Tuần tới, thị trường khả năng tiếp tục giằng co mạnh, giữa một bên là tâm lý chốt lời của một bộ phận nhà đầu tư và một bên là hoạt động kéo chỉ số để 'làm đẹp' báo cáo của một số quỹ đầu tư.
(Ảnh minh họa. Nguồn:TTXVN)
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua một tuần giao dịch “sóng gió,” đặc biệt là sự biến động trong hai phiên giao dịch cuối tuần.
Dòng tiền lớn “lưu trú” trong thị trường
Cụ thể, chỉ số VN-INDEX dao động nhẹ quanh ngưỡng kháng cự 1.480 điểm trong 3 phiên đầu tuần. Sang đến phiên kế tiếp, áp lực cung ở nhóm cổ phiếu bất động sản bất ngờ gia tăng đồng thời đã kích hoạt đà bán tháo trên toàn thị trường, VN-INDEX ghi nhận mức giảm 20,7 điểm và lùi về 1.457 điểm.
Nhưng, điều bất ngờ sau đó đã xảy ra trong phiên cuối tuần, VN-INDEX lấy lại gần như tất cả những gì đã mất và chốt tuần ở mức 1.477 điểm (tổng cộng chỉ giảm nhẹ 2,8 điểm so với cuối tuần trước).
Trái lại, HNX-Index đã điều chỉnh xuống trong bốn phiên và hồi phục về cuối tuần, mất tổng cộng 10,6 điểm về mức 445,6 điểm.
Điểm nhấn của thị trường trong tuần là tính thanh khoản cao trong bối cảnh áp lực bán chiếm ưu thế.
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Hà Nội-Sài Gòn (SHS), giá trị giao dịch mỗi phiên đã đạt 36.000 tỷ đồng/hai sàn, tăng cao so với tuần trước đó đồng thời lớn hơn mức trung bình của 20 tuần. Như vậy, giá trị giao dịch cả tuần trên sàn HoSE xấp xỉ 160.000 tỷ đồng (tăng 13,3% so với tuần trước đó) tương ứng với khối lượng 5.104 triệu cổ phiếu (tăng 6,8%). Bên cạnh đó, giá trị giao dịch trên sàn HNX là 19.880 tỷ đồng (tăng 13,9%) với khối lượng 690 triệu cổ phiếu (tăng 9,4%).
Top 5 mã cổ phiếu giảm giá mạnh nhất trên sàn HoSE:
(Nguồn: SHS) - (*) Giá tham chiếu - Đơn vị: Nghìn đồng
Ngoài ra, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cũng chỉ ra một điểm tích cực khác, là các nhà đầu tư nước ngoài đã giảm bán ròng trên sàn HoSE xuống còn 362 tỷ đồng (giảm 81,4% so với tuần trước). Tuy nhiên, họ lại tăng bán ròng trên HNX với giá trị 799 tỷ đồng (gấp 620%).
Điều chỉnh sau giai đoạn tăng “nóng”
Tuần qua, thị trường đã chứng kiến sự phân hóa mạnh của nhóm cổ phiếu ngân hàng và sự điều chỉnh xuống của nhóm bất động sản, chứng khoán.
“Cụ thể, sau giai đoạn tăng nóng - nhóm bất động sản cũng không thể tránh khỏi hiện tượng chốt lời, kéo mặt bằng giá điều chỉnh, như VHM (-1,9%), DXG (-5,0%), NLG (-6,3%). Mặt khác, nhóm thép vẫn chưa thoát khỏi xu thế giảm giá tại hầu hết các cổ phiếu, trong đó HPG (-1,4%), HSG (-1,1%), NKG (-4,2%),” ông Hinh cho hay.
Đánh giá xu thế giao dịch ở tuần cuối cùng trong năm 2021, ông Hinh cho rằng thị trường sẽ tiếp tục giằng co mạnh, giữa một bên là tâm lý chốt lời của một bộ phận nhà đầu tư và một bên là hoạt động kéo chỉ số để "làm đẹp" báo cáo của một số quỹ đầu tư.
“Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có thể hút dòng tiền trong tuần tới và tiếp tục xu thế phục hồi. Nhà đầu tư có thể tái cơ cấu danh mục đầu tư, theo hướng tăng tỷ trọng đối với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc nhóm ngành bất động sản, dầu khí, dán lẻ đồng thời giảm tỷ trọng ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đã tăng nóng trong thời gian qua,” ông Hinh nói.
Về phân tích kỹ thuật, ông Nguyễn Đình Thắng, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội nhấn mạnh VN-Index đã kiểm chứng thành công hai ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn và trung hạn (lần lượt quanh 1.470 điểm và 1.450 điểm) để có phiên cuối tuần hồi phục khá tốt như ở trên.
Dựa trên cơ sở đó, ông Thắng đánh giá xu hướng tăng của thị trường vẫn chưa thay đổi và khả năng VN-Index sẽ hướng đến ngưỡng 1.500 điểm trong tuần giao dịch cuối cùng của năm.
“Trong giai đoạn 2011-2020, VN-Index chỉ giảm điểm trong tuần giao dịch cuối cùng của năm với tần suất 2/10 lần (năm 2012 và 2018). Vì vậy, các nhà đầu tư đã nâng tỷ trọng lên mức cao khi tham gia bắt đáy trong ngày 6/12 có thể canh những nhịp tăng điểm trong tuần tiếp theo hướng tới kháng cự tâm lý 1.500 điểm (nếu có) để chốt lời một phần danh mục,” ông Thắng trao đổi./.
Hạnh Nguyễn