• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.252,56 -7,19/-0,57%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.252,56   -7,19/-0,57%  |   HNX-INDEX   226,88   -0,61/-0,27%  |   UPCOM-INDEX   92,15   -0,17/-0,18%  |   VN30   1.317,34   -9,31/-0,70%  |   HNX30   488,57   -1,41/-0,29%
09 Tháng Mười Một 2024 9:44:11 SA - Mở cửa
Thị trường nông sản tuần qua: Giá nhiều nông sản tiếp tục tăng nhẹ
Nguồn tin: VietnamPlus | 16/08/2020 7:30:02 CH
Tuần qua (từ ngày 10-15/8), giá lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng tăng nhẹ; cùng với đó, giá càphê, tiêu cũng duy trì được xu hướng tăng nhẹ từ tuần trước.
 
Thị trường nông sản trong nước:
 
Giá lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục theo hướng tăng nhẹ so với tuần trước, khi lúa Hè Thu 2020 sắp thu hoạch hết.
 
Theo một thương lái đang thu mua lúa tại các huyện Tân Hồng và Hồng Ngự ở tỉnh Đồng Tháp cho biết mặt hàng "nóng" và tăng giá mạnh nhất vào thời điểm này là lúa IR504 bán tại ruộng.
 
Tuần trước, dao động từ 5.500-5.600 đồng/kg trong tuần này đã nhích lên 5.700 đồng/kg; còn lúa khô IR504 vụ Đông Xuân được các chủ vựa bán lại là 7.500 đồng/kg.
 
Trong khi đó, các loại lúa thơm như OM5451 giá 5.800 đồng/kg, Jasmine 85 giá 6.500 đồng/kg (lúa tươi)... So với 10 ngày trước, giá này đã tăng khoảng 500 đồng/kg. 
 
Một chủ vựa lúa ở Cần Thơ chia sẻ cách đây 10 ngày, ông vừa bán 250 tấn lúa Jasmine 85 trữ từ vụ Đông Xuân 2019-2020 với giá 7.500 đồng/kg, tính ra đã có lãi 1.000 đồng/kg so với lúc mua vào. Đến nay, khi giá lúa Jasmine đã lên đến 8.200 đồng/kg, nếu ai còn lúa trữ sẽ có lãi cao hơn. 
 
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang, giá lúa tươi thường ở nơi đây dao động từ 5.600-5.800 đồng/kg, tăng khoảng 100 đồng/kg so với tuần trước; trong khi đó, lúa Jasmine vẫn giữ ổn định từ 5.800-6.000 đồng/kg, lúa OM từ 5.650-6.000 đồng/kg.
 
Như vậy, nhìn chung các loại lúa đều có giá ổn định so với tuần trước, trừ lúa thường tăng 100 đồng/kg so với tuần trước.
 
Về giá gạo vẫn ổn định so với tuần trước. Giá gạo thường ở mức 10.800-11.500 đồng/kg, gạo thơm Jasmine 14.500-15.500 đồng/kg, gạo Nhật 22.500 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 15.500 đồng/kg…
 
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), từ giữa tháng Bảy vừa qua giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng và đến nay đã vượt qua giá gạo cùng chủng loại của nhiều nước, vượt Thái Lan để vươn lên dẫn đầu thế giới.
 
Giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam duy trì ổn định ở mức 483-487 USD/tấn, cao hơn gạo cùng loại của Thái Lan 20 USD/tấn, Pakistan 70 USD/tấn và cao hơn gạo Ấn Độ 115 USD/tấn.
 
Theo các doanh nghiệp, nguồn cung hạn hẹp trong thời gian qua đã khiến giá gạo Việt Nam tăng lên mức cao nhất trong hơn 8 năm.
 
Theo các doanh nghiệp, giá gạo 5% tấm của Việt Nam trên thị trường thế giới vượt qua gạo Thái Lan do đồng baht Thái tiếp tục tăng giá so với đồng USD khiến hoạt động xuất khẩu của Thái Lan bị thiệt thòi. Thêm vào đó, loại gạo 5% tấm hiện nay trên thị trường cũng đã hết, vụ Hè Thu ít người trồng loại này nên cung không đủ cầu khiến giá tăng mạnh.
 
Về càphê, theo Diễn đàn của người làm càphê, mặt hàng này tiếp tục tăng giá nhẹ ở một số địa phương. Giá càphê nhân xô tại thị trường Tây nguyên cuối tuần này đã tăng khoảng 200 đồng/kg so với cuối tuần trước, dao động trong khung 32.900-33.300 đồng/kg.
 
