SSI Research cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đạt được trạng thái cân bằng ở mức định giá (16,05 lần năm 2021 và 12,87 lần năm 2022).
Về vận động kỹ thuật, VN-Index vẫn đang trong giai đoạn giằng co và đi ngang trong kênh giá 1.320 – 1.360.
Báo cáo chiến lược thị trường tháng 10 của Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Reseach) cho thấy, số liệu kinh tế vĩ mô trong quý III ghi nhận mức tác động nặng nề của giãn cách xã hội lên tất cả các hoạt động của nền kinh tế. Làn sóng Covid lần thứ 4 kéo dài hơn dự kiến đã khiến cho triển vọng kinh tế và các doanh nghiệp niêm yết thay đổi. Cụ thể SSI Research kỳ vọng lãi suất sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp trong một khoảng thời gian dài hơn để hỗ trợ cho phục hồi kinh tế. Ngay trong tháng 9, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng trung bình của các ngân hàng tiếp tục giảm. Bên cạnh đó, nợ xấu của ngành ngân hàng được cho là sẽ tăng cao hơn dự kiến và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng lợi nhuận của nhóm ngành này: Theo NHNN, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm nay dự kiến sẽ ở mức từ 7,1% - 7,7%.
Diễn biến gần như đi ngang của thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 8 và tháng 9 phù hợp bối cảnh vĩ mô và không cho thấy sự phản ứng quá đà. Tâm lý thị trường cho thấy sự ổn định nhờ các số liệu vĩ mô được hấp thụ dần theo tháng và cũng không nằm ngoài dự đoán. Điểm tích cực là dòng tiền vẫn duy trì tốt trên thị trường khi trú ẩn ở nhóm vốn hóa thấp và một số ngành dự kiến có kết quả kinh doanh tích cực trong quý III trong khi chờ đợi xu hướng sắp tới. SSI Reseach cho rằng triển vọng tăng trưởng lợi nhuận chậm lại trong quý III do tác động từ giãn cách đã được chiết khấu phần lớn vào diễn biến giá trong 2 tháng gần đây.
Trong khi triển vọng lợi nhuận các ngành liên quan đến cầu tiêu dùng nội địa như bán lẻ, bia, ô tô/xe máy, dầu khí và ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng khá nhiều từ đợt giãn cách. Một số ngành lại được hưởng lợi từ giá hàng hóa đã có mức tăng mạnh kể từ đầu năm như sắt thép, đường, phân bón, hóa chất. Vận tải container và một số ngành liên quan đến xuất khẩu cũng dự kiến có triển vọng kết quả kinh doanh khả quan.
Về vận động kỹ thuật, VN-Index vẫn đang trong giai đoạn giằng co và đi ngang trong kênh giá 1.320 – 1.360. Xu hướng đi ngang của chỉ số sẽ kết thúc khi xảy ra một trong hai kịch bản. Kịch bản thứ nhất là xu hướng tăng ngắn hạn của VN-Index sẽ được xác nhận khi chinh phục thành công kháng cự 1.360 điểm với khối lượng tích cực. Kịch bản thứ 2 là rủi ro điều chỉnh ngắn hạn sẽ quay trở lại với VN-Index nếu kết thúc giai đoạn tích lũy bằng một cây nến giảm điểm, phá vỡ hỗ trợ 1.320 đi cùng thanh khoản gia tăng.
Hệ số định giá P/E năm 2021 và 2022 của chỉ số VN-Index hiện đang ở mức 16,05 lần và 12,87 lần vào ngày 5/10, cho thấy khả năng tăng duy trì trong dài hạn. Dù còn nhiều khó khăn trong quá trình hồi phục kinh tế, tuy nhiên với các tín hiệu khả quan từ quá trình kiểm soát dịch bệnh và chiến lược mở cửa dần dần nền kinh tế được định hướng rõ ràng từ Chính phủ, SSI Research cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đạt được trạng thái cân bằng ở mức định giá này và sớm thoát khỏi giai đoạn đi ngang nếu nền kinh tế phục hồi thuận lợi.