Quý III, tỷ suất sinh lời của VEIL âm 4%.
Tính từ đầu năm, quỹ đạt hiệu suất 38,07%, vẫn cao hơn mức tăng VN-Index.
VHM thay thế VIC đứng vị trí thứ 5 khoản đầu tư có giá trị nhất danh mục.
Trong quý III, danh mục đầu tư của quỹ thành viên Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL) của Dragon Capital có một số biến động đáng chú ý.
Cổ phiếu
VIC của Vingroup tụt hai hạng trong top 10 khoản đầu tư lớn nhất do tỷ trọng giảm từ 7,2% xuống 5,64%, tương đương giá trị đầu tư là 138,33 triệu USD vào cuối tháng 9. Nguyên nhân đến từ việc VEIL bán hơn 4,4 triệu cổ phiếu
VIC trong quý III, cộng thêm thị giá mã này cũng giảm 17%.
Trong khi đó, quỹ thành viên của Dragon Capital mua vào hơn 11 triệu cổ phiếu của doanh nghiệp họ “Vin” khác là Vinhomes. Theo đó, tỷ trọng đầu tư
VHM leo hai bậc lên vị trí thứ 5 thay thế cho
VIC dù giá giảm 12% trong quý III.
Ngoài cổ phiếu của Vingroup, quỹ ngoại cũng bán hơn 9,6 triệu cổ phần
HPG, khiến giá trị đầu tư giảm từ gần 375 triệu USD về còn hơn 357 triệu USD. VEIL còn bán hơn 5 triệu cổ phiếu
MWG, song giá mã này tăng 27% nên tỷ trọng tăng từ gần 8% lên gần 9,5%, ứng với hơn 232,7 triệu USD.
Do giá các cổ phiếu tài chính trong danh mục quỹ đều giảm trong quý III, nên tỷ trọng đầu tư của hầu hết mã ngân hàng tại cuối tháng 9 đều thấp hơn so với đầu tháng 7. Riêng Techcombank là cổ phiếu tài chính duy nhất có tỷ trọng tăng từ 3,82% lên 3,93% do VEIL mua vào hơn 2 triệu cổ phiếu
TCB.
Tại thời điểm cuối quý III, top 3 khoản đầu tư lớn nhất của quỹ chưa có sự thay đổi. Trong đó,
HPG chiếm tỷ trọng cao nhất với 14,56%, theo sau là
VPB (11,72%) và
ACB (9,53%).
Tính từ đầu năm, hiệu suất đầu tư của quỹ ngoại đạt 38,07%, cao hơn mức tăng trong cả năm ngoái là 22,78%. Tỷ suất sinh lời này cũng cao hơn mức tăng của VN-Index là 24,46%. Tuy nhiên, tính riêng hiệu suất quỹ trong quý III thì con số là âm 4%.
Một điểm đáng chú ý khác của quỹ trong 3 tháng vừa qua là diễn biến tỷ trọng tiền mặt. VEIL thường duy trì tỷ trọng tiền mặt ở mức thấp, dưới 5% giá trị tài sản ròng trong năm gần nhất. Tuy nhiên, tại ngày 29/7, tỷ trọng tiền mặt lên đến 5,56%, tương đương 130 triệu USD. Đây cũng là mức cao nhất trong một năm qua. Theo đó, quỹ đã bán ròng khoảng 90 triệu USD (khoảng 2.060 tỷ đồng) trong tháng 7.
Đáng nói, động thái giảm tỷ trọng tiền mặt diễn ra trong thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam điều chỉnh giảm sâu. Hiện quỹ đã quay lại giải ngân với tỷ lệ tiền mặt ở mức thấp 0,57%, tương đương 14 triệu USD.