Tại cảng Thành phố Hồ Chí Minh, giá càphê robusta xuất khẩu loại 2,5% đen vỡ, đứng ở 1.504 USD/tấn, với mức chênh lệch cộng 100-120 USD/tấn theo giá kỳ hạn tháng 11 tới tại London.
 
Việt Nam là nước sản xuất càphê robusta hàng đầu thế giới. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng Bảy vừa qua, Việt Nam xuất khẩu được 110.030 tấn càphê, thu về 196,64 triệu USD, giảm 13,8% về lượng và giảm 9,7% về trị giá so với tháng Sáu vừa qua.
 
Lũy kế 7 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu 1,05 triệu tấn càphê, đạt 1,79 tỷ USD, giảm 1,1% về lượng và giảm 1,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Cùng với càphê, tiêu cũng tiếp tục duy trì được đà tăng giá trở lại của tuần trước. Theo Tin Tây Nguyên, giá tiêu ngày 15/8 tại khu vực trọng điểm Tây Nguyên và miền Nam giao dịch quanh mức 47.000-49.500 đồng/kg, tăng  1.000 đồng/kg so với cuối tuần trước. Giá tiêu cao nhất ở Bà Rịa-Vũng Tàu với mức 49.500 đồng/kg và thấp nhất ở Đồng Nai là 47.000 đồng/kg. 
 
Theo nhận định của một số chuyên gia, giá tiêu liên tục giảm xuống trong thời gian qua và đã mất mốc 50.000 đồng/kg tại tất cả các vùng trồng trọng điểm. Tuy đã mất mốc 50.000 đồng/kg, nhưng nhiều khả năng giá tiêu sẽ không giảm xuống thấp, bởi với giá như hiện nay, người ta sẽ không bán tiêu ra nữa.
 
Tại Đồng Nai, theo một số doanh nghiệp xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của địa phương này vẫn tăng trưởng tốt trong khi cả nước sụt giảm. Nguyên nhân do Đồng Nai thu hút nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành kinh doanh, chế biến, xuất khẩu hồ tiêu. 
 
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, chế biến hồ tiêu tập trung vào Đồng Nai còn do trong giai đoạn thị trường hồ tiêu gặp khó khăn, nhiều tỉnh, thành giảm mạnh diện tích cây trồng này Đồng Nai vẫn giữ được diện tích và sản lượng lớn. Hiện nay toàn tỉnh vẫn còn hơn 16.000ha hồ tiêu.
 
Thị trường nông sản thế giới:
 
Tại thị trường nông sản Mỹ: trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT), Mỹ, giá các loại nông sản giao kỳ hạn đi ngược chiều nhau trong phiên ngày 14/8 vừa qua, trong đó giá ngô và đậu tương giảm, còn giá lúa mỳ tăng.
 
Ảnh minh họa. (Nguồn: world-grain.com)
 
Giá ngô giao tháng 12 tới giảm 0,75 xu Mỹ (0,22%) xuống đóng cửa ở mức 3,38 USD/bushel. Giá đậu tương giao tháng 11 tới giảm 0,75 xu Mỹ (0,08%) xuống 8,9875 USD/bushel.
 
Còn giá lúa mỳ giao tháng Chín tới tăng 3,25 xu Mỹ (0,65%) lên 5 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
 
Các nhà giao dịch trên sàn CBOT ước tính các quỹ đã mua 3.200 hợp đồng ngô, 4.100 hợp đồng lúa mỳ và 1.400 hợp đồng đậu tương.
 
Công ty tư vấn AgResource có trụ sở tại Chicago lưu ý rằng các thương nhân vẫn chưa rõ về mức độ thiệt hại đối với vụ ngô ở bang Iowa do gió mạnh quét qua đây hôm đầu tuần 10/8 vừa qua khiến một số diện tích trồng ngô bị ảnh hưởng.
 
Giá lúa mỳ giao kỳ hạn phục hồi nhờ hy vọng rằng Trung Quốc sẽ đặt mua lúa mỳ Mỹ. Tuy nhiên, AgResource cho biết giá lúa mỳ FOB tại Biển Đen đang giảm do vụ thu hoạch lớn ở Bắc Bán cầu.
 
Australia dự kiến sẽ thu hoạch từ 27 đến 30 triệu tấn lúa mỳ từ tháng 11 tới đến đầu năm 2021. Vụ thu hoạch lúa mỳ của Canada cũng sẽ khá lớn và có khả năng ghi nhận mức cao kỷ lục.
 
