Dịch bệnh bùng phát ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tết toàn cầu khiến nhiều doanh nghiệp thận trọng hơn, hạn chế đầu tư mới, chỉ giải ngân những trường hợp thật cần thiết, giãn và hoãn các kế hoạch đầu tư mở rộng. Theo đó, nhiều doanh nghiệp gia tăng đáng kể lượng tiền, tương đương tiền và khoản đầu tư tài chính ngắn hạn (tiền gửi, trái phiếu, chứng khoán kinh doanh).
Theo thống kê của FiinPro, xét trên 830 doanh nghiệp đã công bố BCTC quý II (loại trừ doanh nghiệp đặc thù như ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán), lượng tiền, tương đương tiền và khoản đầu tư tài chính ngắn hạn đạt hơn 500.000 tỷ đồng, tăng thêm 20.800 tỷ đồng so với đầu năm. Tỷ trọng các khoản mục này ở mức 13% trên tổng tài sản, tăng so với mức 12,5% thời điểm đầu năm.
Đơn vị: tỷ đồng
Trong đó, Tập đoàn Hòa Phát (HoSE:
HPG) là đơn vị tích thêm nhiều tài sản có tính thanh khoản cao này nhất, tỷ trọng trên tổng tài sản tăng từ 5,8% thời điểm đầu năm lên 10,6% tính đến cuối quý II.
Cụ thể, Hòa Phát tăng lượng tiền và tương đương tiền từ 4.565 tỷ đồng lên 7.480 tỷ đồng, chủ yếu tăng tương đương tiền từ 2.867 tỷ đồng lên 5.063 tỷ đồng. Đồng thời, doanh nghiệp cũng gấp 3,4 lần khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (tiền gửi có kỳ hạn) lên 4.668 tỷ đồng.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng tăng thêm đáng kể nợ vay 5.986 tỷ đồng, tổng nợ vay tại thời điểm 30/6 lên đến 42.665 tỷ đồng, chiếm 38% tổng nguồn vốn.
Theo BCTC quý II, Công ty Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (UPCoM:
VEF) tăng mạnh quy mô tổng tài sản từ 1.863 tỷ đồng lên 6.797 tỷ đồng; trong đó đến 72% (4.900 tỷ đồng) là tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 1 tháng hưởng lãi suất từ 4,2% đến 4,25% (tương đương tiền), tăng mạnh so với con số 11 tỷ đồng thời điểm đầu năm.
Khoản tiền 4.900 tỷ đồng này do Tập đoàn Vingroup (HoSE:
VIC) ứng trước nhằm mục đích góp vốn theo phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ cho
VEF. Công ty con của Vingroup vừa mới công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ bất thường 2020, dự kiến HĐQT trình cổ đông phương án đầu tư 4 dự án tổng quy mô 78.700 tỷ đồng tại Giảng Võ, Đông Anh và Nam Đại lộ Thăng Long. Trong đó, một dự án là Trung tâm hội chợ triễn lãm quốc gia và 3 dự án bất động sản nhà ở, khu đô thị.
Ngoài ra, Vinhomes (HoSE:
VHM), Thế Giới Di Động (HoSE:
MWG), PV
GAS (HoSE:
GAS) cũng dự trữ thêm trên 4.000 tỷ đồng loại hình tài sản có tính thanh khoản cao.
Nửa đầu năm, Đầu tư Thế Giới Di Động đã giải phóng lượng lớn hàng tồn kho từ 25.745 tỷ đồng xuống 17.919 tỷ đồng. Mặc dù giải phóng hàng tồn nhưng khoản phải thu của công ty lại giảm chứ không tăng và lượng tiền tăng lên đáng kể. Tính đến cuối quý II, tiền gửi ngân hàng và trái phiếu kỳ hạn 3 tháng đến 1 năm hưởng lãi suất từ 6,7% đến 8,4% gấp 2,8 lần đầu năm lên 8.712 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 22,7% tổng tài sản.
Cùng với đó, chủ sở hữu chuỗi Bách Hóa Xanh cũng giảm mạnh vay nợ ngắn hạn từ 13.031 tỷ đầu năm xuống 10.495 tỷ đồng, nợ dài hạn duy trì quanh 1.123 tỷ đồng.
Vinamilk (HoSE:
VNM) với sự thận trọng vốn có trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã hoãn hoặc giãn các dự án đầu tư tài sản cố định trong nửa đầu năm để đảm bảo khả năng thanh khoản và an toàn tài chính. Tính đến cuối quý II, doanh nghiệp sữa có 16.362 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn, tăng thêm gần 4.000 tỷ đồng so với đầu năm, trong khi duy trì 2.044 tỷ đồng tiền mặt.
Doanh nghiệp tăng tích trữ tiền. Đơn vị: tỷ đồng
Xét về giá trị tuyệt đối, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (UPCoM:
ACV) vẫn dẫn đầu toàn thị trường khi có 33.368 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng và 458 tỷ đồng tiền, tương đương tiền; tăng thêm 2.554 tỷ đồng so với đầu năm. Nhờ khoản tiền gửi lớn này mà nửa đầu năm doanh nghiệp thu về 1.115 tỷ đồng doanh thu tài chính góp phần giúp lãi ròng đạt 1.194 tỷ đồng, giảm 68% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi hoạt động kinh doanh chính cung cấp dịch vụ hàng không, phi hàng không (thuê mặt bằng, quảng cáo…) đều giảm nguồn thu nghiêm trọng.
Đứng thứ 2 là Tổng công ty khí Việt Nam (HoSE:
GAS) với 33.641 tỷ đồng tiền và tiền gửi. Mặc dù hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng kép của dịch bệnh Covid-19 và cuộc chiến giá dầu nhưng doanh nghiệp vẫn ghi nhận 4.047 tỷ đồng lãi ròng trong nửa đầu năm, giảm 33% so với cùng kỳ năm trước. Điều này giúp
GAS tích lũy thêm được 4.250 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng trong khi các khoản mục khác như hàng tồn kho, khoản phải thu hay tài sản cố định không thay đổi đáng kể.
Đơn vị: tỷ đồng
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và mức độ ảnh hưởng khó lường thì việc doanh nghiệp tích lũy được nguồn tiền lớn sẽ đảm bảo được tính thanh khoản cũng như duy trì hoạt động kinh doanh. Nhiều hãng bán lẻ hay hàng không trên thế giới Modell’s Sprorting Goods, True Religion, Roots USA, Aeromexico, Thai Airways… đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản khi doanh thu đột ngột giảm trầm trọng, lỗ lớn và mất thanh khoản.