• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.224,58 -7,31/-0,59%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 1:55:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.224,58   -7,31/-0,59%  |   HNX-INDEX   221,69   -2,13/-0,95%  |   UPCOM-INDEX   91,53   -0,34/-0,37%  |   VN30   1.276,67   -9,98/-0,78%  |   HNX30   470,73   -5,87/-1,23%
15 Tháng Mười Một 2024 2:02:41 CH - Mở cửa
Thủy sản gặp khó vì “bó” kiểm dịch: VASEP thỉnh nguyện lên Chính phủ
Nguồn tin: Diễn đàn doanh nghiệp | 01/12/2021 10:15:00 SA
Liên quan đến hoạt động kiểm tra hàng thủy sản nhập khẩu dùng làm thực phẩm bị áp vào danh mục “kiểm dịch” gây khó cho doanh nghiệp, VASEP đã có văn bản thỉnh nguyện lên Chính phủ…
 
Theo đó, ngày 29/11/2021, trước những tồn tại, vướng mắc từ việc đưa các sản phẩm thuỷ sản chế biến từ động vật, sản phẩm động vật hoặc sản phẩm có chứa “sản phẩm động vật” (hàng khô, đồ hộp, nấu chín, ăn liền, đông lạnh…) vào danh mục phải kiểm dịch (bệnh) theo Luật Thú y vẫn chưa được tháo gỡ suốt nhiều năm kéo dài, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có văn bản số 127 /CV-VASEP gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, các bộ, ngành liên quan và Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công về việc thỉnh nguyện chỉ đạo việc sửa đổi phù hợp hoạt động kiểm tra nhập khẩu có tên “kiểm dịch” đối với sản phẩm thuỷ sản dùng làm thực phẩm.
 
Theo VASEP, đây những bất cập, vướng mắc tồn tại trong 6 năm qua và chưa được rà soát, sửa đổi theo quyết nghị tại các Nghị quyết số 19/NQ-CP (năm 2016, 2017, 2018, 2019) và Nghị quyết số 02/NQ-CP (năm 2020, 2021) của Chính phủ về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cũng như Nghị định 85/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 quy định thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
 
Theo thống kê và công bố của TFP, số lượng lô hàng vi phạm trong quá trình kiểm dịch các năm qua là vô cùng thấp (Năm 2017: chỉ 4 /tổng số 320.376 tờ khai bị vi phạm, chiếm 0,001%; Năm 2018: chỉ 6/tổng số 183.831 tờ khai bị vi phạm, chiếm 0,01%; Năm 2019: 0/tổng số 320.376 tờ khai bị vi phạm, chiếm 0%). Trong khi đó, các yêu cầu về kiểm dịch, tần suất kiểm dịch và số lượng lô hàng bị đưa vào diện kiểm dịch lại tăng dần lên từ 2010 đến nay.
 
Trong đó, hoạt động kiểm tra Nhà nước đối với hàng thủy sản nhập khẩu được thực hiện theo các quy định tại các Thông tư về “kiểm dịch” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) như: Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT (Thông tư 26), Thông tư số 36/2018/TT-BNNPTNT (Thông tư 36) và Thông tư số 11/2021/TT-BNNPTNT (Thông tư 11) là chưa đúng bản chất của hoạt động kiểm tra này với nhóm sản phẩm thuỷ sản chế biến dùng làm thực phẩm.
 
Với những Thông tư đã nêu, các sản phẩm chế biến từ động vật, sản phẩm động vật hoặc sản phẩm có chứa “sản phẩm động vật” thuỷ sản (dưới dạng: đông lạnh, hàng khô, nấu chín, ăn liền…; chủ yếu là chế biến đông lạnh) vẫn đang tiếp tục thuộc danh mục phải “kiểm dịch”, khiến quy mô, số lượng lô hàng phải kiểm dịch là rất lớn (gần như 100% các container hàng phải kiểm tra trước khi thông quan).
 