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thông báo khoảng 1.260.000 tấn đậu tương đã được xuất khẩu sang Trung Quốc. Cơ quan này ước tính Trung Quốc đã đặt mua 1,5-1,6 triệu tấn đậu tương trong tuần này.
 
Dự báo thời tiết cho thấy nhiệt độ ấm hơn sẽ trở lại vào tuần tới và độ ẩm trong không khí cao hơn sẽ kéo theo mưa dông trong tuần cuối cùng của tháng Tám này.
 
Tại thị trường gạo châu Á: giá gạo xuất khẩu Việt Nam đã leo lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2011 trong tuần này giữa bối cảnh nguồn cung vẫn bị hạn chế do những biện pháp hạn chế được áp đặt để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan tại các trung tâm gạo lớn trong đó có Ấn Độ và Thái Lan.
 
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam trong ngày 13/8 vừa qua đã tăng lên 480-490 USD/tấn so với mức 470 USD/tấn trong tuần trước.
 
Một nhà giao dịch tại tỉnh An Giang, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cho hay vụ thu hoạch Hè Thu đã kết thúc và các nhà giao dịch không thể mua thóc từ Campuchia gần đây do đường biên giới với nước này vẫn đang tạm đóng.
 
Trước đây, các nhà giao dịch trong nước thường mua khoảng 1.000 tấn gạo từ Campuchia mỗi ngày.
 
Gạo Thái Lan. (Ảnh: AFP)
 
Số liệu sơ bộ cho thấy khoảng 161.050 tấn gạo đã được vận chuyển tại cảng Thành phố Hồ Chí Minh trong tháng Tám này, hầu hết trong số đó được chuyến tới châu Phi và Cuba. Tuy nhiên, các thương nhân khác cho biết không có hợp đồng xuất khẩu mới nào được ký gần đây vì gạo Việt Nam hiện đắt so với các đối thủ cạnh tranh.
 
Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được giao dịch ở mức 382-387 USD/tấn trong tuần này, tăng so với mức 380-385 USD/tấn trong tuần trước.
 
Một nhà xuất khẩu tại Kakinada thuộc bang miền nam Andhra Pradesh của Ấn Độ cho hay hầu hết các nhà máy xay xát gạo đang hoạt động với công suất thấp do thiếu hụt lao động. Do nguồn cung bị hạn chế để xuất khẩu, các thương nhân đang nâng giá bán gạo.
 
Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm đã tăng lên 465-500 USD/tấn so với mức 463-485 USD/tấn của tuần trước do đồng baht mạnh lên. Một nhà giao dịch gạo Thái cho hay lo ngại về vấn đề nguồn cung đã giữ giá gạo ở mức cao.
 
 Về thị trường cà phê thế giới: giá cà phê thế giới đi ngược chiều nhau trong phiên ngày 14/8 vừa qua, trong đó giá càphê Robusta giao dịch ở mức cao của 8 tháng. Những dấu hiệu về nguồn cung cà phê hạn chế đã giúp hỗ trợ giá mặt hàng này.
 
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta giao tháng Chín tới trên sàn ICE Europe-London tăng thêm 3 USD, lên 1.445 USD/tấn. Trong khi đó, giá càphê Arabica giao cùng kỳ hạn trên sàn ICE US-New York giảm 1,5 xu Mỹ xuống 114,7 xu Mỹ/pound.
 
CeCafe ngày 12/8 vừa qua báo cáo xuất khẩu càphê xanh tháng Bảy vừa qua của Brazil đã giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 2,7 triệu bao.
 
Nguồn cung cà phê tiếp tục thắt chặt giữa bối cảnh lượng càphê Arabica dự trữ do ICE giám sát đã giảm xuống mức thấp của 39 tháng là 1,392 triệu bao hôm 13/8 và lượng càphê Robusta dự trữ đã giảm xuống mức thấp của một năm rưỡi hôm 14/8 vừa qua.
 
Cơ quan Dịch vụ Nông nghiệp Nước ngoài (FAS) của USDA vào ngày 10/6 vừa qua dự báo sản lượng càphê niên vụ 2020/21 của Việt Nam sẽ giảm 3,5% so với cùng kỳ xuống 30,2 triệu bao. Việt Nam là nước sản xuất càphê Robusta lớn nhất thế giới.
 
Bên cạnh đó, giới đầu cơ đang trông ngóng vào cuộc gặp gỡ cuối tuần nhằm đánh giá lại Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc, tuy không kỳ vọng gì nhiều./.