HNX cho biết đang nghiên cứu để phát triển đa dạng hóa các sản phẩm, không chỉ tiếp tục phát triển các sản phẩm phái sinh dựa trên chỉ số, mà còn phát triển cả các sản phẩm phái sinh dựa trên các cổ phiếu đơn lẻ. Ngoài ra, sở cũng sẽ nghiên cứu triển khai tổ chức thị trường phái sinh trên hàng hóa.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), tiền thân là Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, chính thức khai trương hoạt động vào ngày 8/3/2005, muộn hơn 5 năm so với thời điểm khai trương hoạt động của Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM và 9 năm sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) được thành lập.
HNX khởi đầu với hoạt động đấu giá cổ phần, phục vụ cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, sau đó là các thị trường giao dịch cho từng loại hàng hoá điển hình của thị trường chứng khoán (TTCK) được lần lượt khai trương và đưa vào vận hành, đó là thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) rồi tới TTCK phái sinh. Hiện HNX đang hoạt động theo mô hình 1 Sở 3 thị trường.
Chia sẻ nhân kỷ niệm 25 năm ngành chứng khoán Việt Nam, đại diện HNX cho biết cùng với việc thúc đẩy các giải pháp tăng thanh khoản thị trường cổ phiếu, HNX cũng đang nghiên cứu thiết lập thị trường vốn cổ phần dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-ups), các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
HNX đang nghiên cứu các sản phẩm phái sinh dựa trên cổ phiếu đơn lẻ
Đặc biệt, HNX sẽ phát triển thị trường trái phiếu trở thành kênh huy động vốn chủ yếu cho ngân sách Nhà nước, góp phần huy động vốn cho phát triển kinh tế của đất nước. HNX sẽ tập trung hoàn thiện tổ chức thị trường trái phiếu bao gồm cả thị trường TPCP và trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), tăng cường thanh khoản cho thị trường giao dịch thứ cấp, để hỗ trợ cho hoạt động phát hành trên thị trường sơ cấp.
"Để thực hiện được mục tiêu đó, HNX sẽ tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ hiện đại, có độ mở cao, có thể kết nối được với hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) của các thị trường quốc tế. Cùng với đó, HNX sẽ tiếp tục phát triển đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường TPCP, triển khai các sản phẩm phòng ngừa rủi ro lãi suất trên thị trường TPCP. Hệ thống giao dịch TPDN thứ cấp cũng đang được HNX xây dựng, nhằm nâng cao tính minh bạch, công bằng cho thị trường", phía HNX cho biết.
Theo sở giao dịch này, đây cũng là ưu tiên của Chính phủ khi yêu cầu rà soát lại điều kiện phát hành TPDN riêng lẻ theo nguyên tắc gắn với công bố thông tin, bổ sung quy định chỉ có nhà đầu tư chuyên nghiệp được phép đầu tư vào TPDN phát hành riêng lẻ; yêu cầu TPDN phát hành riêng lẻ phải thực hiện đăng ký, lưu ký tập trung. Trên cơ sở phương án tổ chức thị trường giao dịch TPDN đã được Bộ Tài chính phê duyệt, HNX cho biết đang chuẩn bị các điều kiện để triển khai thị trường.
Đối với thị trường phái sinh, nơi có tiềm năng phát triển mạnh trong tương lai, HNX nhấn mạnh sẽ phát triển thị trường này trở thành nơi cung cấp các công cụ phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư, cũng như có thêm một kênh đầu tư cho các nhà đầu tư trên thị trường.
"HNX đang nghiên cứu để phát triển đa dạng hóa các sản phẩm, không chỉ tiếp tục phát triển các sản phẩm phái sinh dựa trên chỉ số, mà còn phát triển cả các sản phẩm phái sinh dựa trên các cổ phiếu đơn lẻ", sở này hé lộ.
Sở cũng cho hay đang nỗ lực tìm các giải pháp thúc đẩy đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức.
Ngoài ra, với tiềm năng phát triển thị trường phái sinh hàng hóa, HNX sẽ nghiên cứu triển khai tổ chức thị trường phái sinh trên hàng hóa, trước mắt tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của Việt Nam như cà phê, hồ tiêu, hạt điều, và các nguyên vật liệu như gas, khí tự nhiên, dầu.