Chưa kể, việc duy trì mở rộng các đối tượng/danh mục “hàng chế biến” làm thực phẩm phải kiểm dịch được quy định tại 03 Thông tư này là biện pháp quá mức và không cần thiết, chưa phù hợp với chủ trương cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành của Chính phủ, với quy định pháp luật cũng như thông lệ quốc tế hiện hành.
 
Từ đó, VASEP khẩn thiết kính đề nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo:   Bỏ quy định phải kiểm dịch đối với sản phẩm thủy sản chế biến đông lạnh dùng làm thực phẩm nhập khẩu về để sản xuất xuất khẩu, gia công hàng xuất khẩu, không tiêu thụ trong nước; Bỏ quy định kiểm dịch đối với các sản phẩm thủy sản chế biến nhập khẩu tiêu thụ nội địa được đánh giá không có nguy cơ lây lan dịch bệnh thủy sản vào Việt Nam (các thuỷ sản chế biến dưới dạng đông lạnh, hàng khô… dùng làm thực phẩm cho người).
 
Tối ưu hoá các quy định về kiểm dịch với thuỷ sản sống, tươi, ướp lạnh là đối tượng chủ yếu lây lan dịch bệnh thủy sản trên nguyên tắc là vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh nhưng cũng vừa đảm bảo yêu cầu hội nhập quốc tế (theo các nguyên tắc vệ sinh thú y của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) và các nguyên tắc kiểm dịch nhập khẩu của các thị trường nhập khẩu chính như EU, Mỹ,…) trong cán cân thương mại với các nước và trên cơ sở đánh giá nguy cơ đối với từng dòng hàng và lịch sử tuân thủ của các doanh nghiệp, không kiểm “dàn hàng ngang” 100%.
 
Sớm hoàn tất việc số hóa thủ tục kiểm dịch nhập khẩu để đưa các thủ tục này lên Cổng Thông tin một cửa Quốc gia, không bắt buộc DN phải nộp hồ sơ giấy; Sửa đổi 03 Thông tư (Thông tư 26, Thông tư 36 và Thông tư 11) của Bộ NN&PTNT ngay trong Quý I/2022 để phân định rõ hoạt động kiểm tra nhập khẩu phù hợp với các danh mục sản phẩm khác nhau.
 
Trước đó, như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, sau những phản ánh của cơ quan báo chí và các Hiệp hội doanh nghiệp, ngày 07/7, Bộ NN&PTNT đã có buổi làm việc với 11 lãnh đạo Hiệp hội, Hội, do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì với mong muốn doanh nghiệp đóng góp ý kiến không chỉ về mặt chính sách, thể chế pháp luật mà cả về thái độ làm việc của cán bộ trong ngành nông nghiệp.
 
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng khẳng định, Bộ NN&PTNT mong muốn doanh nghiệp đóng góp ý kiến không chỉ về mặt chính sách, thể chế pháp luật mà cả về thái độ làm việc của cán bộ trong ngành nông nghiệp. Các ý kiến, vướng mắc của doanh nghiệp sẽ được tiếp thu, tổng hợp xử lý, trình Thủ tướng trước ngày 15/7/2021.
 
Thế nhưng, cho đến nay, việc đưa các sản phẩm thuỷ sản chế biến từ động vật, sản phẩm động vật hoặc sản phẩm có chứa “sản phẩm động vật” (hàng khô, đồ hộp, nấu chín, ăn liền, đông lạnh…) vào danh mục phải kiểm dịch (bệnh) theo Luật Thú y dù còn đó những vướng mắc, bất cập gây khó cho hoạt động của doanh nghiệp nhưng vẫn tiếp tục được đưa vào Thông tư số 11/2021/TT-BNNPTNT.
 
Vậy tinh thần cải cách tại các Nghị quyết số 19/NQ-CP (năm 2016, 2017, 2018, 2019) và Nghị quyết số 02/NQ-CP (năm 2020, 2021) của Bộ NN&PTNT ở đâu? Đến bao giờ Bộ NN&PTNT sẽ tiếp thu, sửa đổi? Mong rằng, với chủ trương cải cách xuyên suốt, những vướng mắc, tồn tại sẽ sớm được xem xét, giải quyết.