Động thái giảm lãi suất đã làm đà tăng tiền gửi khách hàng tại các ngân hàng chững lại, trong bối cảnh nhu cầu huy động vốn không cao khi đầu ra tín dụng vẫn yếu.
Thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy trong tháng 7/2020, lượng tiền gửi khách hàng tại các tổ chức tín dụng chỉ tăng gần 9.400 tỷ đồng; trong đó, tiền gửi của dân cư tăng gần 4.900 tỷ đồng, còn lại khoảng 4.500 tỷ đồng là đến từ các tổ chức kinh tế.
Hai tháng trước đó, mức tăng tiền gửi khách hàng là rất mạnh. Cụ thể, tháng 6/2020, mức tăng lên đến gần 214.000 tỷ đồng; trong đó khoảng 53.000 tỷ đồng là đến từ dân cư, còn lại khoảng 161.000 tỷ đồng là đến từ các tổ chức kinh tế.
Trong khi đó, tháng 5/2020, mức tăng tiền gửi khách hàng là trên 197.000 tỷ đồng; trong đó khoảng 31.000 tỷ đồng là đến từ dân cư, còn lại khoảng 166.000 tỷ đồng là đến từ các tổ chức kinh tế.
Như vậy, lượng tiền gửi khách hàng tại các tổ chức tín dụng đã chững lại rõ rệt.
Điều này có liên quan mật thiết đến động thái giảm lãi suất liên tục trong những tháng gần đây của các ngân hàng. Ở nhiều kỳ hạn ngắn, mức lãi suất hiện nay thậm chí còn thấp hơn cả lạm phát kỳ vọng (khoảng 3,5-4%). Lãi suất quá thấp khiến người gửi tiền ngày càng kém mặn mà với hình thức đầu tư này.
Số liệu tiền gửi khách hàng tại các tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 7/2020. Nguồn: Ngân hàng Nhà nước
Đối với các ngân hàng, việc giảm lãi suất để hạn chế dòng tiền chảy vào kênh ngân hàng là phù hợp với bối cảnh tín dụng đầu ra tăng trưởng yếu.
Cụ thể, tính đến cuối tháng 7/2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 4,05% so với đầu năm, trong khi mức tăng tiền gửi khách hàng (từ các tổ chức kinh tế và dân cư) là 4,85%.
Xét về số tuyệt đối, tổng lượng tiền gửi khách hàng tại các tổ chức tín dụng là trên 9,2 triệu tỷ đồng, so với mức dư nợ tín dụng 8,5 triệu tỷ đồng.
Như vậy, tiền gửi khách hàng lớn hơn dư nợ tín dụng xét cả về số tương đối lẫn số tương đối. Khoảng cách này càng lớn thì lợi nhuận ngân hàng càng bị ảnh hưởng tiêu cực, bởi xu hướng tăng chi phí huy động càng lấn át xu hướng tăng doanh thu tín dụng.
Do đó, nhiều khả năng các ngân hàng sẽ tiếp tục giảm lãi suất huy động nếu như đầu ra tín dụng vẫn yếu.
Tình hình dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tính đến cuối tháng 7/2020. Nguồn: Ngân hàng Nhà nước
Liên quan đến dư nợ tín dụng, mức tăng 7 tháng mặc dù thấp nhưng khá đồng đều ở cả khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.
Ở khu vực nông nghiệp, dư nợ tín dụng nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,06%. Trong khi đó, ở khu vực công nghiệp, dư nợ tín dụng công nghiệp và xây dựng tăng 3,97%. Ở khu vực dịch vụ, dư nợ tín dụng thương mại, vận tải và viễn thông tăng 3,94%; trong khi các hoạt động dịch vụ khác tăng 4,42%.