KDC. Với Tường An, tiến trình thực hiện bị vướng mắc phần vốn Nhà nước còn lại tại Vocarimex. Kido kỳ vọng sau khi nhà nước thoái vốn vào quý III có thể họp ĐHĐCĐ bất thường và triển khai.
Theo lộ trình sáp nhập KDF, tập đoàn dự kiến sau khi họp ĐHĐCĐ thông qua thì tháng 8 được UBCKNN chấp thuận phát hành cổ phiếu hoán đổi và mọi thủ tục được hoàn tất trong tháng 10.
Tham vọng lớn trong ngành bánh và ngành nước
Đi cùng với quá trình tái cấu trúc, Kido sẽ quay trở lại phát triển ngành bánh sau 5 năm và đẩy mạnh mảng nước qua liên doanh với Vinamilk. Như vậy, Kido sẽ có 4 ngành hành cốt lõi là dầu ăn, ngành hàng lạnh, ngành nước và ngành bánh (snacking).
Lãnh đạo Kido cho biết quy mô ngành snacking hiện nay đạt 54.200 tỷ đồng, sau 5 năm ngành bánh (snacking) đã có nhiều sự thay đổi, đặc biệt là quy mô quà biếu trong 2 dịp lễ lớn gồm Tết Trung Thu và Tết Nguyên Đán rất lớn; quy mô sản phẩm ăn chơi cũng rất lớn. Khi quay lại ngành cốt lõi này, Kido sẽ xây dựng thương hiệu Kingdom, dự kiến tung sản phẩm từ quý III và kỳ vọng sau 2 năm đứng vị trí thứ 2 sau Mondelez Kinh Đô.
Với ngành hàng nước, ông Mai Xuân Trầm, Phó Tổng giám đốc chia sẻ ngành hàng nước có quy mô 128.860 tỷ đồng nhưng còn sơ khai tại thị trường Việt Nam, dự kiến tăng bình quân mỗi năm 6,3% giai đoạn 2020-2023.
Ngành nước chia làm 6 nhóm gồm nước ngọt có ga, không ga, tăng lực, dinh dưỡng, thưởng thức và chức năng, trong đó quy mô lớn nhất là nước ngọt không ga (41%) và có xu hương tăng; nước có ga có xu hướng giảm và chiếm tỷ trọng 22%.
Nguồn: Kido
Kido sẽ phối hợp với Vinamilk để phát triển ngành hàng nước giải khát, thành lập liên doanh tên Công ty TNHH Liên doanh nước giải khát Vinamilk – Kido (Vibev, tỷ lệ tương ứng 51%-49%), tham vọng trở thành một thương hiệu của người Việt tương tự như Thaibev. Sản phẩm liên doanh hướng đến là nước ngọt không ga, nước ép và nước dinh dưỡng.
Ông Trầm kỳ vọng khi 2 đơn vị kết hợp sẽ khai thác được trên 1 triệu điểm bán, trong đó 600.000 điểm bán tạp hóa có các loại sữa, 450.000 điểm bán thực phẩm thiết yếu và 120.000 điểm bán ngành hàng lạnh; tận dụng năng lực sản xuất cũng như năng lực nghiên cứu, phát triển sản phẩm, logistics…; khai thác năng lực xuất khẩu của Vinamilk tại 30 quốc gia trên thế giới. Vào quý III, tập đoàn dự kiến tung ra thị trường sản phẩm đầu tiên.